Ly kỳ chuyện một đứa trẻ có 2 cha

25/07/2015 - 11:20

PNO - PN - Sau hơn 2 năm thụ lý, một lần tạm đình chỉ, mới đây TAND Q.4, TP.HCM lại tiếp tục tạm đình chỉ vụ án “xác định cha cho con” vì chưa lấy được mẫu vật để giám định ADN.

Từ lời người đã khuất

Theo đơn khởi kiện của ông Nguyễn Phúc V. (49 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) vào tháng 10/2013, ông đề nghị TAND Q.4 xác định cháu Q. (bốn tuổi) là con ruột ông. Ông Đặng Văn L. (40 tuổi, ngụ Q.4), đang là cha trên giấy khai sinh của cháu Q. là bị đơn.

Ông V. cho biết, vợ ông L. là bà N. kinh doanh chung với ông từ năm 2002 nên hai người có tình cảm với nhau. Năm 2010, khi cháu Q. chào đời, bản thân ông V. cũng không biết bé là con mình. Chỉ khi bà N. bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, sắp gần đất xa trời, mới gọi ông đến nhà giao cho ông tờ giấy khai sinh, nói bé Q. là con ông và hy vọng sau khi bà chết, ông hãy làm tất cả những gì có thể để nhận lại con.

“Trước khi bà N. mất một tháng, tôi đã tự đi làm xét nghiệm ADN. Khi biết chính xác bé Q. là con mình, tôi rất mừng nhưng vẫn nghĩ hãy để bé phát triển tự nhiên, tôi sẽ âm thầm theo dõi, chăm sóc đến khi bé lớn. Một ngày nào đó tôi sẽ nói với L., xin lỗi L., hy vọng là đàn ông với nhau L. có thể bỏ qua để cùng nhau nuôi dưỡng bé nên người. Không ngờ mẹ bé đột ngột mất nên mọi dự tính không như tôi nghĩ. Nhìn bé lớn lên từng ngày, cái quyền được làm cha cứ thôi thúc tôi muốn nhận cháu”, ông V. nói.

Ông V. cho biết, đúng một năm sau khi bà N. mất, ông đã gọi ông L. ra một quán cà phê để nói chuyện nhưng khi ông đề cập đến vấn đề bé Q. thì ông L. đứng dậy bỏ về, những cuộc điện thoại tiếp theo của ông V. ông L. cũng không nghe. “Tôi đánh tiếng nhờ nhiều người nói với L. rằng hãy nói chuyện với tôi về việc của bé Q., rằng hai người sẽ cùng làm việc để nuôi dưỡng bé nên người, cho tôi cơ hội được gần gũi, chăm sóc bé, được nghe bé gọi tiếng “cha”. Dùng tình cảm để thuyết phục L. không được tôi đành phải nhờ đến pháp luật. Mục đích cuối cùng của tôi chỉ là được nuôi dưỡng và bảo vệ đứa trẻ”, ông V. chia sẻ.

Về phía mình, ông L. cho biết, ông hiện tại đang là cha hợp pháp của đứa bé, ông rất mệt mỏi vì bị đưa vào vụ kiện này. “Vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ, tôi đã rất khó khăn nên thật sự chỉ muốn kết thúc vụ kiện thật nhanh. Từ trước đến nay tôi sống một mực tin tưởng vào vợ, không thấy vợ có chút biểu hiện nào không tốt. V. là người làm cho vợ chồng tôi, hết giờ làm thì về nên khi nghe câu chuyện V. kể, về mặt đạo lý tôi rất băn khoăn, về mặt tình cảm thì rất khó chịu”, ông nói.

“Chúng tôi đến với nhau bằng tình yêu thời sinh viên nên giờ nếu đưa cháu đi giám định thì tôi cảm thấy có lỗi với vợ, với con vì không tin cô ấy. Tôi không muốn có điều tiếng gì không tốt cho vợ sau khi cô ấy mất”, ông L. khẳng định và mong tòa đình chỉ vụ án vì ông V. không đủ điều kiện khởi kiện hoặc tòa phải bác yêu cầu của ông V.

Ly ky chuyen mot dua tre co 2 cha

Không hợp tác giám định ADN, tòa bó tay?

Sau khi thụ lý vụ kiện, tháng 10/2014, TAND Q.4 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) buộc ông L. đưa cháu Q. đến Phân viện Khoa học hình sự-Bộ Công an tại TP.HCM để lấy mẫu vật giám định ADN giữa ông Nguyễn Phúc V. với cháu Q. Tuy nhiên, sau một năm ra quyết định, ông L. không hợp tác đưa cháu bé đến lấy mẫu vật. Phía Chi cục Thi hành án (THA) dân sự Q.4 đã ra quyết định cưỡng chế THA nhưng vẫn không thi hành được. Sau đó, TAND Q.4 ra quyết định hủy bỏ BPKCTT vì lý do phía ông V. tạm thời đề nghị hủy bỏ.

Sau đó, đến ngày 2/6/2015, TAND Q.4 ra quyết định áp dụng BPKCTT mới, buộc ông L. phải đưa cháu Q. đến Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP.HCM để cung cấp mẫu vật tiến hành giám định ADN nhằm xác định mối quan hệ huyết thống giữa cháu Q. và ông V.

Ông Trương Văn Hiền, Chánh án TAND Q.4 cho biết, tòa từng ra quyết định áp dụng BPKCTT, cơ quan THA cũng đã ra quyết định cưỡng chế nhưng vẫn chưa thi hành được vì ông L. không hợp tác. “Vụ án phải giải quyết đúng thủ tục tố tụng, muốn giám định phải có mẫu vật do cơ quan chuyên môn lấy. Vì lấy mẫu vật giám định ADN liên quan đến nhân thân, tình cảm nên ban đầu chúng tôi sẽ thuyết phục đương sự trước. Nếu không được thì về mặt nghiệp vụ sẽ nhanh chóng trao đổi với lãnh đạo để có cách tháo gỡ chứ không kéo dài vụ án”, ông Hiền nói.

Về phía Chi cục THA dân sự Q.4, bà Hoàng Hạnh Thảo, chấp hành viên cho biết, hiện cơ quan vừa nhận được quyết định BPKCTT mới của tòa án, vẫn đang làm đúng thời gian, trình tự thủ tục.

Được biết, theo thủ tục, trong thời hạn 24g kể từ khi nhận được quyết định THA, chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, ấn định phạt tiền trong thời hạn năm ngày. Hết thời hạn mà người phải thi hành không thực hiện nghĩa vụ thì chấp hành viên đề nghị cơ quan thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

 PHƯƠNG DIỄM

Ông Nguyễn Phúc V., nguyên đơn vụ kiện:

Nếu cho rằng tôi nhận con vì tài sản của mẹ bé để lại cho bé thì tôi sẵn sàng viết cam kết không tranh chấp bất cứ tài sản liên quan nào. Mong ước của tôi chỉ là được chăm sóc, đưa đón đứa bé đi học khi L. bận công việc.

Tôi nghĩ, mẹ bé đã mất thì việc có thêm một người nữa để chăm sóc bé sẽ tốt hơn. Tôi cũng từng khẳng định và cam đoan với L. trong các buổi hòa giải, nếu tòa công nhận tôi là cha cháu bé thì tôi vẫn giữ nguyên môi trường bé đang ở với ba L., không làm xáo trộn bất cứ thứ gì. Những gì tôi “xin” chỉ là được làm tất cả những việc mà một người làm cha có thể làm. Tôi vẫn mong muốn mọi chuyện sẽ được thương lượng giữa hai người đàn ông, hai người cha, không phải kiện tụng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI