Tôi từng là mối đe dọa của con

13/04/2018 - 20:00

PNO - Tôi từng là một mối đe dọa đối với con gái. Từ nhỏ cho tới hết lớp Năm, tôi kèm con học rất kỹ, luôn yêu cầu cháu phải đứng nhất lớp, phải luôn đạt điểm 10.

Thời gian đầu, mọi việc không có gì căng thẳng và cháu luôn là học sinh giỏi, là niềm tự hào của tôi.

Toi tung la moi de doa cua con
Chị Hương Lan và con gái

Năm lớp Bốn, cháu bị sốt xuất huyết, phải nghỉ học hai tuần. Tất nhiên, sau thời gian đó, cháu học không được như trước nữa và kết quả là điểm kém ở kỳ thi cuối kỳ. Tôi hết sức thất vọng, cố động viên, thúc ép con phải lấy lại phong độ với mục tiêu đạt điểm 10 ở tất cả các môn nhằm cứu những điểm kém, để giữ vị trí đứng đầu lớp.

Rồi, tôi nhận thấy con không học hành tự nhiên, vô tư như trước. Cháu thường nhìn tôi bằng ánh mắt lo lắng, sợ hãi. Những khi không đạt điểm 10, con có vẻ lén lút, tìm cách giấu.
May mắn là tôi đã kịp thay đổi, không đòi điểm số nữa. Những chiều con đi học về, tôi chỉ hỏi con có vui không, bạn bè nói với nhau những chuyện gì… Khá lâu sau, con tôi mới vượt qua được những áp lực tâm lý chính tôi đã gây nên.

Hương Lan (Q.1, TP.HCM)

Tôi cho con những "bước lùi"

Nếu xem thành công là điểm số, là học lực loại giỏi, có lẽ tôi đã không thành công khi giáo dục hai con. Con tôi, một cháu lớp 12, cháu đang lớp Chín. Cả hai anh em rất ít lần đạt danh hiệu học sinh giỏi. Thậm chí, con trai lớn của tôi chỉ học hệ giáo dục thường xuyên, song song việc học nghề ở một trường trung cấp. Tuy vậy, tôi rất hài lòng về con.

Còn nhớ khi con trai lớn quyết không vào lớp Mười công lập mà chọn hệ giáo dục thường xuyên, để thử sức với ngành thiết kế đồ họa, tôi rất băn khoăn. Dù vậy, tôi tôn trọng quyết định của con, để con chọn ngành học theo mong muốn.

Thời gian ba năm chứng minh: lựa chọn của con không đúng. Hai năm đầu, con học tốt. Nhưng đến năm cuối, các môn nghề điểm đều không cao. Đi kiến tập, con mới biết mình không hợp làm một designer. Hôm trước tết, con thú nhận: “Ba mẹ ơi, con chọn sai nghề rồi!”, đề nghị chúng tôi giúp chọn lại ngành học”. Nghe con nói, chồng tôi im lặng; còn tôi, hụt hẫng.

Làm sao tôi không tiếc ba năm đưa đón, xăng cộ, học phí, tiền mua bao nhiêu giấy vẽ, bút màu… Nhưng khi nghe con hoạch định hướng đi kế tiếp, tôi lại an tâm. Con tôi chọn thi vào đại học, khối xã hội. Con còn xin: “Con sẽ cố hết sức, nhưng ba mẹ cũng phải cho con một bước lùi.

Nếu con không đậu đại học, mà trúng tuyển nghĩa vụ, thì ba mẹ cứ cho con đi nghĩa vụ, rồi về học tiếp”. Tất nhiên là chúng tôi đành theo con và giờ lại thắc thỏm chờ trông kết quả của chàng, bởi dù gì mọi thứ vẫn đang ở phía trước.

Người thân biết chuyện, nói chúng tôi nuông chiều con quá đáng. Mẹ tôi nói thẳng: “Thằng nhỏ có nhiều tư chất, khả năng. Nếu vợ chồng con nghiêm khắc hơn, buộc nó học hành nghiêm túc hơn, nó sẽ đạt kết quả rất cao”. Tôi biết vậy, và cũng tin vậy, nếu tôi thúc ép con học tập.

Nhưng tôi nghĩ, nếu mình cứ ước mơ, áp mơ ước đó lên con rồi đẩy con dấn tới, không cho con một bước lùi nào, đến khi đối diện thực tế khó khăn nào đó, nếu cha mẹ không là điểm tựa để con… sửa sai, có khi con tôi sẽ… lùi không kịp nữa.

Nguyễn Thụy Diễm Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI