Không cần phải so sánh con mình, chồng mình với người khác

27/01/2018 - 16:33

PNO - Thay vì luôn so sánh người thân trong gia đình với những người xung quanh, người phụ nữ cần hạn chế sự kỳ vọng, đặt áp lực tâm lý lên chính bản thân mình và các thành viên trong gia đình.

Bạn có muốn là người mẹ tàn nhẫn?

Mỗi người chúng ta là một bản thể duy nhất, khác biệt với tất cả mọi người xung quanh. Kể cả anh chị em sinh đôi cũng không hề giống nhau với tư cách là con người. Họ chỉ giống nhau vẻ bề ngoài, còn con người bên trong (tính cách, sở thích, suy nghĩ, cảm xúc…) của những cặp sinh đôi cũng có rất nhiều khác biệt. 

Khi cha mẹ so sánh con mình với con nhà người ta, đó là điều vô lý, thiếu hiểu biết. Thậm chí, cách cư xử ấy chứng tỏ cha mẹ thiếu tôn trọng, kém lịch sự… với chính con mình. 

Khong can phai so sanh con minh, chong minh voi nguoi khac
Ảnh minh họa

Bản thân người lớn khi bị so sánh với bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy khó chịu. Chúng ta tổn thương khi nghe lời so sánh vì thấy bị coi thường, không chấp nhận, không ghi nhận sự khác biệt của mình. Với trẻ em, hiểu biết và bản lĩnh đều chưa được trui rèn, chưa được trải nghiệm bằng người lớn, sẽ còn tổn thương nhiều đến mức nào?

Hãy đặt mình vào vị trí của con, cha mẹ sẽ thấy phải ngừng ngay mọi so sánh con mình với bất kỳ ai, dù nhân danh tình yêu hay vì lợi ích của trẻ, dù là khen trẻ hơn ai đó. Khi ta so sánh trẻ với ý nghĩa khen ngợi sẽ dễ khiến con ảo tưởng bản thân, hoặc khiến trẻ xấu hổ nếu biết lời khen đó không đúng.

Khi ta chê bai, trẻ sẽ buồn chán, thất vọng về bản thân, oán hận người so sánh; tệ hơn, con sẽ ghen tỵ với người được đem ra so sánh với mình. Vì vậy, mọi lời so sánh chỉ khiến con bất an hơn chứ không mang ý nghĩa giáo dục trẻ như nhiều cha mẹ nghĩ. 

Cha mẹ luôn cho rằng, mình nêu ra cái hay của người khác như một tấm gương để con mình học theo, nhưng vô tình lại khiến trẻ cảm thấy đang bị so sánh ngầm. Nhiều trẻ tâm sự với tôi, con rất khổ sở, bất mãn khi bị cha mẹ đem ai đó ra làm gương cho mình. Dù không bị chê nhưng trẻ vẫn thấy cha mẹ không chú ý đến mình, không yêu thương mình, coi trọng người khác hơn. Thậm chí có trẻ chia sẻ đã có cảm xúc ghen tỵ, thù ghét người chị giỏi giang luôn được cha mẹ khen. 

TS Phạm Thị Thúy 
(Học viện hành chính quốc gia)

Đừng đẩy người thân vào ngõ cụt

Người đàn ông nào cũng muốn được bạn đời đánh giá cao, công nhận và ngưỡng mộ. Điều đó giúp họ củng cố giá trị bản thân, có thêm động lực để cố gắng mang niềm vui đến cho những người thân yêu trong gia đình.

Khi thường xuyên bị so sánh với những người đàn ông khác; liên tục nhận lời chê bai, than phiền, trách móc từ phía vợ, người chồng cảm thấy không được tôn trọng, tin tưởng, vì vậy mâu thuẫn trong gia đình sẽ ngày càng gia tăng, anh ta dần mất đi nhu cầu tâm sự, chia sẻ cùng bạn đời; sẽ tìm kiếm sự đồng cảm, công nhận giá trị ở bên ngoài, nguy cơ dẫn đến ngoại tình rất lớn. 

Khong can phai so sanh con minh, chong minh voi nguoi khac
Ảnh minh họa

Những đứa trẻ cũng sẽ gặp khó khăn về tâm lý nếu liên tục bị so sánh, chê bai, chỉ trích. Mỗi đứa trẻ là một cá thể hoàn toàn khác biệt về tính cách, khả năng, sở thích, thói quen… Trí thông minh của mỗi người cũng khác nhau; có trẻ có thế mạnh về lĩnh vực, khả năng này nhưng trẻ khác lại vượt trội về lĩnh vực, khả năng khác.

Việc luôn bị so sánh với bạn bè sẽ khiến trẻ bị áp lực nặng nề, đau khổ, dằn vặt vì không đáp ứng được kỳ vọng, mong muốn của bố mẹ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng học tập và sự nỗ lực của trẻ. Trẻ cũng ghen tị với những đối tượng so sánh, đồng thời giảm đi sự giao tiếp và chia sẻ cùng bố mẹ. Dần dần trẻ đánh mất hình ảnh bản thân, không còn tin vào chính mình, không muốn cố gắng nữa. Dễ thu mình, ngại tiếp xúc và không ít trường hợp trẻ có vấn đề trầm cảm, rối loạn lo âu. 

Vì vậy, thay vì luôn so sánh người thân trong gia đình với những người xung quanh, người phụ nữ cần hạn chế sự kỳ vọng, đặt áp lực tâm lý lên chính bản thân mình và các thành viên trong gia đình. Chị em cần hiểu và chấp nhận sự khác biệt về tính cách của người bạn đời, nhận biết khả năng, tôn trọng sự phát triển tự nhiên của con cái.

Khi muốn nêu những tấm gương tốt để người thân trong gia đình học hỏi và có động lực thay đổi, phấn đấu, người phụ nữ phải thực sự khéo léo, biết cách dẫn dắt, lồng ghép vào câu chuyện sao cho nhẹ nhàng, tự nhiên. Bên cạnh đó, sự động viên, khích lệ, nâng đỡ và luôn đặt niềm tin sẽ giúp người chồng và các con luôn cố gắng làm những điều tốt nhất trong khả năng.

ThS tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân
(Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI