Công thức kỳ diệu giúp tôi không còn lo lắng về tiền bạc

18/08/2015 - 05:30

PNO - Lập ngân sách chi tiêu theo công thức cơ bản 50/20/30, bạn sẽ làm chủ được tài chính của mình và sẽ thôi sợ hãi hay ám ảnh vì tiền.

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi biết tới khái niệm “lập ngân sách chi tiêu”. Cảm giác giống như lần đầu tiên gặp người sau này trở thành chồng tôi: về tổng thể rất ấn tượng nhưng lại rất khó nắm bắt chi tiết nên khó nhớ.

Tôi đã có một cuộc thảo luận với ông xã cô bạn thân nhất của tôi. Đó là một người rất hiếm gặp trong cuộc đời tôi khi đó - một người nói chuyện về tiền bạc một cách hoàn toàn cởi mở và thẳng thắn.

Khi bạn lớn lên mà không có tiền như tôi, cảm giác thật khổ sở và khó chịu. Căng thẳng và giận dữ triền miên. Bạn sẽ bị mặc định rằng, một mặt mình ghét tiền bạc, mặt khác lại không thể cưỡng nổi sự thôi thúc phải kiếm thật nhiều tiền. Làm sao mà có thể tìm được niềm vui trong áp lực kiểu đó?

Cong thuc ky dieu giup toi khong con lo lang ve tien bac

Tôi cũng trải qua thời túng quẫn, đến một xu cũng chẳng còn. Không mục đích, vẫn còn trẻ và lúc nào cũng khắc khoải câu hỏi: Tiền của tôi đi đâu hết rồi?

Vì vậy, khi bạn tôi nói về thứ liên quan tới “ngân sách chi tiêu” kỳ diệu ấy, thứ đã giúp anh ấy có được sự kiểm soát hoàn toàn – và cả tự do nữa – tiền bạc của anh ấy, tôi vẫn cảm thấy vô cùng nghi ngại.

Tôi nghĩ ngân sách kiểu đó chỉ dành cho người giàu thôi. Lúc nào cũng ám ảnh vì tiền thì làm sao mà tìm thấy niềm vui trong những thứ khác được? Thế là tôi lắc đầu một cách lịch sự khi anh ấy chỉ cho tôi thấy giấy tờ lập ngân sách chi tiêu.

Tôi cũng ngồi lặng im khi anh ấy nói với tôi về cách rà soát những khoản chi của mình. Và rồi tôi gạt đống tài liệu đó sang một bên, bỏ xó nó suốt 2 năm trời, chẳng thèm một lần đụng đến.

Nhưng chuyện đó lại xảy ra một lần nữa. Vào một ngày cuối năm, chồng tôi (khi đó mới là người yêu) cùng tôi ngồi lại với nhau để tìm hiểu xem tiền của chúng tôi cứ đi đâu hết vậy. Có điều gì đó đã thay đổi.

Tôi lục tung đống giấy tờ cũ bạn đưa cho tôi và bắt đầu nhập số liệu của chính mình vào. Nó sẽ tuân theo công thức cơ bản là 50/20/30. Có vẻ đơn giản đến nỗi tưởng như thật ngớ ngẩn. Vậy mà tôi lại để mấy đồng tiền đó dọa dẫm mình, hết lần này tới lần khác, suốt một thời gian dài như vậy. Thật không tin nổi!

Cong thuc ky dieu giup toi khong con lo lang ve tien bac

Bước đầu tiên là nghĩ về những khoản tiền tôi kiếm được một cách tổng thể. Khi bạn thêm vào những chi tiêu trong tháng và nhìn vào tổng thể, bạn biết chính xác thứ bạn đang xử lý – không nhiều hơn, cũng chẳng ít hơn.

Lấy khoản tiền 10 triệu làm ví dụ. Đây là cách chia nhỏ khoản tiền này theo công thức trên:

- Dành 50% (5 triệu) cho việc thanh toán các hóa đơn (thuộc phạm trù “những thứ bạn cần” như tiền mua thực phẩm, tiền xăng xe, điện thoại…)

- Tiết kiệm 20% (2 triệu) cho các mục tiêu của bạn (như mua xe hơi, khoản chi tiêu khẩn cấp khi đau ốm…)

- 30% cuối cùng (3 triệu) cho các chi phí trong tháng (thuộc phạm trù “những thứ bạn muốn” như ăn nhà hàng, mua giày dép mới, đi xem phim…)

Cong thuc ky dieu giup toi khong con lo lang ve tien bac

Tất nhiên, bạn có thể thắc mắc ngay là: Điều gì xảy ra nếu 50% không đủ để thanh toán mọi hóa đơn sinh hoạt của tôi? Nếu điều đó xảy ra, bạn hãy lấy tiền từ khoản 30% dành cho những thứ bạn “muốn” để bù đắp cho những thứ bạn “cần”. Bởi lẽ khoản chi tiêu “những thứ mình muốn” mang tính linh hoạt nhất và do đó là nơi dễ dàng nhất để cắt giảm.

Như thế, sẽ có những tháng thay vì công thức 50/20/30, sẽ trở thành 55/20/25 hoặc thậm chí 60/20/20. Trường hợp bạn đã lấy toàn bộ phần “muốn” mà vẫn không bù đắp hết phần “cần”, có lẽ đã tới lúc phải cắt giảm chi tiêu thực sự hoặc bắt đầu tìm cách kiếm nhiều tiền hơn.

Một khi tiền bạc của tôi được phân bổ theo những công thức này, tôi đã có thể nghĩ về nó một cách rõ ràng, mạch lạc. Tôi không còn cảm thấy hoang mang nữa trước những câu hỏi như: tôi có thể mua nhiều hay ít loại sữa chua yêu thích kia; liệu tôi có thể đặt trước một kỳ nghỉ dài hay chỉ đủ tiền đi du lịch 2 ngày cuối tuần?

Giờ thì thay vì sợ hãi, ghét bỏ tiền bạc, tôi xem nó như một công cụ. Thứ công cụ mà khi bạn sử dụng một cách chính xác có thể tạo nên cuộc sống vui vẻ mà bạn mong muốn. Tiền bạc không còn là thứ gây tranh cãi nữa. Nó trở thành thứ để bàn luận, để chia sẻ, thậm chí để yêu.

Huyền Nguyễn (Nguồn: Daily Worth)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI