Tuyển sinh 2017, bỏ điểm sàn Đại học: Nhiều chuyên gia lo ngại!

18/12/2016 - 11:04

PNO - Trong khi cử nhân ra trường thất nghiệp hàng dài, thì Bộ GD-ĐT lại bỏ đi quy định điểm sàn để các trường tuyển sinh mà không có bất kỳ quy định nào về chất lượng tuyển dụng khiến cho nhiều người hoang mang.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga xác nhận trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 mà Bộ vừa công bố để lấy ý kiến rộng rãi có quy định bỏ điểm sàn trong tuyển sinh ĐH.

Cụ thể, điều kiện cần là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định. Theo Thứ trưởng Ga, kỳ tuyển sinh năm 2016 dù có điểm sàn nhưng có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đơn đăng ký xét tuyển dù rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy thí sinh đã có sự tính toán, lựa chọn nhất định chứ không phải vào bất cứ trường Đại học nào là xong.

Vì vậy, năm nay Bộ quy định điều kiện cần chung nhất là điểm tốt nghiệp THPT. Còn các trường tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của mình cho phù hợp để đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín.

Tỉ lệ thí sinh ảo sẽ tăng cao?

Trước thông tin trên của Bộ, GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng, khi bỏ điểm sàn sẽ có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển hơn, như vậy tỉ lệ ảo sẽ tăng cao.

Bên cạnh đó, cơ chế phân luồng không phù hợp cũng để lại nhiều hệ lụy. Nếu thí sinh không đánh giá được năng lực và sở thích của mình để chọn ngành nghề phù hợp, thế mạnh bản thân mà chọn vào một ngành, trường mà mình không thích cũng ảnh hưởng tương lai sau này.

Tuyen sinh 2017, bo diem san Dai hoc: Nhieu chuyen gia lo ngai!
Ảnh minh họa.

TS. Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, chỉ rõ, nếu bỏ điểm sàn phải kèm theo tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của các trường không được biến động. Các trường sẽ lấy từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu. Tuy việc, bỏ điểm sàn là lối ra trong giai đoạn khủng hoảng cho các trường ĐH địa phương và trường ngoài công lập khi năm vừa rồi tuyển sinh khó khăn nhưng cũng cần có quy định.

Việc các chuyên gia lo lắng là hoàn toàn chính xác, bởi khi không còn giới hạn điểm sàn, các trường dân lập có thể thỏa sức tuyển dụng mà không bị giới hạn, lúc đó con số sinh viên học Đại học sẽ tăng lên vô cùng mạnh, vì tâm lý người Việt hiện nay nhất quyết phải cho con vào học Đại học dù là học trường nào.

Đáng lo nhất đó là có gần 500 trường ĐH nhưng chỉ có một số ít các trường đạt chuẩn đào tạo nhưng vẫn tuyển dụng nhiều để chạy theo chỉ tiêu và lợi nhuận đào tạo.

Vấn đề thừa thầy thiếu thợ

Có nhiều ý kiến lo ngại sẽ không thể phân luồng được chất lượng sinh viên, trong khi, lẽ ra phải có những định hướng, cách làm đồng bộ để thay đổi nhận thức của người học, thì nay chủ trương này mâu thuẫn. Đây có lẽ sẽ là một yếu tố sẽ tác động đến tỷ lệ người có trình độ cao nhất là đại học và trên đại học tăng lên 2 lần sau 5 năm: từ 4,4% năm 2009 lên 7,3% năm 2014.

Số lượng tăng nhưng theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo - chuyên viên cao cấp, chủ tịch hội đồng khoa học phát biểu trong hội nghị cán bộ của một số trường đại học thì "Giáo dục Việt Nam đang suy thoái nghiêm trọng, như mở ồ ạt các trường Đại học, Cao đẳng. Tình trạng thương mại hóa giáo dục; quá tải trong học sinh các cấp học, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan. Đào tạo dàn trải, thừa thầy thiếu thợ, không đáp ứng nhu cầu công việc trong thực tiễn sản xuất, không đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng".

Chính vì thế, mới có đến 26,2 % cử nhân ĐH ra trường không có việc làm; 70,8 % cử nhân có việc làm nhưng phần lớn là làm trái ngành nghề; chỉ 19% làm đúng ngành nghề được đào tạo. Và thực tế lao động chất lượng cao thất nghiệp còn cao hơn rất nhiều.

Thậm chí, nhiều cử nhân muốn được làm công nhân không hề dễ dàng, họ phải giấu bằng đại học để hy vọng có một công việc ổn định và để vượt qua vòng nộp hồ sơ, phỏng vấn, ứng viên thậm chí phải giả "ngu". Bởi lẽ, nhiều nhà tuyển dụng không thích tuyển cử nhân vào làm công nhân vì tâm lý e ngại họ chỉ làm tạm thời và sẽ bỏ việc bất cứ lúc nào khi tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành học. Hơn nữa, cử nhân có trình độ nhận thức tốt hơn sẽ đòi hỏi và khó bảo hơn so với lao động phổ thông.

Và sự thật là, nhiều cử nhân thấy mặc cảm khi phải vứt xó bằng đại học xin làm công nhân. Nhưng để có thể tự nuôi sống bản thân, chờ đợi cơ hội xin được việc phù hợp, làm đúng chuyên ngành, họ buộc phải làm công nhân.

Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI