Buổi sáng đẹp trời

19/09/2014 - 08:08

PNO - PNCN - Thằng Tún núp sau cái dáng cao lỏng khỏng của lão sau cú bạt tai trời giáng của ông Chất lác, chốc chốc lại đưa cái vạt áo quăn queo trước mặt quệt nước mắt.

edf40wrjww2tblPage:Content

Buoi sang dep troi

Ông Chất lác tắt ngúm câu chửi khi thấy sự xuất hiện của lão với cây sào lật rơm trên tay. Lão vốn hiền như ao làng, thớ đất, nhưng hễ ai động vào con trai lão, lão sẵn sàng thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Cây sào lão cầm theo có chủ đích. Nhận ra vẻ rúm ró của ông Chất lác, lão nghĩ ông ấy cũng vì thương con như mình, bèn dịu giọng:

- Trẻ con chơi với nhau không tránh được lúc này lúc nọ, ghét nhau buổi sáng, buổi chiều lại thân. Ông làm thế khiến chúng ghét nhau hơn.

Ông Chất lác lúng búng không nói nổi câu nào, cũng không kéo xềnh xệch thằng con về như mọi bận. Lão lừ mắt tỏ vẻ không bằng lòng. Thằng bé lầm lũi nhìn xuống chân mình:

- Con xin lỗi ạ.

Tôi vo không nổi một nụ cười lúc nhìn thấy cảnh tượng tréo ngoe ấy. Nghe tin thằng bé đánh nhau với thằng Cảnh, lão đùng đùng bỏ cả sân rơm chạy đi như để vạch cho đời biết, cái thằng bé lùn tùn đứng ngang hông tôi đây là con tôi.

Thằng Tún hếch cái mũi, ngón cái giơ lên, bốn ngón tay kia khum lại, ra hiệu thán phục với lời nói ban nãy của lão. Lão bế Tún, định đặt nó lên một bên vai cho nó xoa cái đầu lùm xùm tóc của lão với vẻ khoái chí. Nhưng hình như thằng bé lớn nhanh quá, lão nhấc đã nặng tay. Thằng bé nhíu mày, phụng phịu:

- Làm sao để con với tới tổ chim bây giờ?

***

Thằng bé gọi đầu tóc lão là tổ chim. Trưa nọ, một buổi trưa nhạt thếch khiến giấc ngủ cũng lưng chừng không đến, Tún đi bắt chim với thằng Chính. Chiều, nó ngồi ở bậc thềm thẫn thờ nhìn cái tổ chim trên tay mình, mặt méo xệch. Lão vừa mài dao vừa lén đưa mắt nhìn nó. Tôi định quát để Tún thôi ngay hành động ngớ ngẩn của mình đi. Nhìn vẻ mặt thằng bé lúc ấy, tôi nghe buổi chiều như lê thê, không chảy. Quay lại bắt gặp ánh nhìn vẻ như chờ đợi của lão hướng về thằng bé, tôi thở dài cái thượt. Cả lão và thằng bé kỳ quặc hết sức. Đó là điểm chung duy nhất tôi bắt gặp được ở họ. Lão thường bảo “Con không giống cha, thì giống ai”. Tôi cười khẩy “chung ăn chung ở thì đến thằn lằn với rắn cũng phải giống nhau”.

Thằng Tún xoay tròn tổ chim trên tay, ngó trên ngó dưới.

- A! Con biết rồi.

Nó làm tôi và lão giật mình và chính tôi kỳ quặc không kém khi chờ đợi một sự phát hiện (có vẻ như sẽ là kỳ quặc) của thằng bé.

- Cái tổ chim này giống bụi tóc của bố!

Lão nhăn nhó, ra vẻ không tin và cần sự chứng minh từ Tún. Tún day day cái mũi, rất ngộ, nói:

- Cái mùi chua chua thum thủm này ngày nhỏ còn ngồi trên vai bố, con ngửi suốt. Con quên sao được.

Thằng bé đóng đinh câu nói. Lão đưa tay lên đầu, xoa xoa, rồi hít thử.

- Bố có thấy mùi gì đâu?

Mùi của mình thì khó nhận ra bố ạ. Thằng Chính bảo thế. À, không phải, là bố thằng Chính bảo với thằng Chính như vậy. Khi con chê cái áo của nó mùi tanh tanh nhờ nhợ, nó cứ khăng khăng vẫn thơm. Hay đầu thằng Cảnh chua lòm, nó cũng tự ngửi tóc mình như bố ấy, rồi chắc nịch rằng tóc nó không mùi gì hết và nó kể luôn chuyện bố nó đã dúi mũi vào tóc nó suốt buổi trưa oi ả hôm đó để bảo vệ ý kiến của mình.

- Ờ nhỉ.

Lão gật gù để công nhận thằng bé đúng. Tún bỗng cúi đầu lầm lũi như chú mèo đi lạc bỗng trở về trong một đêm mưa bão.

- Vậy là… mấy lần bố dúi mũi vào tóc con, tóc con cũng hôi lắm phải không? Sao bố không nói cho con biết?

Thằng Tún có vẻ chờ đợi khiến lão khá lấn bấn với câu trả lời của mình.

- Thì… thì… con không giống bố thì giống ai!

Rồi lão cười khà khà. Thằng Tún thấy khoái nhất câu đó, cười rung cả buổi chiều đang ngái ngủ.

***

Tôi đến với lão rất tình cờ. Hai cuộc đời lông bông kiếm tìm chỗ dựa. Thực thì chẳng vai nào đủ vững. Lão ba chín tuổi vẫn chưa nghề nghiệp, mái nhà là bốn bức vách dựng lên từ thời ông nội. Tôi hai bảy tuổi, nhỡ nhàng những cuộc tình để rồi phải chấp nhận lấy lão như một sự sắp đặt. Kén cá chọn canh vớ được củ hành cay mắt. Tổ ấm này thiếu một chân trụ cột. Nó xiêu vẹo và có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Ngày đầu lấy lão, lão như một đứa trẻ con tồ tồ, khờ khạo, hiền hiền. Nhưng cuộc sống cô đơn khiến tôi không đủ dũng cảm để đẩy lão đi xa đời mình. Giờ tôi đã có thằng Tún, quả ngọt này gặt hái từ những yêu thương rơi rớt giữa tôi và người đàn ông cũ. Lão không biết thằng Tún là con ai và cũng chưa từng tò mò về điều đó. Ngày thằng Tún chào đời là lần đầu tiên tôi thấy lão hạnh phúc. Lão luýnh quýnh ngó thằng bé gọn lỏn trong tay cô y tá thay vì ngó vợ xanh nhợt trên giường. Lúc bế Tún trên tay, lão cứ áp miết mặt mình vào bụng nó. Thằng bé cười với lão đầu tiên. Nhìn cảnh ấy, ai dám nghĩ thằng bé không phải con lão?

Tôi nhìn cái dáng đi lọng khọng của lão, lúc này, không dám nghĩ lão là bố của con tôi. Tôi không thể để thiên hạ nghĩ lão già khụ đáng tuổi ông thằng Tún lại là cha nó. Hai ba năm nữa thôi, lão sẽ lệu khệu đi không vững. Thằng Tún khi ấy mười lăm và tôi dám chắc nó sẽ so đo rằng tóc bố bạc hết rồi sao tóc của bố thằng Chính vẫn còn đen. Sao ông Chất lác vẫn phăm phăm ra đồng gánh lúa còn bố lại ở nhà để ngắm nghía một cây gậy đứng ở góc nhà? Những câu hỏi của thằng bé sẽ như lưỡi dao, khía vào lòng lão.

Rạng sáng, nghe tiếng lão rên hừ hử, tôi chột dạ. Lão rón rén nhổm dậy, lấy lọ Bạch Hổ Hoạt Lạc Cao xoa chân. Tôi biết thời gian đang chờn vờn trên cơ thể lão. Một ngày không xa, lão sẽ trở thành gánh nặng của tôi và Tún. Ý nghĩ ấy cứ mắc lại trong tâm trí tôi. Tôi hắng giọng:

- Nghe chừng thằng Tún sắp có ông.

Lão im bặt, tiếng thở cũng giấu đi thật kỹ.

- Sao? Tôi nói sai gì sao?

Tôi cố day cái ý định của mình để găm vào tim lão. Lão nói tiếng trầy tiếng trật:

- Bà… bà… đừng… nói thế. Nhỡ… con nó… nghe được… thì… sao?

Tôi cười khẩy:

- Hớ? Thằng Tún đâu phải con ông thì ông diễn vai nào mà chẳng được.

Thằng Tún lớn hớn quanh nhà tìm lão, nó vừa hỏi tôi “Bố đâu? Bố đâu?” đôi chân nó vừa nhảy nhót liên hồi. Tôi quát:

- Bố với chả con. Không thấy mẹ mày đang bận túi bụi sao?

Thằng bé cau mày, hức một cái rồi chạy biến, tìm lão. Tôi lóng ngóng được chuyện thằng Tún thẽ thọt với lão. Chuyện là thằng bé phát hiện ra tổ chim sâu trên cây nhãn.

Thằng bé chắc nịch lúc cả nhà vừa vào mâm cơm tối:

- Nhất định là có ba con bố ạ.

- Sao con biết?

- Sáng nay con thấy hai con chim rời khỏi tổ. Chắc chắn là chim bố và chim mẹ. Lát sau, con vẫn nghe thấy tiếng lích rích. Có lẽ là chim con đấy bố ạ. Và sau đó chim bố, chim mẹ trở về, hình như chúng đi kiếm mồi.

Tôi xẵng giọng, chen ngang:

- Sao mày biết đó là chim bố và chim mẹ? Là chim cô, chim chị thì sao?

- Thì… thì…

Thằng bé lắp bắp, bối rối nhìn lão như để cầu cứu. Nhưng lão đáp lại nó bằng vẻ mặt rất suy tư:

- Sáng mai con sẽ chỉ cho bố xem tổ chim đó nhé.

- Được rồi, nào, ăn đi đã. Bố chỉ muốn thấy cái tổ chim này thôi.

Lão vừa xoa đầu thằng bé, vừa khề khà. Thằng bé có vẻ khoái chí lắm. Cảnh tượng ấy khiến tôi nhức mắt và… nhức lòng. Tôi ghét cử chỉ của lão, ảo tưởng và giả dối.

Tôi đi vào buồng và biết lão chưa ngủ qua tiếng thở rất nhẹ. Lúc nghĩ ngợi lão thường có thói quen giấu tiếng thở của mình.

- Ông vẫn mơ hồ nghĩ rằng mình là bố nó sao?

Tiếng thở của lão bắt đầu lộ dần, nặng và rõ rệt hơn.

- Một con chim khi sinh ra, nó vốn không hề biết sự thật về cha mẹ nó. Khi mở mắt, con chim mà nó thấy đầu tiên, đó sẽ là chim mẹ, chim bố. Thằng Tún khi chào đời, khoảnh khắc nó thấy và mỉm cười với tôi đầu tiên, tôi đã biết nó xem tôi là cha rồi. Và tôi chưa từng nghĩ thằng bé không phải con mình.

Không gian chợt im phắc. Tôi cố giấu tiếng thở của mình như cách lão thường làm khi bận nghĩ. Bóng tối là cái mặt nạ của tôi lúc này. Tôi bấm chặt những ngón tay và ngón chân mình, cảm giác như bị dồn đuổi bởi một thứ sợ hãi vô hình nào đó. Cả đêm tôi không ngủ được, còn lão thì chìm rất nhanh vào giấc ngủ sau đó. Hình như, nói xong điều lão nghĩ, lão đã nhẹ nhõm hơn nhiều.

Sáng hôm sau, cái chân đau nhức khiến lão không ngừng rên xiết. Tôi đi chợ về, thấy lão vẫn nằm bẹp. Thằng Tún ngồi kế bên, vừa xoa chân cho lão, vừa liếng thoắng chuyện về thằng Chính ở lớp học.

Tôi đã phải tin, cái định nghĩa về một người cha của lão vào buổi sáng đẹp trời đó. 

Dương Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI