“Bồi”, dọn cái đĩa này cái coi. Làm gì mà lề mề quá vậy. Muốn tui báo lên quản lý không?”, tôi sững sờ khi nghe câu nói với tông giọng cao-quá- mức-cho-phép của con gái. Tôi suỵt khẽ con, vì ngại trước mặt đông người, không tiện rầy la bé. Nào ngờ, chồng và mẹ chồng tôi cười hỉ hả: “Đúng là con nhà tông. Con bé này có tướng làm quan…”. Con gái tôi, chưa tròn 13 tuổi, cười đắc thắng quay sang mẹ: “Con đâu có làm gì quá đáng. Họ sai thì mình phải rầy chứ. Mình bỏ tiền ra mà mẹ”.
Tôi thật sự rất băn khoăn, vì đây không phải lần đầu con có thái độ kẻ cả, hống hách với người khác. Ở nhà, có lần cháu giận dữ, quăng quần áo vào người giúp việc: “Nói bao nhiêu lần rồi. Đừng giặt đồ màu chung với đồ trắng. Cô nhìn đi. Lương của cô làm cả năm cũng không đủ đền cho tui cái đầm này đâu”. Nhắc nhở con, thì ông xã không đồng tình. Ông ấy cằn nhằn, nhà có mỗi mụn con gái. Sau này nhà cửa, công ty, nhà xưởng, nhân viên đều giao lại con quản lý. Con mà không “cứng”, thiên hạ sẽ đè đầu cưỡi cổ.
Tôi lấn cấn mãi điều chồng nói. Đúng là gia sản vợ chồng tôi có được lâu nay không nhỏ, và sẽ giao lại hết cho con gái. Nhưng, liệu thái độ khinh người này, sẽ đưa con đến đâu, vì tôi không nghĩ điều đó sẽ giúp cháu thành công, đặc biệt trong khía cạnh “đắc nhân tâm”. Làm quản lý, điều quan trọng là phải khiến cấp dưới “tâm phục khẩu phục”. Tôi phân vân quá, không biết phải chỉ dạy con như thế nào. Liệu có còn kịp không?
Ngâu My (Q.12, TP.HCM)
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Shutterstock |
Mạnh Hùng (Kỹ sư, Tiền Giang): Tư chất quản lý - không phải muốn là có
Nói thật, mong chị đừng giận, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của chồng chị. Làm quản lý, gánh vác bao nhiêu trọng trách trên vai, hoàn toàn sẽ thất bại, nếu không có chữ “uy” làm đầu. Nói gì thì nói, phụ nữ thiệt thòi hơn đàn ông ở cái chữ uy đấy. Vì vậy, chị đừng hoang mang khi con gái mắng người này, “chỉnh” người kia.
Có thể vì cháu còn nhỏ, nên chưa điều chỉnh được hành vi, giọng nói, thái độ… cho đúng mực. Chị có thể khuyên bảo cháu thêm. Tôi tin, dần dà với tuổi tác, kinh nghiệm sống, cháu sẽ biết điều chỉnh lại, chị không phải lo. Thà rằng có gen điều hành, quản lý con người, cuộc sống như vậy, rồi ta gia giảm từ từ, còn hơn ngay từ ban đầu không có tố chất ấy, sẽ rất khó đào tạo, chị ạ.
Thiên Thanh (đường Lương Định Của, Q.2): “Nhân chi sơ tính bổn thiện”?
Gia đình tôi cũng đồng cảnh ngộ như chị. Chỉ khác là hai con của tôi vẫn còn quá nhỏ. Bé lớn mới học lớp 5, cháu nhỏ học lớp chồi. Vậy mà tôi thường xuyên phải đe nẹt con chuyện các cháu la mắng người giúp việc, tài xế, nhân viên của tôi. Tôi không hiểu các con học ở đâu thói xấu này, vì vợ chồng tôi rất giữ ý - nói năng, hành xử với cấp dưới luôn đúng mực, đặc biệt là trước mặt tụi nhỏ.
Tôi rất đau đầu về vấn đề này. Cứ nghe ông bà xưa dạy “nhân chi sơ tính bổn thiện”, không lẽ ngay từ trong mầm mống tự thân các con đã là những người cậy quyền thế, ỷ mạnh hiếp yếu…
Có vài người quen khuyên, chúng tôi nên hạn chế những hoàn cảnh dễ khiến con phát sinh thói “ông bà chủ”. Chẳng hạn cho cháu tập làm quen với lao động, học rửa chén, xếp quần áo, lau bàn ghế… Nếu di chuyển gần, tập cho bé đi bộ hoặc xe đạp, chứ không phải hễ ra đường là có người đưa, kẻ rước. Tôi cũng thử làm theo, nhưng kết quả nhận được vẫn không mấy khả quan. Đã thế, các cháu còn trách mẹ “ác”, hành hạ chúng…
Gia đình là pháo đài đầu tiên bảo vệ trẻ
Hiện nay, có nhiều gia đình không quan tâm, không nhận thấy mình có trách nhiệm trong phương pháp giáo dục trẻ em. Một số ít gia đình quan tâm thì lại rất lúng túng dẫn đến bất cập.
Sai lầm của người lớn là ở chỗ coi thường giáo dục gia đình, chỉ nghĩ đến giáo dục của nhà trường, giáo dục xã hội. Trong khi gia đình chính là pháo đài đầu tiên bảo vệ hữu hiệu con trẻ miễn nhiễm trước những thói hư tật xấu.
Trước mắt, hai vợ chồng chị My phải cùng ngồi lại bàn bạc với nhau để có sự thống nhất, đồng nhịp trong phương pháp giáo dục con. Không thể để xảy ra trường hợp mẹ bênh - cha mắng hoặc mẹ la, cha bao che. Vì nếu xảy ra hậu quả xấu, cha mẹ chính là thủ phạm, còn con trẻ chỉ là nạn nhân.
Làm cha làm mẹ, chúng ta cần có sự phân biệt rõ ràng giữa thái độ nuông chiều và tình thương. Cũng như không thể xem việc la mắng, trừng phạt là dạy con. Giáo dục trẻ phải là tạo thói quen. Ví dụ như gặp người lớn phải biết thưa gửi; biết nói lời “cám ơn”, “xin lỗi”.
Cha mẹ hãy giúp trẻ phân biệt rõ ràng giữa đúng và sai, sau đó hướng dẫn bé cách sửa chữa và kịp thời động viên, khen thưởng. Điều quan trọng chúng ta cần nắm rõ là không bao giờ giáo dục trẻ bằng hành vi bạo lực: dọa dẫm, la mắng, đánh đập…
Nhà giáo Phan Thúc Xán (Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp tâm lý giáo dục trẻ TP.HCM)