Lỗi của mẹ, con trả giá

22/12/2013 - 17:42

PNO - PNO - Nói ra chắc sẽ bị nhiều người… ném đá, nhưng cá nhân tôi cho rằng, để con trẻ phải chịu cảnh khổ sở địa ngục ở trường mầm non như thế, lỗi trước hết đa phần thuộc về người làm mẹ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bạn bao nhiêu tuổi, nghề nghiệp ra sao, tích cóp được chừng nào khi quyết định sinh con? Hay bạn “vỡ kế hoạch” ngoài ý muốn? Cả hai trường hợp trên, đều là do bạn ích kỷ, không nghĩ gì đến quyền lợi của con khi quyết định cho nó chào đời. Một đứa trẻ ra đời ở hoàn cảnh mẹ chưa kịp chuẩn bị gì, không sẵn sàng ai đó trông nom, không có tiền bạc để chi dùng khi đau ốm, ba mẹ thất nghiệp hoặc lương còn không đủ nuôi bản thân, thì lỗi đầu tiên là do mẹ nó thiếu chu toàn.

Loi cua me, con tra gia
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bạn có dành chút thời gian để tìm hiểu, lựa chọn, coi ngó kỹ càng nơi sẽ giữ con mình chăng? Hay bạn chỉ nghĩ đơn giản là, đóng tiền rồi mang con đến điểm giữ trẻ là coi như xong nhiệm vụ? Bạn có bao giờ bất ngờ tạt ngang thăm con vào giờ ăn, giờ ngủ, để biết bé an toàn, no ấm? Bạn có hỏi han, quan sát, ôm ấp con không, mà bé bị bạo hành triền miên, đi học như bị đi đày, mà bạn hoàn toàn không nghi ngờ, không nhận ra con mình khổ sở đến vậy? Bản năng làm mẹ để đâu, sự quan tâm chăm sóc của bạn thế nào, hay bạn phó mặc mọi thứ cho cô giáo, cho bảo mẫu, để rồi khi xảy ra cớ sự thì hỡi ôi!

Không ai hiểu con mình bằng mẹ. Câu này chắc không cần phải bàn cãi. Vậy mà, nhiều khi con bị đẩy vào bi kịch cũng vì mẹ thờ ơ, bận rộn cuộc mưu sinh. Khi con bạn đến cửa trường mầm non mà níu chặt lấy mẹ, sợ hãi, nhìn thấy cô là òa khóc không chịu vào, mà bạn vẫn đành đoạn dứt con ra, không mảy may tìm hiểu, thì quả là bạn đáng trách. Khi giữa đêm bé giật mình hoảng hốt, trong giấc ngủ vẫn ú ớ những câu sợ sệt kiểu như “con không đi học đâu”, quấy khóc liên miên dù đi học đã khá lâu, thì chắc hẳn, cô giáo không như mẹ hiền thật rồi. Bạn vô tình đến mức không nhận ra nỗi ám ảnh của con mình ư? Khi cơ thể con bạn thường xuyên xuất hiện vết trầy sướt, dấu bầm tím, những vết đáng nghi, mà bạn vẫn không hỏi rõ nguyên do, thì quả là khó hiểu.

Giữ một đám trẻ lít nhít lau nhau vất vả biết chừng nào. Lương giáo viên cũng chẳng đủ để cô giáo sống thong dong, dư giả. Biết thế, để thông cảm cho nhau. Tôi không xúi bạn mỗi khi con bị bạn cùng lớp cắn hay lỡ bị té ngã thì bạn vội đến trường làm ầm ĩ, “quậy” cô giáo. Nhưng nếu bạn giữ tư tưởng chủ quan, phó mặc, cứ nghĩ giao con cho cô là xong, yên tâm hết mọi bề, thì đúng là sai lầm. Lỗi của mẹ, nhưng trả giá lại là trẻ thơ vô tội.

Tôi biết có những bà mẹ dư giả về vật chất, sẵn sàng chuyển trường cho con ngay lập tức nếu có gì đó không vừa ý mình. Rồi khó dễ bắt đền mỗi khi quý tử gặp chút việc nhỏ nhặt gì đó. Những bà mẹ kiểu ấy cũng làm khổ con mình không kém mẫu bà mẹ bỏ lơ con vì mải lo kiếm sống tối tăm mặt mày. Đâu lạ gì, cảnh vú em ở nhà giàu hành hạ trẻ con “cho bõ ghét”, bởi không chịu nổi thái độ cậu ấm cô chiêu của cả bà mẹ lẫn đứa con khó chiều…

Cho nên, làm mẹ khó lắm chứ, phức tạp và đòi hỏi trách nhiệm nhiều lắm. Để mắt được tới con mọi lúc mọi nơi là chuyện không tưởng. Nhưng cũng phải cố gắng thôi, bởi con bạn, cũng như con tôi, vì tình yêu mà được sinh ra, bé bỏng, thiên thần. Không thể nào để cho “quỷ dữ” đội lốt người hành hạ, giày xéo lên tâm hồn và thể xác trẻ thơ được.


VŨ ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI