Tổng thống Trump ‘kết nối lại’ với nguyên thủ các siêu cường

10/02/2017 - 18:10

PNO - Sự giận dữ của ông Trump sau thất bại tại tòa phúc thẩm liên quan đến sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi dường như cũng nguội bớt, khi truyền thông quốc tế hướng chú ý đến hoạt động đối ngoại của Tổng thống Mỹ.

Chỉ trong vài ngày, tân Tổng thống Mỹ - một chính khách được coi là khó hiểu và có các nước cờ chính trị khó đoán - đã kịp chìa bàn tay thân thiện với ba nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới: Ông gọi điện tuyên bố ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” sau khi gửi thư chúc Tết Nguyên Tiêu đến Chủ tịch Tập Cận Bình và nhân dân Trung Quốc, ông chủ động điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và đón tiếp nồng hậu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến thăm Mỹ. 

Tong thong Trump ‘ket noi lai’ voi nguyen thu cac sieu cuong
Cuộc điện đàm ngày 10/2 là cuộc trao đổi trực tiếp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức - Ảnh: AP

Sáng 10/2, Tổng thống Trump lần đầu có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông nhậm chức ngày 20/1. Trong cuộc điện đàm quan trọng này, Tổng thống Mỹ cam kết tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc", từ lâu vốn được coi là nền tảng trong quan hệ Trung-Mỹ. Nhà Trắng cho biết, "lãnh đạo hai bên đã thảo luận về nhiều chủ đề và Tổng thống Trump đồng ý tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh. Nhà Trắng nhấn mạnh cuộc điện đàm diễn ra trong không khí thân mật, cả hai lãnh đạo đã gửi những lời chúc tốt đẹp đến nhân dân Mỹ và nhân dân Trung Quốc.

Trước đó, Tổng thống Trump gửi thư cho Chủ tịch Tập Cận Bình, cám ơn lãnh đạo Trung Quốc đã gửi thư chúc mừng nhân dịp ông Trump nhậm chức. Trong thư, Tổng thống Trump chúc người dân Trung Quốc Tết Nguyên Tiêu vui vẻ và một năm Đinh Dậu thịnh vượng. 

Trong khi đó, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mang đậm màu sắc kinh tế. Đến Washington lần này ông Abe sẽ thảo luận với Tổng thống Trump vấn đề tạo việc làm và đầu tư của Nhật tại Mỹ. Trước đó, ông Trump từng nêu ra vấn đề thâm hụt mậu dịch với Nhật, cũng như đe dọa áp đặt biểu thuế mới đối với Toyota, nhà sản xuất xe hơi hàng đầu của Nhật.  

Tong thong Trump ‘ket noi lai’ voi nguyen thu cac sieu cuong
Thủ tướng Abe có cuộc gặp gần đây nhất với ông Trump tháng 11/2016 - Ảnh: Reuters

Tháng trước, ông Trump viết trên trang Twitter của mình rằng Toyota đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Mexico để sản xuất xe hơi cho thị trường Hoa Kỳ, ông Trump viết: “Không thể được! Hãy xây nhà máy ở Mỹ, nếu không sẽ phải trả khoản thuế biên giới rất lớn!”. Toyota đáp lại rằng việc này không ảnh hưởng gì, vì mức sản xuất và sử dụng nhân công ở Mỹ không giảm đi. 

Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận cam kết quân sự của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản, điểm mấu chốt về an ninh ở châu Á Thái Bình Dương.

Có thể nói, cuộc điện đàm của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Nga là mờ nhạt nhất. Đối với Tổng thống Putin, đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa họ kể từ khi ông Trum nhậm chức Tổng thống Mỹ. Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết trong cuộc điện đàm, Tổng thống Nga đề xuất khả năng gia hạn hiệp ước kiểm soát hạt nhân Nga-Mỹ New START ký năm 2010. 

Sau khi tham vấn tại chỗ các cố vấn về hiệp định này, ông Trump trả lời ông Putin rằng đây là một trong những “thoả thuận tồi tệ” đối với Mỹ, nhưng có lợi cho Nga, được thực hiện dưới thời chính quyền Obama. Trong khi đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson từng khẳng định ông ủng hộ hiệp ước New START tại buổi điều trần ở Quốc hội. Sau khi cuộc điện đàm được đưa tin, hai thượng nghị sĩ Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Jeanne Shaheen và Edward J. Markey, đã phê phán Tổng thống Trump chỉ trích một trong những hiệp ước kiểm soát hạt nhân quan trọng.

THANH VÂN (Theo Reuters, CNN, USA Today, Xinhua)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI