Trung thu trong ký ức

03/09/2014 - 07:25

PNO - PNO - Tôi cứ tự hỏi có biết bao người như mình, năm nào cũng chỉ đủ thời gian phá mâm cỗ trung thu trong kí ức…

edf40wrjww2tblPage:Content

Dễ chừng cũng gần mười hai năm trời tôi không được đón một cái tết trung thu đúng nghĩa. Xa nhà là xa những niềm vui thân thuộc, những háo hức hiếm hoi, những chờ mong xôn xao bình dị. Bởi nhắc đến tết trung thu, người ta không chỉ nhớ đến thú thưởng trà ngắm trăng tao nhã, hội rước đèn lồng, múa sư tử vui nhộn khắp đầu làng cuối ngõ mà hơn tất cả là niềm vui được xum vầy phá cỗ trông trăng. Mâm cỗ trung thu của mỗi nhà mỗi khác, nhà giàu thì cỗ to, nhà nghèo thì cỗ nhỏ. Nhưng đều giống nhau trong niềm vui đong đầy trên mắt môi trẻ nhỏ. Rồi những đứa trẻ ấy lớn lên rời quê nhà đi phiêu bạt mưu sinh, năm nào cũng giật mình khi thấy người ta bày bán đèn lồng rực rỡ trên những con phố. Nhưng tuyệt nhiên không thấy lòng háo hức mong chờ, như thể tết trung thu bây giờ không còn dành cho mình nữa. Tôi cứ tự hỏi có biết bao người như mình, năm nào cũng chỉ đủ thời gian phá mâm cỗ trung thu trong kí ức…

Trung thu trong ky uc

Tôi vẫn nhớ như in những mùa trung thu thơ bé. Khi ấy cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn đủ thứ nên một năm trẻ con chỉ có vài dịp chờ mong được ăn bánh kẹo, mặc quần áo đẹp và vui chơi thỏa thích. Năm nào cũng vậy, thấp thỏm chờ đợi và chuẩn bị cho trung thu trước cả tháng trời. Hồi đó đèn lồng được làm bằng hộp xà phòng, khéo léo khoan những chiếc lỗ nhỏ để có thể nhìn thấy ánh nến được thắp sáng bên trong.

Chúng tôi cũng không quên tích trữ hạt bưởi mang phơi khô làm pháo, tỉ mỉ dùng kim chỉ sâu thành những dây dài chờ đến đến trung thu mang ra đốt. Niềm vui cứ đầy dần mỗi ngày khi thấy mẹ đi chợ mang về khi thì ít mật làm kẹo, khi thì chục quả hồng ngâm vỏ còn xanh, khi thì tai chuối mắn nhựa còn rỏ tong tỏng trên cuống nải. Vui nhất vẫn là khi lục được trong làn chiếc bánh trung thu. Khi đó bánh trung thu cũng không ngon và đẹp như bây giờ, nhưng đối với lũ trẻ chúng tôi thì nó là thứ quà xa xỉ mà mỗi năm chỉ được thưởng thức một lần. Bởi vậy nên dù khó khăn đến mấy mẹ cũng gắng mua cho mỗi anh em tôi một chiếc bánh nướng nhỏ hình con cá hoặc con cua, con ếch to bằng ba đầu ngón tay được đút trong túi ni lông trong suốt. Đủ để những đứa trẻ thích thú cầm trên tay chảy nước miếng hít hà, chỉ mong cho mau đến rằm để cắn từng miếng bánh dẻo, bánh nướng thơm lừng ngọt đậm trên đầu lưỡi.

Bây giờ đời sống đã nâng cao, bánh trái bày bán ê hề suốt năm nên cái thú chờ mua bánh trung thu đã không còn như xưa nữa. Sáng nào đi làm cũng bắt gặp trung thu trong các quầy bán bánh lưu động, trên biển quảng cáo sale các mặt hàng thời trang trong dịp trung thu, trên xe hàng rong bán đèn lồng, cánh tiên và đủ loại đồ chơi hiện đại. Ấy vậy mà nghe lòng hờ hững như thể mình chưa bao giờ từng háo hức đón trung thu.

Trung thu trong ky uc
 

Ở quê nhà vì vắng những đứa con nên mẹ bảo dù mâm cao cỗ đầy bao nhiêu vẫn cứ thấy thiếu thốn nghèo nàn. Tôi bỗng nhớ căn nhà cũ nằm chênh chếch trên đồi, đêm trung thu trải chiếu ngoài sân ngắm trăng rằm, ngó xuống đường thấy một đoàn trẻ con lít nhít vừa cầm đèn lồng vừa hát: “Rước đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài, cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao, em hát vang vang, đèn sao tươi màu của đêm giằm liên hoan…”. Đút vội vào túi nắm kẹo hoa quả, miếng bánh dẻo trắng ngần là mấy anh em tôi lao xuống nhập vào đoàn rước đèn đang rồng rắn kéo qua nhà. Gió đồng lồng lộng, mùi tinh dầu hạt bưởi quện với mùi kẹo ngọt trên môi thơm miên man cả quãng đời thơ ấu. Giờ ở phố, những ngôi nhà cao tầng che khuất cả trăng thanh, đêm trung thu điện về nhà đôi khi chỉ để hỏi: “Mẹ ơi, trăng lên cao chưa mẹ? Cỗ trông trăng nhà mình có bánh dẻo hình con cá không mẹ?”.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI