Cơ bản là buồn

18/03/2015 - 08:06

PNO - PN -Cơ bản là buồn (NXB Trẻ) của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đoạt giải Nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V.

edf40wrjww2tblPage:Content

Anh đã có cái nhìn mới về nỗi đau thời hậu chiến, được gợi ý từ một nạn nhân của Dioxin, cậu bé tên Hữu Nghị ở Biên Hòa.

Tác phẩm xoay quanh cô gái tên X, một đứa con lai không rõ nguồn gốc, tồn tại trong mình câu chuyện của hai phần thế giới. Mối quan hệ của cô với ông John, cựu binh người Mỹ và con đường tìm lại người tình một thời tuổi trẻ của ông trên chiến trường năm xưa mang đến những gặp gỡ lạ kì mà nhờ đó, những câu chuyện về số phận cuộc đời được phơi mở, khi hài hước, châm biếm, lúc giễu nhại, đắng cay…

Co ban la buon

Nhân vật của Nguyễn Ngọc Thuần là J, K, F, X, Z… những thân phận không có một danh xưng rõ ràng. Họ loay hoay đi tìm câu trả lời cho chính bản thân mình trong sự trôi dạt. Giống như con cá ngoi lên bờ và trở thành người, tất cả bọn họ đều có chung một nguồn gốc nhưng vì thù hận, vì sự hạn hẹp của lòng người mà đổ vỡ, chia ly. Hơn nữa, trong chiến tranh không gì là không thể. Bố của X tồn tại hết sức mờ nhạt bằng những hình ảnh xa cách rời rạc, “có thể ông đã hiếp dâm mẹ cô nhưng cũng có thể đó là kết quả của một cuộc tình không bút nào tả hết” (tr.64). Nhưng X thì tồn tại rõ nét giữa lằn ranh “nguồn gốc” mang trong mình nỗi buồn bất tận của thế hệ trong và sau cuộc chiến, sống một đời sống xô lệch cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Nạn nhân chiến tranh trong trang sách của Nguyễn Ngọc Thuần không đơn giản chỉ là người dân Việt Nam. Đó còn là ông John, một người lính Mỹ đại diện cho nhiều người đã cầm súng và bắn rất nhiều, một người bị bóng dáng cuộc chiến đe dọa với chứng bệnh ngáp và sự dằn hắt từ quá khứ. Đó là bà John, người không trong vòng chiến nhưng chiến tranh can hệ trực tiếp đến đời sống hôn nhân của vợ chồng bà, khiến họ không thể có con được nữa.

Hậu chiến tranh, đâu chỉ người dân Việt Nam mới mất mát và tổn thương? Ông John cùng vợ quay lại chiến trường xưa, tìm lại bà Huệ - người tình của một thời tuổi trẻ, chẳng phải để tìm câu trả lời hay bất cứ lí do gì, chỉ đơn giản là có thể tĩnh tâm trở lại, có thể nói lời cảm ơn chiến tranh đã làm cuộc đời ông trở nên sâu sắc. Bà John, sau bao năm bôn ba ở Việt Nam cùng chồng, đã cố gắng hàn gắn vết thương của chồng bằng cách chụp hàng trăm bức ảnh những người đàn bà tên Huệ. Họ, những người phụ nữ Việt Nam, trong bộ ảnh người đàn bà nước Mỹ, tấm nào cũng đẹp, tấm nào cũng rạng ngời. “Vì đơn giản là Việt Nam của bà không có quá khứ” (tr.123).

Những mối tình không trọn vẹn, những gia đình li tán, những nạn nhân của chất độc hóa học… Nguyễn Ngọc Thuần đã kể lại tất thảy những nỗi buồn ấy bằng một câu chuyện khá nhẹ nhàng. “Chiến tranh, thực ra chỉ là một cách tạo ra số phận, nó không có giá trị gì trong vấn đề con người”. Nước Mỹ tạo ra những người như John, định đoạt số phận cuộc đời John là một tên Mỹ ngáp. Rồi vòng quay số phận đẩy John tạo nên những người như X, như Hữu Nghị… Những cá thể ấy, dưới ngòi bút Nguyễn Ngọc Thuần, không được miêu tả thấu tận tâm can, chúng ta chỉ có thể nhìn, dõi theo từng trang sách để thấm hết sự buồn trong những tồn đọng còn lại của cuộc chiến. Bởi, “về cơ bản, chiến tranh là buồn” (tr.98).

Ngân Anh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI