Chuyện ở ven sông

19/10/2015 - 07:21

PNO - Nhiều năm rồi, chị không về thăm quê. Từ hồi lấy chồng xa xứ, một năm đôi lần chị về dịp giỗ chạp, tết nhất.

Chị về tới quê lúc xế chiều. Kêu taxi dừng cách nhà mình một quãng, chị kéo vali, đi bộ chậm rãi theo con đường dọc bờ sông. Giờ này, sông như được khoác một tấm voan mỏng, lại rắc thêm chút tro dày dần để che bớt ánh tà huy chói lọi trước khi khuất hẳn.

Ngày trước, những buổi chiều đi học về chị thường lững thững đi dọc bờ sông một lúc rồi mới về nhà. Làn sương chiều phủ trên sông cộng với tầng tầng lớp lớp mây trời làm chị có thể nhìn thẳng vào mặt trời một cách dễ dàng, từng tia sáng lộng lẫy của nó xuyên qua mây xám mới tuyệt làm sao!

Nhiều năm rồi, chị không về thăm quê. Từ hồi lấy chồng xa xứ, một năm đôi lần chị về dịp giỗ chạp, tết nhất. Có khi đi cùng với chồng, cũng có khi, chị về một mình với con gái. Từ khi má mất, chị càng ít về.

Năm nay, không báo trước, chị về nhà chuẩn bị giỗ má. Đang gặp những muộn phiền trong cuộc sống vợ chồng, chị muốn đi một mình cho thong thả, để nghĩ cách mà xử sự cho vẹn toàn.

Con đường nhỏ ven sông trước đây đầy cát, sình, cỏ dại, trồi sụt hụp hưởi từng bước chân người… giờ được phủ bê tông, sạch sẽ. Con đường chỉ lát bê tông bề ngang độ hơn mét, hai bên cỏ mọc chen chúc.

Những bông sài đất cánh vàng, bông xuyến chi cánh trắng xôn xao trên đám lá xanh. Thi thoảng lại thấy những mảng đường bê tông nứt gãy do rễ dừa rễ nhãn trong vườn đội lên, và khách di chuyển trên đường bằng xe máy có khi phải cúi mình né một tàu lá chuối hay mấy chùm xoài treo lơ lửng.

Chuyen o ven song
Ảnh: Khắc Hiếu

Bước chân chị vấp một cái rễ trồi lên mặt đường. Hình như người ta cố tình lát đường mỏng so với dự tính ban đầu, chắc là cho cây thở! Chị lau mồ hôi, nhìn quanh tìm kiếm cái quán nước của người bạn học chung lớp ngày xưa.

Bà mẹ bán nước trà, kẹo đậu, bánh phồng… người cha chở đò ngang rước khách. Cô bạn có cái tên nghe thiệt não nùng: Nguyệt Nga. Tên đẹp mà người cũng đẹp, bởi vậy từ lúc Nguyệt Nga học cấp II, quán nước bên bến sông của nhà cô đã luôn tấp nập người qua lại.

Mỗi người ngang đây đều ghé vào, khi uống ly nước, khi ăn chén chè. Nơi đó cũng từng chứng kiến bao nhiêu mối tình học trò vụng dại khó lòng quên được trong một đời người.

Có những cô cậu rủ nhau vào quán uống nước, nói chuyện với nhau bằng… cán muỗng. Tức lấy cái muỗng chấm nước rồi vẽ chữ hay ký hiệu lên mặt bàn. Kín đáo mà công khai. Vui buồn cũng từ những vệt nước đọc xong là khô liền đó.

Quán nước bây giờ vẫn còn nhưng sao hiu hắt như ánh mắt người cô phụ. Từ ngày có chiếc cầu bắc ngang thay cho bến đò xưa, lũ trẻ ít lui tới vì lẽ có cầu rồi, chúng đi học bằng xe đạp, nhanh hơn.

Chương trình học mỗi lúc mỗi dày hơn, cuốn hết thời gian của chúng, nên hiếm có được phút giây thơ mộng uống nước ăn chè và tỏ tình bằng những chiếc muỗng như lớp cha mẹ chúng khi xưa.

Chị kéo vali đi nhanh tới quán nhỏ. Hình như lâu lắm rồi, quán không được sửa sang, mái lá đã cũ lắm. Chỉ khác chăng người trong quán, khi xưa là bà mẹ già, giờ còn mỗi người phụ nữ trung niên giống như bà chủ quán ngày xưa.

Chủ quán nhướng mày nhìn khách rồi bật dậy, hỏi lia lịa, như sợ không nói sẽ quên: “Nghi đó hả? Mới về hả? Đám giỗ bác Hai sắp tới rồi hả… Mèng ơi…”. Khách cười dịu dàng, kéo túi lấy ra cho bạn một gói quà: “Tui để dành tặng cho bà nè”. Lọ dầu, chai thuốc bổ, chiếc áo lụa, khăn quàng cổ, mấy cái áo pull cho con trai… những thứ mà mỗi khi rảnh rỗi, nghĩ tới bạn, chị lại lăng xăng đi mua sắm.

Chị cầm ly nước bạn mời, ngắm nhìn bạn, tự nhiên thấy trái tim mình nhói lên một chút. Người xưa đẹp não nùng, còn nay…

Nguyệt Nga lấy chồng sớm.

Khi nhiều bạn bè bắt đầu rời làng quê đi học xa nhà, hoặc tìm học một nghề nghiệp nào đó để có thể “trụ” trên cõi đời này, thì Nguyệt Nga phải đi lấy chồng. Chồng là Thạnh, tánh tình rộng rãi xởi lởi, làm nghề trồng, uốn cây kiểng. Nga chưa yêu, nhưng không thể cãi lời cha.

Trước ngày đàng trai qua “coi mắt”, ông còn dặn con: “Ráng mà cư xử cho đúng mực theo lời cha dạy. Con gái như hũ mắm treo đầu giàn, sơ sẩy chút là cả nhà thúi hoắc. Tao với má mày, hồi đó cũng nội ngoại hai bên thấy vừa mắt là cưới, rồi cũng sống với nhau năm bảy mặt con. Coi đi, gần ba chục năm rồi…”

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI