Hổ Quyền xứ Huế

22/06/2013 - 12:11

PNO - PN - Không phải ai thăm xứ Huế cũng từng đặt chân đến Hổ Quyền, có lẽ họ cho rằng đó chỉ là phế tích nhỏ, không hoành tráng như các lăng tẩm, thành quách quen thuộc. Thật đáng tiếc, vì Hổ Quyền từng là đấu trường voi-hổ của nhà Nguyễn, duy nhất không chỉ so với các vương triều châu Á mà có thể là duy nhất trên thế giới.

Theo đường Bùi Thị Xuân bờ Nam sông Hương, ngược lên phường Đúc, qua đến phường Thủy Biều, cách trung tâm thành phố Huế chừng 5km, hỏi lối vào Hổ Quyền người dân sẽ chỉ một con ngõ nhỏ. Sau bao thăng trầm gần 200 năm, giờ đây nhà cửa làng xóm chen kín đến tận sát một bức tường thành xây gạch uốn vòng nhuốm màu thời gian. Thoạt nhìn chỉ thấy giống như một đoạn tường hoàng thành nhưng thấp hơn nhiều (cao chừng 5m). Tường xây rất chắc chắn, từng quãng ngay dưới đường gờ chỉ đắp nổi là những miệng ống xả nước mưa hình đầu hổ, trên cùng là dãy tường hoa trang trí giản dị. Khi dạo bước một vòng theo chân tường, du khách mới thực sự cảm nhận quy mô và ý đồ tổng thể của việc xây dựng một đấu trường hình tròn. Được biết, đấu trường này vua Minh Mạng cho xây dựng năm 1830, là nơi nuôi nhốt hổ và sân đấu voi - hổ, có khán đài cho vua quan nhà Nguyễn dự khán trên mặt thành cao và an toàn.

Ho Quyen xu Hue

Bậc cấp lên khán đài

Chúng tôi thận trọng theo những bậc cấp đã nứt vỡ thử trèo lên mặt thành, nhưng cũng phải dừng lại ở những bậc cuối vì có bảng cảnh báo nguy hiểm. Có hai lớp tường gạch, lớp trong cao hơn lớp ngoài, còn thấy rõ các bệ ngồi, từ đây nhìn xuống sân cỏ tròn của đấu trường tưởng như còn thấy những trận đấu voi - hổ khốc liệt của quá khứ. Theo sử cũ, thực ra hổ đã bị bẻ hết nanh vuốt, và cuộc đấu chính là một cách huấn luyện đội Kinh Tượng - voi chiến của nhà Nguyễn.

Toàn bộ đấu trường chỉ có một cửa lớn phía tây bắc, cao rộng, là lối vào cho voi. Cửa này nhìn thẳng vào cửa năm chuồng hổ bên kia thảm cỏ sân đấu, trên trụ còn dấu tích hai chữ “Hổ Quyền”.

Ho Quyen xu Hue

Cửa dành cho voi vào đấu

Cửa các chuồng hổ hướng vào sân cỏ còn nguyên dấu tích các rãnh trượt trên tường của loại cửa sập, xưa quan quân dùng tời đặt trên mặt thành để kéo đóng mở tùy yêu cầu trận đấu. Thời các vua nhà Nguyễn, việc luyện voi chiến qua các trận đấu voi - hổ có từ rất sớm, thoạt tiên tại các bãi đấu trên cồn Dã Viên, nhưng đã từng xảy ra những tình huống nguy hiểm cho quan quân khi hổ dữ cùng đường. Từ khi có Hổ Quyền, các trận đấu luyện voi an toàn hơn và dần mang tính giải trí. Càng về sau, mỗi năm thường chỉ có một lần đấu voi - hổ và trận giao đấu cuối cùng diễn ra năm 1904 dưới triều vua Thành Thái.

Để có hiểu biết đầy đủ hơn về đội Kinh Tượng của các vua nhà Nguyễn, sau khi thăm Hổ Quyền chúng tôi ghé viếng điện Voi Ré gần đó. Điện này là nơi ghi nhớ công tích của những chú voi chiến đã xông pha trận mạc giúp nhà Nguyễn, nay có mộ nằm đó. Trước điện còn có hồ rộng, là nơi voi uống nước trước khi được dẫn sang Hổ Quyền giao đấu với hổ dữ.

Ho Quyen xu Hue

Năm cửa chuồng hổ

Được biết thêm: Vùng đất quanh đồi Long Thọ, nơi có cụm di tích độc đáo Hổ Quyền - Voi Ré còn có tên gọi dân gian là Thành Lồi, hồi thế kỷ thứ IV vốn là kinh thành Kandapurpura (Phật Thành) của nước Lâm Ấp người Chăm.

 Nguyễn Việt Bắc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI