Mấy đời bánh đúc có xương...

15/04/2017 - 06:30

PNO - Từng ấy năm “tò vò mà nuôi con nhện”, bây giờ có cảm giác như mình bị phản bội. Hóa ra, công dưỡng dục bấy lâu chẳng đủ vun bồi cho tình thâm hay sao?

Tôi lập gia đình đã 13 năm. Khi hai vợ chồng lấy nhau, tôi đồng ý nhận nuôi con riêng của chồng, lúc ấy cháu mới được 5 tuổi. Ròng rã từng ấy năm, thật lòng, tôi không hề có ý phân biệt “con không phải do mình sinh ra”, vẫn thương yêu, chăm sóc con hết lòng.

May doi banh duc co xuong...
 

Vậy mà bây giờ, khi mẹ ruột của cháu hết hạn hợp tác lao động, quay về nước, hai mẹ con thường xuyên gặp gỡ nhau, thì cháu thay đổi tính nết kinh khủng. Học kém, bị cha gọi điện thoại quở trách, cháu vừa gào khóc vừa đập phá đồ đạc trong phòng riêng.

Khi bà nội vào phòng hỏi sự tình, cháu đổ tội cho tôi: “Tại bả méc cha con. Bả là thứ đàn bà ở nhà chồng nuôi mà không biết điều, lúc nào cũng bỏ bê, không chăm sóc con…”. Thấy con ăn nói khó nghe, tôi bước vào phòng thì cháu đuổi ra, ném đồ đạc vào người tôi.

Tôi nghẹn ứ họng khi nghe cháu hét vào mặt: “Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng!”. Trời ơi, tôi đau lòng quá. Từng ấy năm “tò vò mà nuôi con nhện”, bây giờ có cảm giác như mình bị phản bội. Hóa ra, công dưỡng dục bấy lâu chẳng đủ vun bồi cho tình thâm hay sao?

Yên Khê
(Q.2, TP.HCM)

Tha thứ và quên đi…

Hoàn cảnh tôi cũng tương tự chị. Những ngày đầu lập gia đình, tôi đã phải bỏ ngoài tai lời đàm tiếu của thiên hạ. Nào là “không khéo ông ấy xơi cả mẹ lẫn con”, rồi thì “người dưng nước lã mà, hơi sức đâu mà tin”… Rồi tôi cứ sống thế thôi. Mình thế nào thì cứ thể hiện như vậy.

Nhưng thú thật với chị, tôi đặc biệt thận trọng những lúc muốn trách mắng cháu khi có việc không hài lòng. Tôi luôn chờ sự có mặt của một người thứ ba, ngoài cha con tôi, để bảo đảm là mình công tâm, mình đang dạy dỗ cháu bằng tình thương. Vợ tôi tinh ý lắm, cô ấy nhận ra ngay và lập tức phản đối. Cô ấy khẳng khái: “Cây ngay sợ gì chết đứng.

Con em cũng như con anh, anh cứ dạy dỗ, bảo ban, có gì mà phải giữ ý”. Tôi đã giải thích cặn kẽ: “Cùng một câu nói, nhưng nếu đó là của cha ruột, đứa trẻ sẽ có thái độ tiếp nhận khác so với cha dượng. Anh biết ơn con, đã đồng ý gọi anh bằng tiếng cha thiêng liêng, nhưng muôn đời anh vẫn không phải là cha đẻ, nên thận trọng trong từng tình huống cư xử sẽ tránh được nhiều hiểu lầm đáng tiếc”.

Có lẽ tôi cũng như chị, những người làm cha kế, mẹ kế chúng ta sẽ luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần trong vai trò làm cha mẹ, để mong san lấp khoảng cách, “tuy không có công sinh nhưng còn công dưỡng”. Và tôi thật sự biết ơn cuộc đời, khi ngày cưới của con, con xin tôi dắt tay vào lễ đường, con xin tôi nhận một lạy tri ân, con gửi gắm mẹ nhờ tôi tiếp tục chăm sóc… “Gieo tình thương sẽ nhận được tình thương”, tôi tin là như vậy.

Nên tôi mong chị đừng quá đau lòng, hoang mang hay phẫn nộ. Miễn sao chúng ta đã không làm gì trái lương tâm. Ta đã nuôi dạy các con nên người, tạm hoàn thành sứ mệnh cao cả. Đứa trẻ có hiểu biết thì sẽ có một ngày chúng ngoái đầu nhìn lại, chạy về xin chị tha tội. Bằng không, thì chị hãy tâm niệm “tha thứ và quên đi”, chị nhé.


Đình Tuân
(cán bộ hưu trí, Q.7, TP.HCM)

Hãy lắng nghe tiếng nói trái tim mình!

Vấn đề chị gặp phải rất nan giải. Chúng ta chỉ có thể an ủi một điều rằng, dường như đó chỉ mới là bột phát, theo đánh giá của chị là do tác động từ mẹ ruột của cháu. Tôi nghĩ, chị cần nhờ “cứu viện” từ bà nội và cha của cháu, thậm chí có thể gặp mặt cả mẹ cháu để cùng bàn bạc, tìm hướng ra, vì điều này ảnh hưởng lâu dài đến lối sống, suy nghĩ và cả nhân cách của đứa trẻ.

Những người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan đều cần phải “ra tay”. Tôi cũng hy vọng rằng, chị không quá buồn trách con. Hãy thông cảm vì dẫu sao, chúng cũng đang độ tuổi dậy thì - tuổi “chướng”, muốn khẳng định, bộc lộ cái tôi, thậm chí khá nông nổi, đôi khi ngốc nghếch. 

Chị hãy lắng nghe tiếng nói của trái tim mình. Hãy hành xử như một người mẹ đúng nghĩa. Con hư thì cũng phải ôm chúng vào lòng mà dạy dỗ chứ đâu thể “từ” mặt con, đúng không chị? Bằng như chúng nhất mực đẩy chị ra khỏi cuộc đời thì chị cũng hãy thỉnh thoảng ngoái mắt trông con.

Tôi tin với tấm lòng bao dung, vị tha của chị, nhất định chị sẽ không bỏ mặc khi con cần. Còn hiện tại, có lẽ chị và cả con, cũng cần một khoảng lặng nhất định, cho lòng bình tĩnh lại, để có thể nhìn nhau chỉ bằng con mắt của tình thương.

Chúc chị và gia đình luôn êm ấm, hạnh phúc!

Tình Nguyên
(kế toán, Q.11, TP.HCM)

Tôn trọng, lắng nghe và đối thoại

Chị Yên Khê thân mến!

Trước tiên, tôi muốn nói một điều để chị yên tâm, rằng trường hợp con chị tuy đáng lo nghĩ, nhưng cũng may là khi xảy ra chuyện, cháu đã bước vào tuổi 18. Vì đã có rất nhiều ca tư vấn, các ông bố bà mẹ gặp chuyện đau đầu với con riêng khi chúng còn nhỏ - suy nghĩ chưa chín chắn; đặc biệt là thường xảy ra trong độ tuổi dậy thì. Cảm xúc của con trẻ lúc ấy không kiểm soát được, suy nghĩ thì nông cạn, dễ dẫn đến hành vi bồng bột, nông nổi. 

May doi banh duc co xuong...
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhưng dù với con trẻ ở độ tuổi nào, theo tôi, người lớn chúng ta đều phải cư xử theo nguyên tắc: tôn trọng, lắng nghe và đối thoại. Quan trọng là các bậc làm cha làm mẹ cần phải biết kiềm chế bản thân. Và điều cơ bản nhất vẫn là cần có tình cảm với trẻ. Đấy là thứ tình cảm lẫn cả trách nhiệm, cần được xây dựng ngày này qua ngày khác, chứ không phải ngày một ngày hai mà có ngay được.

Và để cho con và cả mình không bị tổn thương, tốt nhất là người lớn chúng ta đừng nên chấp nhặt trẻ. Hãy kiên nhẫn hơn một chút, để lắng nghe nhiều hơn, trao đổi nhiều hơn. Và điều cần thiết là phụ huynh phải cho trẻ thời gian. Đừng đòi hỏi con phải đáp ứng liền những mong muốn, kỳ vọng của mình. Bởi gì thì gì, chúng vẫn còn là một đứa trẻ ít nhiều nông cạn.

Với con của chị Khê, đã ở độ tuổi trưởng thành, chị nên dùng những khái niệm sâu sắc hơn. Ví dụ khi con nói hỗn, chị cần cho trẻ hiểu rằng: mẹ rất tôn trọng con, mong con tôn trọng mẹ.

Và, để hạn chế dần những xung đột, cha mẹ phải tôn trọng cảm xúc trẻ. Khi chúng đang bực mình, mất bình tĩnh, ta cần cho con thời gian yên tĩnh. Đồng thời, người lớn phải tôn trọng những quyết định, sự lựa chọn của trẻ. Hãy hỏi con lý do và yêu cầu trẻ thuyết phục cha mẹ bằng những lý lẽ chín chắn.

Chị Yên Khê ạ, với con trẻ, cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn trong quá trình giáo dục, với con riêng lại cần nỗ lực gấp nhiều lần. Chúc chị luôn hạnh phúc trong mái ấm của mình.

Chuyên gia tư vấn tâm lý 
Trần Thị Hồng Hà

Thụy Khanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI