Xe khách ì xèo trong nội đô Sài Gòn, tai nạn rình rập

11/09/2015 - 14:37

PNO - Theo quy định, phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định phải vào bến xe hoạt động. Tuy nhiên, rất nhiều hãng xe đua nhau tràn vào nội thành.

Đưa cháu gái Bùi Nguyễn Vy Quỳnh (16 tháng tuổi) về quê chôn cất sau tai nạn do tài xế xe Phương Trang gây ra tại khu vực cầu vượt Cây Gõ (Q.6, TP.HCM) sáng 9/9, mọi người trong gia đình như chết lặng. Hiện mẹ cháu, chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (SN 1996) vẫn còn hôn mê tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Còn nhớ, cuối năm 2014, tại giao lộ Phạm Viết Chánh - Cống Quỳnh (Q.1), một vụ tai nạn có liên quan xe khách Phương Trang cũng khiến một người tử vong tại chỗ.

Tình trạng xe hợp đồng lách luật, đón rước khách ngay trong nội đô vẫn ngang nhiên hoạt động mỗi ngày. Và, tai nạn luôn chực chờ.

Bát nháo

Theo quy định, phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định phải vào bến xe hoạt động. Tuy nhiên, rất nhiều hãng xe hiện nay đang lách luật dưới nhiều hình thức, biến xe khách tuyến cố định thành xe du lịch, xe hợp đồng, đua nhau tràn vào nội thành lập phòng vé, bến bãi, hoạt động ì xèo gây bát nháo, mất an toàn giao thông.

Khu vực đường Phạm Ngũ Lão (đoạn gần góc Phạm Ngũ Lão - Đề Thám, Q.1) hiện nay không khác một bến xe. Nơi đây được xem là “thủ phủ” của một hãng xe có tiếng.

Phòng vé của hãng xe này ghi rõ hoạt động dịch vụ du lịch, nhưng hành khách có nhu cầu đi tuyến cố định lập tức được đáp ứng ngay. Hãng xe này chủ yếu đáp ứng nhu cầu khách đi các tỉnh Tây Nguyên.

Hàng ngày, hàng chục xe khách từ 60 - 80 chỗ tập trung về đây đậu choán gần hết mặt đường. Mỗi khi các phương tiện đón, trả khách là kéo theo hàng chục xe buýt, taxi, xe ôm chen chúc nhau giành giật khách vô cùng bát nháo.

Sáng ngày 10/9, có mặt tại khu vực này, chúng tôi tận mắt chứng kiến hai xe khách của hãng xe P.T. vừa trả khách xuống, lập tức ba xe taxi, hai xe buýt cùng đội ngũ xe ôm gần chục người áp sát vào.

Đường Phạm Ngũ Lão bị các phương tiện này choán gần hết. Chật chội, nhiều xe máy tìm cách luồn lách vô cùng nguy hiểm. Nhiều xe ô tô chôn chân tại chỗ. Sau khoảng 10 phút trả khách xong, các xe khách này lại chạy lòng vòng sang đường Lê Lợi “án ngữ”.

Xe khach i xeo trong noi do Sai Gon, tai nan rinh rap
Xe khách lưu thông trên đường Lý Thái Tổ , Q.10. Ảnh chụp chiều ngày 10/9 - ẢNH: PHÙNG HUY

Tương tự, trên đường Lê Hồng Phong (đoạn từ góc Lê Hồng Phong - An Dương Vương đến vò ng xoay ngã bảy, Q.10) và đường Sư Vạn Hạnh (gần góc Sư Vạn Hạnh - An Dương Vương) lúc nào cũng có gần chục xe của các hãng xe P.T., T.B., T.P... dừng đậu, ra vào bát nháo trên đường.

Phần lớn các xe ở đây đưa đón khách đi các tuyến miền Tây và Tây Nguyên. Nhiều hãng xe không ngần ngại ghi rõ tuyến hoạt động để thu hút khách.

Cụ thể, hãng xe T.P. trên đường Sư Vạn Hạnh (P.9, Q.5) ghi rõ trên bảng hiệu tuyến hoạt động TP.HCM - Bến Tre. Trong vai hành khách, chúng tôi mua một vé đi Bến Tre. Lập tức một nhân viên ghi thông tin rồi đưa cho tôi một tờ giấy, thu 69.000đ (cao hơn giá vé trong bến xe 18.000đ).

Đúng 10g chúng tôi lên xe. Thay vì chạy một mạch ra bến xe miền Tây đi Bến Tre thì chiếc xe khách 45 chỗ chạy lòng vòng từ đường Sư Vạn Hạnh qua An Dương Vương, rẽ vào Nguyễn Chí Thanh, Ngô Quyền… để rước khách.

Trên đường đi, xe liên tục vượt các phương tiện khác. Đặc biệt, mỗi khi gần đến điểm đón khách, tài xế lại vô tư “lùa” hàng loạt xe gắn máy dạt vào lề. Nhiều người không thắng kịp phải rồ ga phóng lên vỉa hè để tránh. Trong khi đó, cứ mỗi khi xe dừng rước khách kéo theo hàng loạt phương tiện phía sau ùn ứ vì không lưu thông được.

Khu vực đường Bàu Cát, Đồng Đen, Hồng Lạc (P.11, Q.Tân Bình) lại là địa bàn hoạt động của các hãng xe chạy tuyến đi miền Trung, miền Bắc. Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực này có không dưới chục hãng xe treo bảng hiệu hợp đồng tour du lịch, nhưng thực chất đây chỉ là hình thức hoạt động trá hình.

Khách có nhu cầu đi các tuyến Nha Trang, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hà Nội… lập tức được đáp ứng ngay. Tuy nhiên, thay vì bán vé xe khách như trong bến, các hãng xe ở đây lách bằng cách thu tiền rồi ghi giấy hẹn hoặc giấy đặt chỗ. Đến giờ khởi hành, nhà xe điều phương tiện đậu trên các tuyến đường gần đó đến đón khách.

Nhiều lúc vào giờ cao điểm, các phương tiện đua nhau chen lấn đổ về gây kẹt xe trên đường Trường Chinh, Âu Cơ…

Không kiên quyết dẹp, nguy cơ tai nạn còn cao

Sáng 10/9, Sở GTVT cho biết, đơn vị này đã kiểm tra và truy xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GPS) của chiếc xe gây tai nạn giao thông (BKS 51B-041.26) trên cầu vượt Cây Gõ qua đó cho thấy tốc độ tối đa của chiếc xe tại thời điểm trước và khi xảy ra tai nạn (từ 7g18 đến 7g20) dao động từ 19km/g đến 51km/g.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI