Mẹ còn sống, con khai tử để chiếm nhà

26/08/2016 - 10:06

PNO - “Ông Tư, anh ruột tôi đã chiếm ba căn nhà bên ngoại, nay muốn chiếm luôn căn nhà của mẹ. Năm 2013, mẹ tôi mất, nhưng ông ấy khai tử mẹ tôi từ năm 1992..."

Mới đây, bà Nguyễn Thị Bông ngụ tại P.16, Q.8, TP.HCM cầm đơn đến báo Phụ Nữ TP.HCM kêu cứu: “Ông Tư, anh ruột tôi đã chiếm ba căn nhà bên ngoại, nay muốn chiếm luôn căn nhà của mẹ. Năm 2013, mẹ tôi mất, nhưng ông ấy khai tử mẹ tôi từ năm 1992. Nhà có ba anh em, ông ấy lại khai mình là con một để chiếm toàn bộ tài sản thừa kế. Việc động trời, rõ như ban ngày vậy mà đến nay không ai làm gì được ông ấy”.

Bị khai tử trước khi qua đời... 21 năm

Năm 2011, cụ Nguyễn Thị Ngọc (SN 1926) ở cùng gia đình con trai là Nguyễn Văn Tư trong căn nhà số 70 Tân Hòa Đông, P.14, Q.6. Khi cụ Ngọc định bán căn nhà, ông Tư không đồng ý và thể hiện rằng mình mới là chủ căn nhà này. Trong quá trình lục lại giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu căn nhà, cụ Ngọc tá hỏa khi phát hiện ra giấy “ủy quyền - bán nhà” của mình cho con trai (Nguyễn Văn Tư) dù bản thân cụ chưa từng làm giấy đó. Nghiêm trọng hơn, cụ phát hiện ra mình đã bị khai tử năm 1992.

Với giấy “khai tử” và những lời khai thiếu trung thực khác, ông Tư đã chiếm ba căn nhà của ông bà ngoại (78/32 Tân Hòa Đông, 78/36 Tân Hòa Đông, 78/40 Tân Hòa Đông). Hiện nay, ông Tư đã sang tên ba căn nhà trên cho các con của ông và các con của ông cũng đã bán ba căn nhà này.

Me con song, con khai tu de chiem nha
Bà Nguyễn Thị Bông hiện phải ở nhà trọ, dù bà được hưởng một phần thừa kế của cụ Ngọc

Tháng 11/2011, cụ Ngọc và ông Tư đưa nhau ra tòa tranh chấp căn nhà 70 Tân Hòa Đông. TAND Q.6 đã tuyên cụ Ngọc thắng kiện. Theo bản án (tuyên ngày 16/11/2011), gia đình ông Tư phải giao lại căn nhà 70 Tân Hòa Đông cho mẹ mình trong vòng sáu tháng. Tòa vừa xử xong, ông Tư “nặng nhẹ” với cụ Ngọc, khiến cụ phải qua ở nhà con trai khác là Nguyễn Văn Rớt.

Ông Tư kháng cáo. Tháng 3/2012, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm, bất ngờ bác bỏ kết luận của TAND Q.6, tuyên căn nhà số 70 Tân Hòa Đông thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn Tư. Lúc đó, quan điểm của chủ tọa phiên tòa là “giấy tờ xác định ông Tư làm chủ căn nhà 70 Tân Hòa Đông là hợp pháp”. Trong hồ sơ chủ quyền đứng tên ông Tư, có giấy thể hiện “cụ Ngọc ủy quyền tặng con trai là Nguyễn Văn Tư căn nhà 70 Tân Hòa Đông”. Sự việc mâu thuẫn ở chỗ, nếu cụ Ngọc thực sự tặng nhà cho con trai, thì cụ kiện để đòi lại làm gì?

Không chấp nhận bản án, cụ Ngọc kiện lên cấp giám đốc thẩm. Phiên xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy kết quả xử của phiên phúc thẩm, yêu cầu xét xử lại. Năm 2013, cụ Ngọc qua đời, bà Nguyễn Thị Bông (con gái cụ Ngọc) trở thành “người thừa kế nghĩa vụ tố tụng”, tiếp tục theo đuổi vụ kiện tranh chấp căn nhà 70 Tân Hòa Đông.

Biết giấy tờ giả, công an Q.6 vẫn bó tay?

Trước đó, ngày 9/2/2011, cụ Ngọc gửi đơn đến Công an Q.6, tố cáo ông Nguyễn Văn Tư về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, đặc biệt là tội khai tử mẹ khi mẹ còn sống. Sau khi điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và Công an Q.6 ra quyết định khởi tố ông Nguyễn Văn Tư về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điều 267 Bộ luật Hình sự.

Trong vụ làm giả giấy chứng tử, bà Bông đã làm đơn gửi đến UBND P.14 xin trích lục giấy khai tử (cấp năm 1992) của mẹ mình. UBND phường đã có công văn số 543/UBND ngày 22/10/2011 trả lời là “không tìm thấy tên Nguyễn Thị Ngọc trong sổ bộ khai tử năm 1992”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tư một mực chối, bảo rằng mình không làm giả giấy chứng tử. Đáng nói, ngày 14/10/2010, ông Tư đã đi cùng cụ Liễu (chị gái cụ Ngọc) đến Phòng Công chứng số 7 (TP.HCM) để khai và ký tên vào “văn bản đề nghị nhận thừa kế”. Tại văn bản này, ông Tư và cụ Liễu ký xác nhận dưới biên bản, trong biên bản nêu rõ là cụ Ngọc đã chết từ năm 1992 và cụ Ngọc chỉ có duy nhất ông Nguyễn Văn Tư là con. Ông Tư một mực khẳng định mình không làm giả giấy chứng tử, vậy khi ký văn bản thừa kế, sao ông làm lơ hai nội dung quan trọng là “cụ Ngọc đã chết năm 1992” (dù lúc đó cụ Ngọc còn sống) và “cụ Ngọc chỉ có con duy nhất là ông Tư” (dù cụ Ngọc có ba người con)?

Chẳng những thế, ông Tư còn phủ nhận sự tồn tại của nhiều người bên họ ngoại, khi làm văn bản đề nghị thừa kế và ký tên, trong đó nêu rằng, các anh chị em của cụ Ngọc đều độc thân, đã mất và họ cũng không có con! Trong khi cụ Ngọc có sáu anh chị em, riêng cụ Nguyễn Thị Tây (chị cụ Ngọc) có ba người con, cụ Nguyễn Thị Sáu có hai người con.

Dù vậy, sau gần một năm khởi tố, Công an Q.6 đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với ông Nguyễn Văn Tư (tội “làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”) với lý do thời hạn điều tra đã hết nhưng chưa xác định được đối tượng làm giả giấy tờ và thông báo: khi nào có tình tiết mới, Công an Q.6 sẽ phục hồi điều tra vụ án. Cụ thể, giấy chứng tử (cấp năm 1992) mà công an thu thập được chỉ là bản sao, nếu có bản chính thì mới khẳng định đó là “giấy tờ giả”. Nhưng với lập luận này, nếu không tìm được bản chính giấy chứng tử (cấp năm 1992), Công an Q.6 đành bó tay?

Liên quan đến vụ việc, sáng 22/8/2016, TAND Q.6 mở lại phiên xử phúc thẩm nhưng tạm hoãn do vắng mặt một số đương sự. Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Có dấu hiệu "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản"

Thứ nhất, ông Nguyễn Văn Tư cho rằng mình không trực tiếp làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, nhưng cũng không chứng minh được ai là người thực hiện việc làm giả con dấu, tài liệu này thì phải tự chịu trách nhiệm về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước”.

Thứ hai, giả sử ông Nguyễn Văn Tư không trực tiếp làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước nhưng ông Tư hoàn toàn biết giấy tờ này là giả và sử dụng tài liệu giả mạo này để lừa dối cơ quan, tổ chức, công dân với mục đích chiếm đoạt tài sản thì cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 Bộ luật Hình sự.

Mặt khác, ngày 9/9/2010, ông Tư đã làm tờ tường trình về quan hệ nhân thân và có xác nhận của UBND P.12, Q.6, dù ông Tư và bà Ngọc thường trú tại P.14, Q.6. Việc UBND P.12 đồng ý xác nhận nội dung văn bản trên là vi phạm pháp luật. Điều này cũng chứng minh ý đồ gian dối của ông Tư.

Do các lẽ trên, tôi cho rằng, Cơ quan CSĐT Công an Q.6 ban hành quyết định tạm đình chỉ điều tra là không đúng quy định pháp luật. Tôi cũng cho rằng, cần xem xét ra quyết định khởi tố ông Nguyễn Văn Tư về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Đàm Bảo Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM, Trưởng Văn phòng luật sư Đàm Bảo Hoàng)

Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI