Tật đổ thừa - làm sao chừa?

17/03/2017 - 15:39

PNO - Khi trẻ có lỗi, phụ huynh cần ôn tồn khuyên nhủ để trẻ hiểu nhận trách nhiệm về mình không phải là việc quá khó khăn, hay dễ mất uy tín.

Nhà tôi tam đại đồng đường, bọn nhóc “cá mè một lứa” ráp lại, nghịch phá rất dữ. Quậy nhất là Quy, con trai năm tuổi của tôi. Ngặt nỗi, cháu có gan làm nhưng không có gan chịu, thường đổ lỗi cho các bé khác.

Tat do thua - lam sao chua?
 

Tôi đi làm về thấy bức tường bị vẽ bậy, nhìn nét vẽ nguệch ngoạc nhưng khá giống hình xe ô tô nên chắc mẩm tác giả là Quy vì cháu rất mê xe. Hỏi nhỏ gái lớn thì quả đúng là Quy vẽ, nhưng hỏi Quy thì cu cậu chối và đùn cho nhỏ em họ mới ba tuổi. Đến khi bị chị chỉ rõ lỗi, Quy mới chịu nhận nhưng lại đổ thừa tại cô em họ xúi mình làm. 
Quy đi học về chạy tót lên lầu xem ti vi, phải gọi năm lần bảy lượt cậu mới xuống tắm. Bị mẹ la, Quy cằn nhằn do chị không chịu tắt ti vi, chị chặn cửa không cho xuống hay do cầu thang bị ướt nên không dám xuống. Những lần Quy đánh, xô ngã chị em chung nhà, bị người lớn bắt xin lỗi,

Quy vẫn xin lỗi nhưng đổ do bị chị chọc ghẹo hay em giành bánh trái, đồ chơi nên mình phải đánh lại. Tật đổ lỗi này đã có từ hồi cháu mới ba tuổi. Tôi biết là không ổn nhưng chẳng biết làm sao để “trừ”. Bà ngoại cháu thì hay mắng: “Mới nứt mắt mà đã học thói vô trách nhiệm. Đàn ông đàn ang gì mà…”. Ba cháu thì cứ cười xòa, cho rằng lớn lên cháu sẽ tự hết và khẳng định đứa khôn lanh mới biết đổ thừa. 

Yến Trân ( Quận 4.TPHCM)

 Vẽ ra hậu quả

Cậu trai lớp 2 nhà tôi thường tỏ ra đắc chí khi trút tội thành công. Cậu đá banh khiến nước bẩn văng trúng người đi đường nhưng lại đổ vấy cho đứa bạn. Tôi bức xúc hỏi: 'Con làm, sao con không nhận?', cậu tỉnh bơ đáp: 'Ngu sao nhận, người ta quay lại đánh mình sao'. Cố gắng không dùng bạo lực để trách phạt con, tôi đề nghị con đứng ở góc nhà, im lặng, khoanh tay suy nghĩ cho tận tường về hành động mình đã làm, về hậu quả có thể xảy đến với người bị đổ lỗi, về khả năng mọi người sẽ chán ghét, coi khinh và nghỉ chơi với mình... Xong, con nói ra những suy nghĩ ấy cho mẹ nghe và tự giác xin lỗi. 

Có khi, tôi bắt con viết ra giấy lời hứa sẽ không đổ thừa người khác và ghi nhận sự tiến bộ của con mỗi lần chiến thắng bản thân. Tật của cu cậu giảm đôi phần từ khi tôi kiên quyết ngăn chặn. 

Kiều Hương ( Q3.TPHCM)

Làm gì có ai thủ phạm

Tôi không nhìn chuyện đổ thừa của trẻ là một cái tật, không phán xét ở góc độ đạo đức, nhân cách gì cả. Tôi biết con có những khó khăn, thử thách riêng trong hành trình học làm người. Kể cả người lớn chúng ta có học thức, có trải nghiệm, có bản lĩnh mà đụng chuyện còn đổ thừa, đùn đẩy nhau, huống hồ đứa trẻ lên năm.

Giải pháp của tôi là khuyến khích những biểu hiện tích cực ở con như: nhận trách nhiệm, tôn trọng sự thật. Trước việc con làm, tôi rất ít khẳng định đó là lỗi, là điều phải khắc phục, không được tái phạm. Tôi cố gắng tạo không khí nhẹ nhàng, thoải mái, an toàn để việc trẻ dám thừa nhận hành động đã làm.

Cuối tuần rồi, cái áo mới tinh của tôi bị lũ nhỏ (con tôi cùng các cháu nhà chị tôi sang chơi) cắt nát. Về nhà, thấy cái áo te tua, dù giận sôi gan nhưng tôi biết trách phạt, cố truy ra thủ phạm thì ắt chúng sẽ chối bay biến. Tôi tập trung chúng lại, nhẹ nhàng hỏi các con chơi trò gì, có thích không? Khi chúng có vẻ hào hứng, nhập cuộc, tôi hỏi: “Cái áo mới cắt này, các con thấy không? Chắc bé nào mượn áo để tập luyện môn thủ công hay cắt may gì đó phải không? Cắt như thế có lâu lắm không?”.

Thế là đứa cháu tôi tự nguyện nhận mình là tác giả và còn có vẻ tự hào. Vẫn với thái độ bình thản, tôi trao đổi với các bé về sự thú vị của trò chơi, về sự khéo tay, sự an toàn khi cả nhóm chơi với vật nhọn, dặn các con hỏi người lớn khi chọn mẫu vật để chơi, tránh chọn nhầm những đồ quan trọng… Tôi không quá hà khắc, để chừa chỗ cho sự thật lên tiếng.  

Nhân Trần ( Q. Thủ Đức. TPHCM)

Nhận trách nhiệm về mình, đâu quá khó!

Người cha trong tình huống của chị Yến Trân đã ngộ nhận khi cho rằng đứa khôn lanh mới biết đổ thừa. Sự ngộ nhận này vô tình “nuôi dưỡng” một thói xấu tai hại cho thân phận đứa trẻ về lâu về dài: trẻ trở thành người hèn nhát, luôn trốn tránh trách nhiệm. Nên nhớ quy luật tâm lý là “gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Cha mẹ phải lo chẩn đoán đúng nguyên nhân để khắc phục khi thấy con có tật đổ thừa.

 Lứa tuổi mầm non (ba-sáu tuổi) có những đặc trưng về tâm lý như sau: thiên về cảm tính; tư duy trực quan sinh động pha chút hình tượng; thường lẫn lộn giữa thực tế với hình ảnh tưởng tượng trong đầu; sợ bị trách phạt; muốn được an toàn dù vẫn ham khám phá cái mới  lạ… 

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ đổ thừa, nhưng cơ bản là trẻ sợ bị trách phạt. Nguyên nhân này thường thấy ở những gia đình quá nghiêm khắc, hay trừng phạt bằng đòn roi. Cần sớm khắc phục bạo lực gia đình, thay vào đó là kỷ luật tự giác.

Thứ hai, trẻ lẫn lộn giữa điều tưởng tượng với thực tế. Phụ huynh cần giúp trẻ phân biệt bằng trò chơi đúng-sai (đặt ra những câu hỏi cho bé trả lời rạch ròi đúng hay sai). Thứ ba, trẻ đổ thừa như một phản xạ tự nhiên (thói quen vô thức, quán tính), phụ huynh cần thay thế thói quen có hại này ở trẻ bằng thói quen trung thực trong lời nói cũng như trong hành động ở trẻ bằng con đường kiên trì rèn luyện. Nên nhớ, thay thế một thói quen đã thành quán tính thì cần nhẫn nại trong thời gian dài.

Cuối cùng là, cha mẹ phải làm gương bằng cách tự giác nhận trách nhiệm về mình cho trẻ noi theo. Ngược lại, khi trẻ có lỗi, phụ huynh cần ôn tồn khuyên nhủ để trẻ hiểu nhận trách nhiệm về mình không phải là việc quá khó khăn, hay dễ mất uy tín, mà ngược lại, nhận lỗi và xin lỗi để sửa lỗi càng làm tăng uy tín cho mình. Tóm lại, tập rèn tính trung thực, trách nhiệm là cả một quá trình, đòi hỏi sự kiên tâm hợp tác giữa các thành viên trong gia đình với tấm lòng bao dung. 


Tiến sĩ giáo dục học VÕ VĂN NAM

(Trường Đại học Sư phạm TP.HCM)
 Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI