Bản hợp ca của dế

14/05/2013 - 07:50

PNO - PNO - Cả nhà đang thiu thiu ngủ, bỗng nghe tiếng dế gáy vang rền. Lạ thật, nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, đâu có chỗ nào cho dế “trú chân”? Hai con trai bật dậy như lò xo, bốn mắt nhìn nhau rồi nhìn sang mẹ.

Ban hop ca cua de

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Gấu tủm tỉm cười đầy bí ẩn, còn Nhím thì ngọng líu ngọng lo: “Mẹ ơi, dế dáy, dế dáy kìa mẹ!” Mẹ ngồi dậy, định tìm xem anh chàng nhạc sĩ phá bĩnh kia đang “ngự” ở đâu thì Gấu níu tay mẹ lại: “Đừng mẹ, để con!”, rồi chạy tót ra sau chiếc tủ đựng quần áo lôi ra chiếc bịch nylon bị rách có chú dế đang loay hoay bên trong. Nhím nhảy lót tót quanh anh Gấu, miệng líu lo: “A, con dế, dế hát đi, hát nữa đi…”. Đang bực vì bỗng dưng bị phá giấc ngủ nhưng nhìn hai anh em xúm xít bên con dế như muốn bảo vệ nó, mẹ không khỏi buồn cười.

Gấu kể, ở lớp chỉ có các bạn nam chơi dế, các bạn nữ có bạn còn không biết dế là con gì, có bạn hoảng sợ khi nhìn thấy dế. Chiều nay Gấu được một bạn trong lớp tặng con dế, sợ mẹ không cho để trong nhà nên không “khai báo”. Gấu năn nỉ mẹ cho con dế “ngủ chung phòng với mình cho vui”. Mẹ phải thuyết phục hai anh em dọn “nhà” cho chú dế sang một chiếc lon nhựa rộng rãi hơn, để ở phòng bên cạnh, bỏ vào lon vài hột cơm nguội. Gấu bảo “Dế chỉ ăn cỏ thôi, mai mẹ chở con đi hái cỏ cho dế ăn nha”. Mẹ gật đầu cho hai cu cậu an tâm đi ngủ mà chưa biết ngày mai tìm đâu cho ra cỏ. Thời nay người ta không có đất để ở, lấy đâu ra đất cho cỏ mọc.

Hai con ngủ rồi, mẹ vẫn chưa chợp mắt được. Không dưng sự xuất hiện của con dế khiến mẹ nhớ lại thời mình còn nhỏ. Thời ấy, quanh nhà còn nhiều khu đất trống cỏ mọc um tùm, nhà cửa thưa thớt chứ chưa chen chúc nhau như bây giờ, nên có nhiều nơi cho dế sống. Là con gái nhưng mẹ không ham chơi banh đũa, nhảy dây cùng lũ bạn gái mà cứ thích theo đám con trai trong xóm đi bắt dế ngoài ruộng hoặc xem đá dế. Bà ngoại cứ lo mẹ chơi với con trai thì sau này tính tình cũng giống con trai. Dù chưa tự tay bắt được con dế nào nhưng mẹ lại rất thích khi nghe bọn con trai chỉ cách phân biệt các loại dế hay loại dế nào đá “ngon”. Mẹ say sưa theo dõi những trận đá dế của lũ bạn, thuộc cả câu hát để “kích” mấy chú dế ù lì trước mỗi trận đấu: “Quay dế, dế không đá, ngắt đầu têu làm đầu dế…”. Mẹ vui lắm khi có đứa bạn nào đó thảy cho mẹ những chú dế đã sứt càng, gãy cánh sau những trận đấu tơi bời hoặc những chú dế mái không gáy mà cũng chẳng biết đấu đá gì. Có lần, mải đi bắt dế cùng lũ bạn, mẹ quên cả bữa cơm trưa khiến cả nhà nháo nhào đi tìm. Xế chiều, về đến nhà, mẹ bị bà ngoại đánh đòn vì tội đi chơi không xin phép, lại còn bêu đầu ngoài nắng nên bị cảm nắng phải nghỉ học mấy ngày. Lớn lên, đám bạn cùng xóm tản mác khắp nơi, chẳng biết có ai còn nhớ đến thời cùng nhau chọi dế ngày xưa…

Ban hop ca cua de
 

Hôm sau thức dậy, chẳng biết chú dế của Gấu đã chết tự bao giờ. Gấu rơm rớm nước mắt, mẹ phải dỗ bằng lời hứa mua cho con dế khác. Chở Gấu đến trường, Gấu chỉ người bán dế với chiếc xe chở mấy thùng lưới đựng dế phía sau. Nhìn lũ học trò bu quanh chiếc xe, các chú dế thì gáy loạn xạ, không dưng mẹ có một cảm giác là lạ. Ai bảo trẻ con thời nay chỉ biết game online hay những trò chơi hiện đại? Thú chơi dân dã thuở nào vẫn đủ sức thu hút chúng, như các con của mẹ đây thôi. Cám ơn người bán đã đem đến cho lũ trẻ thị thành những chú dế đáng yêu, để các con mẹ vẫn có thể nghe được bản hợp ca tuyệt vời của những “nhạc sĩ dế”, để đám trẻ con ở thành phố biết đến một thú vui dân dã giúp chúng thêm yêu thiên nhiên. Giữa mớ âm thanh hỗn độn, ồn ào nơi phố thị, tiếng dế như bản nhạc với những giai điệu vui tai, vừa lạ vừa quen, nhắc mẹ nhớ về những kỷ niệm tươi đẹp của một thời tuổi thơ êm đềm và hạnh phúc.

LÊ THỊ NGỌC VI 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI