“Dọa” con

17/12/2013 - 16:07

PNO - PN - Những ngày gần đây, mỗi lần ra đường cùng con, tôi lại như có một ông cụ non đi bên cạnh, cứ nhắc mẹ đề phòng cái này, coi chừng cái kia. Dù hơi lo lắng, nhưng tôi lại không bất ngờ khi đứa con trai sáu tuổi vốn dạn dĩ,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đó là lần tôi dắt con theo chị đi chợ quê. Thấy một bà cụ rách rưới đang ngồi ở góc chợ, tôi dắt con tiến lại chỗ bà, toan bỏ mấy đồng tiền lẻ vào chiếc nón cời bà đang chìa ra phía trước. Tôi vừa mở lời nhắc Ken chào bà cụ thì chị vội vã chạy lại, níu tay cháu: “Ken lại đây với dì”, rồi quay sang tôi, làm ra vẻ nghiêm trọng: “Phải tập cho con biết cảnh giác với người lạ, không lại bị người ta lừa, rồi bắt cóc mất”. Trong lúc tôi chưa biết phải làm sao để hóa giải “lời dạy” của chị trong đầu óc non trẻ của con, thì trên đường về, mẹ con tôi lại được “mở mang” bao nhiêu câu chuyện lừa đảo, bắt cóc rùng rợn. Chị nhiệt tình dẫn chứng, kèm những lời cảnh báo nặng nề, đặng nhắc cho cháu nhớ là phải tránh xa người lạ.

Tôi chẳng lạ gì cái tính hay lo của chị, thấy con cháu đâu là chị dặn dò, cảnh báo đủ điều. Nhưng sự thay đổi của Ken sau một tuần ở với chị cứ làm tôi trằn trọc mãi. Lối suy nghĩ tiêu cực và phương pháp giáo dục đầy đe dọa của chị đã vô tình vẽ vào tâm hồn con trẻ một thế giới đầy hiểm họa, bất trắc. Niềm tin non nớt của con về thế giới tươi đẹp ngoài kia đã bị lấn sân bởi bao nhiêu nỗi lo sợ.

“Doa” con

Đã hai năm kể từ ngày bé Na, con gái chị quyết định về quê, từ bỏ giấc mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch, rời bỏ cái thành phố “ồn ào, nhiễu nhương” này, nhưng tôi vẫn chưa hết băn khoăn. Lên Sài Gòn học đại học hơn bốn năm, cũng chịu cảnh sống chật vật lo toan của những sinh viên xa nhà, nhưng Na chưa bao giờ dám đi làm thêm, vì… sợ. Sợ bị lừa, sợ bị lợi dụng, sợ để người này người kia có cơ hội sai khiến, chèn ép mình. Thấy chuyện làm gia sư là nhẹ nhàng nhất, tôi nhiệt tình hướng dẫn rồi giới thiệu lớp, nhưng Na vẫn cương quyết từ chối. Từ ngày Na không may bị giật mất túi xách trên đường đi học về, anh chị tôi thường xuyên gọi điện căn dặn “Sài Gòn nguy hiểm lắm!”, rồi nhắc con khóa cửa cẩn thận, không được giao du với người ngoài. Chị tôi còn cấm con gái có bạn bè, yêu đương: “yêu đương gì cũng phải đợi học xong, về quê cái đã, ở đó, dân tứ xứ, biết đâu mà lần”. Mà Sài Gòn cũng… nguy hiểm thật, nên tôi không dám nhiều lời, đành ngậm ngùi nhìn cháu mình vừa lao đầu vào học, vừa mong mau qua bốn năm để khăn gói về “đất lành” quê nhà. Mọi thứ diễn ra đúng y như vậy. Mặc cho cơ hội kiếm việc đúng ngành nghề ở quê hầu như không có, mặc cho vợ chồng tôi giới thiệu một chỗ làm tốt, Na vẫn một mực đòi về quê… cho an toàn.

Mỗi lần chị em gặp nhau, chị lại than phiền chuyện đứa con gái tốt nghiệp đại học mà thất nghiệp ở nhà hai năm trời. Rồi “bài ca” cũ được viết tiếp, chị xoa đầu con, vỗ về: “Tội nghiệp sắp nhỏ, cuộc sống dạo rày khắc nghiệt quá, đâu cứ có học, có tài là có chỗ dung thân”.

Cuộc sống cứ thế, đầy hiểm họa, bất trắc, khắc nghiệt trong cái nhìn của cháu gái tôi. Lăng kính xám xịt chị trót đeo vào mắt con mình, biến nó thành đứa trẻ luôn sợ hãi, hoài nghi cuộc đời mà cố thủ trong vỏ ốc, có lẽ cũng hình thành từ những nỗi sợ mơ hồ đang xâm chiếm đầu óc non trẻ của con trai tôi. Dẫu biết chị cũng chỉ muốn con mình đủ hiểu biết để tránh được cạm bẫy, nhưng những căn dặn, cảnh báo cứ lặp đi lặp lại nhiều lần kia, sẽ chẳng làm con trẻ có thêm kỹ năng để ứng phó với bất trắc, mà chỉ lấy mất niềm tin, sự lạc quan của chúng với cuộc đời. Phải chi, thay vì đặt ra những giả thiết u ám, chị chỉ cho con trẻ những điều hay, người tốt, để con có một cái nhìn lạc quan, phóng khoáng. Được vậy, có lẽ cháu gái tôi đã bản lĩnh hơn để bước ra khỏi vòng tay của mẹ.

 MINH TRÂM

Từ khóa Dọa con
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI