Người vá vết rạn hôn nhân

07/03/2018 - 09:57

PNO - Hơn 10 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, bà Trần Thị Thanh Thủy - sinh năm 1956, Tổ trưởng Tổ Hòa giải khu phố 5, P. Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM - đã giúp hàn gắn tình cảm của nhiều cặp vợ chồng

Nguoi va  vet ran hon nhan
Bà Thủy (giữa) luôn lắng nghe chia sẻ của cán bộ, hội viên về

Gỡ rối “chuyện khó nói”

Đêm khuya, nghe tiếng ồn ào trong xóm, bà Thủy vùng dậy, bung cửa chạy ra. Vợ chồng chị C. (ngụ tại tổ 11, khu phố 5) đang cự cãi, đánh nhau vì chuyện “chồng đòi hỏi, vợ không cho”. Bà Thủy gõ cửa, xót xa khi nghe Th. - con trai chị C., sinh viên một trường cao đẳng - tình thiệt: “Con mặc cảm lắm, chỉ muốn bỏ nhà đi”. Cứ 2, 3g sáng, chị C. và chồng lại lục đục, người chửi, người đánh rầm rầm. 

Dù bị né tránh, song bà Thủy vẫn kiên trì tìm cách gặp mặt, tâm sự. Qua vài lần, chị C. dần mở lòng giãi bày “chuyện khó nói”. Chị đã triệt sản, vợ chồng đều đi làm phụ hồ, công việc vất vả nên đêm xuống, chị chỉ muốn nghỉ ngơi. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, bực quá, chị chọn bài “vạch áo cho người xem lưng” như một cách giải tỏa. Cả khu trọ chán ngán, chủ nhà định “mời” gia đình chị đi nơi khác.

Bà Thủy xin với chủ trọ cho chị C. thêm một cơ hội. Ngày nào cũng vậy, bà Thủy tranh thủ mười, mười lăm phút tỷ tê với chị C.: “Chuyện gối chăn khá tế nhị, vợ chồng nên nhỏ nhẹ nói với nhau, làm um lên chỉ ảnh hưởng xấu đến tâm lý con cái, gây phiền hà cho hàng xóm mà có giải quyết được gì đâu”. “Mưa dầm thấm sâu”, chị C. dần thấy được cái sai của bản thân và cùng chồng thẳng thắn trao đổi, thỏa thuận êm thấm về “chuyện khó nói”. 

Nguoi va  vet ran hon nhan
Song song với công tác hòa giải, bà Thủy (bìa phải) còn chú trọng chăm lo đời sống vật chất cho cán bộ, hội viên

Một chiều thứ Sáu, đang lui cui dọn dẹp nhà cửa, chị T. (ngụ tại tổ 11, khu phố 5) hớt hải chạy tới, nói: “Cô chỉ giùm con viết đơn ly hôn”. Kéo chị lại ghế, bà Thủy thủ thỉ: “Viết cái đơn thì dễ lắm con, nhưng hôn nhân là chuyện cả đời, nếu còn gỡ được thì nên cố gắng”. Chị T. 24 tuổi, bán cá ở Q.4, còn anh S. - chồng chị - 26 tuổi, làm phụ hồ. Anh chị đã có hai bé gái. Trong lúc tâm tình, chị T. cho biết, chị sợ hãi chuyện gối chăn vì luôn có cảm giác đau đớn. Trong khi đó, anh S. lại muốn có thêm một cậu con trai nên thường xuyên “đòi”. Chị T. từ chối nhiều lần, anh S. đâm ra quạu quọ, đánh đập vợ. Bạo lực tình dục và tinh thần dần dà ăn mòn tình cảm vợ chồng. 

Đưa qua Bệnh viện Quận 2 khám, phát hiện T. bị u xơ tử cung, bà Thủy liền vận động nhà hảo tâm mua bảo hiểm y tế tặng chị. Tiếp đó, bà nói chuyện riêng với anh S. về tình trạng sức khỏe và những âu lo của chị T. Sau lần đó, anh S. triệt sản. Vợ chồng lại hòa thuận, yêu thương nhau. 

Phải gỡ đúng “nút thắt” 

Là người mẹ đơn thân, bà Thủy đã trải qua nhiều năm tháng chật vật bươn chải nuôi con, từng làm bánh ngọt bán dạo, rửa chén bát, đi nuôi người bệnh thuê trong bệnh viện. Chính thời gian nhọc nhằn đó đã hình thành nơi bà lòng cảm thông, ý thức về sự sẻ chia với những hoàn cảnh éo le.

“Từ thực tế hòa giải ở cơ sở, tôi nhận thấy bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó, bạo lực tình dục và tinh thần ngày càng tăng. Dù ở dạng nào, nguyên nhân sâu xa đều do bất đồng về quan điểm sống, lười tâm sự với bạn đời hoặc do áp lực kinh tế. Là một hòa giải viên, tôi quan niệm, phải gỡ nút thắt từ từ; nếu do vật chất thì mình giúp giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn làm ăn; nếu do tình cảm thì mình làm nhịp cầu để vợ, chồng hiểu bạn đời hơn” - bà Thủy chia sẻ kinh nghiệm. 

Từ khoảng tháng 4/2017, cứ tối thứ Bảy và ngày Chủ nhật, người trong xóm lại thấy ba mẹ con chị H. (ngụ tại tổ 13, khu phố 5), kéo nhau ra đường lánh nạn. Như thành nếp, chiều thứ Bảy nào anh N. - chồng chị H. - cũng trong tình trạng say bí tỷ, đánh, chửi, khóa cửa không cho vợ con vào nhà.

Qua tìm hiểu, bà Thủy biết vợ chồng chị H. đều làm phụ hồ, ở nhà thuê, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học nên khá chật vật về kinh tế. Một mặt, bà lo quần áo, tập sách, học bổng để con gái chị H. đến trường; mặt khác nhận trợ giúp gạo, nhu yếu phẩm hằng tháng cho gia đình nhỏ này. Đến tháng thứ hai, khi họp tổ dân phố, anh N. rụt rè đứng lên xin lỗi bà con, khẳng định: “Nếu tui còn đánh vợ, bà con cứ báo công an bắt tui”.  Từ đó, anh cũng ngưng rượu chè, cuộc sống gia đình trở lại đầm ấm như xưa. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội LHPN Q.2 - nhận xét: “Chị Thủy là cán bộ Hội bền bỉ với công tác phòng, chống bạo lực gia đình hơn mười năm nay. Tin, quý nên cán bộ, hội viên thường tìm gặp chị tâm sự, nhất là khi trong nhà xảy ra lục đục. Bám sát địa bàn, chị Thủy hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình để có hướng hỗ trợ, rủ rê các cặp vợ chồng ra sinh hoạt Hội, sinh hoạt văn nghệ khu phố. Nhờ đó, đa phần các vụ việc mâu thuẫn, bạo lực gia đình ở khu phố 5, chị Thủy đều hòa giải thành công”. 

THẢO NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI