Trọn tình yêu thương

03/07/2014 - 11:41

PNO - PN - Dù không biết chữ nhưng ông Nguyễn Văn Ngọc (SN 1961, ngụ ở B12/23C đường Cây Bàng, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM) lại viết tròn chữ hiếu với hai đấng sinh thành nay đã tuổi 90. Bà cụ mù lòa mấy chục năm qua, về sau còn bị...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tron tinh yeu thuong

Chăm sóc cha mẹ già là hạnh phúc của ông Ngọc, bà Hồng

Vì mình là con

Ba mươi năm trước, ông Ngọc kết hôn với bà Nguyễn Thị Hồng, người phụ nữ lỡ một lần đò, ngụ cùng quê nghèo Sóc Trăng. Đói khổ, ông bà dẫn đàn con thơ lên TP.HCM lập nghiệp, khi thì giúp việc nhà, lúc phụ hồ, bốc vác… Những lần về thăm quê, ông Ngọc không cam lòng nhìn cảnh ba má già yếu, bệnh tật phải tự chăm sóc nhau, lọ mọ giặt giũ, nấu ăn. Thương ba má một, ông trách mình đến mười. Không thể bỏ mặc ba má tự chống chọi với tuổi già, ông Ngọc bàn với vợ, xin phép các anh em, rước ba má về TP.HCM. Cả nhà mười mấy người chen chúc trong căn phòng trọ. Căn phòng dẫu chật chội, nhiều chỗ dột nhưng chỗ ông bà cụ nằm luôn lành lặn, khô ráo. “Vì mình là con, có đói, có lạnh cũng phải chịu, phải lo ngay cho ba má vì biết ba má còn sống được bao lâu với mình”, ông Ngọc tâm sự.

Thiếu thốn trăm bề, lãnh tiền công được lúc nào, ông bà mua gạo về nấu lúc ấy. Có khi nửa đêm, đã ngủ nửa giấc, con cháu mời dùng bữa, ông bà cụ lồm cồm ngồi dậy, xì xụp ăn. Đi làm, gặp ai cho gì ngon, bà Hồng cũng gói ghém đem về cho ba má. Phần bà thì chỉ ăn bánh mì không hoặc uống nước trừ bữa khi túng bấn. Bà Hồng rưng rưng hồi tưởng lại thời thiếu đói dưới quê, có khi mùng Ba Tết, bà đã về nhà mẹ ruột xúc ít gạo để nấu cháo cho ba má chồng ăn. Bắt gặp con “trộm” gạo, má bà Hồng la nhưng rồi liền dịu giọng: “Nói vậy chứ, con đã là con của nhà người ta, dù nhà người ta có nghèo khổ, con cũng phải ráng lo chứ đừng khinh khi, ruồng rẫy mà mang tội”. Dù ba má bà Hồng đã mất từ lâu, nhưng ông Ngọc, bà Hồng luôn ghi khắc lời dạy “sống cho trọn tình”.

Một ngày, nhận được thông báo có đoàn từ thiện đến Bệnh viện Bình Chánh mổ mắt miễn phí cho người mù nghèo, ông Ngọc hăm hở chở má đến đăng ký. Khám xong, thấy ai cũng được bác sĩ hẹn ngày phẫu thuật, riêng má mình thì không. Hỏi ra mới biết con ngươi của bà cụ hỏng đã lâu, không phục hồi được nữa. Hụt hẫng, xót xa, ông Ngọc lủi thủi cõng má xuống cầu thang bệnh viện. Cõng xuống mà nghe nặng hơn lúc cõng lên. “Không được thì đành vậy, má cũng quen rồi con!”, ông nghe lời má mà trào nước mắt. Nhiều người đã nói trước rằng mắt bà cụ không còn chữa được nhưng ông Ngọc vẫn đưa đi khám để tìm tia hy vọng cuối cùng. “Vì mình là con nên hễ làm được gì cho má thì ráng làm. Không phải tôi muốn má sáng mắt để tự chăm sóc, để tôi đỡ cực; tôi muốn má được thấy trời đất, cây cỏ, chim chóc, thấy con cháu trong nhà. Chắc má sẽ vui lắm” - ông bộc bạch. Nhìn má quờ quạng tìm giường nằm, gắp thức ăn, vá quần áo (bà cụ không muốn làm phiền con cháu), ông Ngọc không nguôi được nỗi ân hận. Cũng vì nghèo, xưa kia, ông đã không thể đưa má vào bệnh viện để điều trị.

Tron tinh yeu thuong

Bà Hồng thức trắng đêm săn sóc bé Thành bị gãy chân vào Tết năm rồi - Ảnh: Trần Anh Văn

Họa vô đơn chí

Bà Hồng khoe: “Năm 2003 tui trúng số 50 triệu đồng. Vợ chồng tôi mua ngay cái nhà, thoát khỏi kiếp sống trọ”. Tưởng những ngày gian khó đã qua đi, không ngờ tai ương ập đến khi vợ chồng Bé Hòa (con gái thứ tư của ông bà) bị tai nạn giao thông vào ngày mùng Ba Tết Quý Tỵ - 2013 khiến người chồng thiệt mạng tại chỗ, Hòa bị gãy xương đòn, cậu con trai nhỏ mới 13 tháng tuổi bị gãy chân, chấn thương đầu. Lần dò hỏi thăm, tìm được cháu tại Bệnh viện Triều An, thấy mắt cháu nhắm nghiền, băng ca bết máu, bà Hồng thắt tim, thoáng nghĩ dại: “Thành ơi! Con sao rồi Thành ơi! Bà ngoại nè con!”. Bỗng Thành mở mắt, mếu khóc, giơ hai tay đòi ẵm. Ôm lấy cháu, bà mừng quá, vái lạy tứ phương.

Khi tai nạn xảy ra, mười mấy người trong gia đình thì có quá nửa là “đội yếu”, cần săn sóc, chữa trị. Những người còn lại tạm gác việc mưu sinh, chia nhau chạy: lớp lo hậu sự cho chàng rể vắn số, người nuôi Bé Hòa ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, người nuôi bé Thành ở Bệnh viện Triều An, rồi chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng 2. Nén chặt nỗi đau, cả nhà xúm lại nâng đỡ nhau, nương tựa, đùm bọc, cùng tìm lối thoát cho cuộc sống. Mỗi người làm gấp đôi để khỏa lấp chỗ trống trụ cột của chàng rể bạc mệnh, để thoát khỏi tình cảnh “tái nghèo” vì mượn nợ đóng viện phí. May thay, trong lúc khốn khó, ông bà được họ hàng, xóm giềng, đồng nghiệp ở Công ty thực phẩm APT, nơi bà làm tạp vụ giúp đỡ, hỗ trợ phần nào tiền viện phí và động viên tinh thần.

Hai con trai lớn của ông bà đã có vợ, có con ở quê nhưng vẫn cắc củm số tiền đặt lươn, câu cá kiếm được để “viện trợ” cho đại gia đình. Hai con trai nhỏ đi làm thuê xa nhà, thỉnh thoảng về thăm dúi cho mẹ ít tiền phụ nuôi cháu. Riêng ông Ngọc làm nghề chạy xe ôm nhưng do mù chữ, không có bằng lái nên ông chỉ dám chở khách đoạn đường gần nhà. Không kiếm được nhiều tiền, ông thủ phần nội trợ, ở nhà chăm sóc ba má, các cháu.

Gượng dậy sau cơn bão dữ, Bé Hòa đi làm công nhân may. Bé Hòa và bà Hồng tăng ca đến khuya, không dám nghỉ cả ngày cuối tuần, vậy mà nghèo khó vẫn đeo bám, đồng tiền kiếm được cứ như “gió vào nhà trống”, nhất là khi ông bà cụ, các cháu nhỏ đau bệnh. Bác sĩ dặn Bé Hòa sau sáu tháng phải mổ lấy “cây sắt” nẹp xương đòn ra nhưng đến nay đã ngót nghét năm rưỡi… Căn nhà che mưa nắng nhiều năm nay gạch đã mục, dột nát, nước ngập, ông Ngọc mới xin tôn cũ về lợp ở tạm.

Vất vả, thiếu thốn, bà Hồng vẫn không than thân trách phận. Ai cho đồ ăn, bà hăm hở đem về nhà, ngon thì dành cho ba má, ít ngon thì cho các con cháu, sau đó mới tới lượt vợ chồng bà. Lãnh lương, tiền thưởng, bà hí hửng mua về cho ba má khi tô hủ tíu, lúc gói xôi, bánh tằm dù sáng mai, bà ăn bánh mì không, ông uống trà thay bữa ăn sáng... Đến Bé Hiền (con gái thứ năm của ông bà) 20 tuổi mà khờ khạo như trẻ lên 10, bà Hồng muốn chừa phần cho con cũng khó vì "đồ ăn đâu có nhiều, lại phải ưu tiên cho cha mẹ già. Ông bà nội biết sống được bao lâu nên phải ráng lo cho đầy đủ” - bà chân tình. “Sóng trước bổ sao, sóng sau bổ vậy”, nhìn cách ông bà trân trọng, thương kính cha mẹ, các con cháu cũng hiếu thảo theo. Người con đầu là con riêng của bà Hồng cư xử với ông Ngọc như cha ruột; vẫn chăm lo, săn sóc hết lòng khi ông bà nội bị bệnh.

 TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI