Thủ tướng Merkel nhắc Mỹ về trách nhiệm hợp tác quốc tế

15/01/2017 - 06:47

PNO - Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 14/1 kêu gọi Hoa Kỳ không từ bỏ hợp tác đa phương, khi bà nói rằng xu hướng bảo hộ mậu dịch là một nguy cơ đối với sự thịnh vượng toàn cầu.

Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức và những lời lẽ mang tính bảo hộ của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã làm phiền lòng các nhà xuất khẩu tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Năm 2017, Đức sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của khối các nền kinh tế hàng đầu G20 - một nền tảng bà Merkel muốn sử dụng để bảo vệ sự hợp tác đa phương. Phát biểu sau cuộc họp các thành viên cao cấp của đảng CDU trung hữu cầm quyền ở thành phố Perl-Nennig phía Tây nước Đức, bà Merkel nói rằng tốt hơn hết nếu các nước làm việc cùng nhau, thay vì tự mình cô lập.

Thu tuong Merkel nhac My ve trach nhiem hop tac quoc te
Thủ tướng Angela Merkel dùng bữa tối ở Brussels, Bỉ, ngày 12/1/2017 - Ảnh: Reuters

Bà Merkel dẫn ra một ví dụ điển hình là phản ứng quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu tại Mỹ vào năm 2008. Bà nói: "Việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính không phải là một phản ứng dựa trên sự cô lập, mà là một phản ứng dựa trên sự hợp tác, tuân theo các các quy tắc chung bao gồm các thị trường tài chính".

Khi được hỏi khi nào bà sẽ có cuộc hội kiến đầu tiên với Tổng thống đắc cử Trump, bà Merkel cho biết cuộc gặp có thể diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bảy cường quốc kinh tế hàng đầu (G7) được tổ chức ở Sicily, Italy, tháng 5/2017, và Hội nghị thượng đỉnh G20 do Đức đăng cai vào tháng 7/2017.

Trong phát biểu hàng tuần của mình, bà Merkel thông báo nền kinh tế Đức đang trong tình trạng "tương đối tốt, nhưng không được phép ngủ quên trên vinh quang”. Bà kêu gọi các công ty thích ứng với những thách thức của việc số hóa. "Cũng có những rủi ro quốc tế, đồng thời có thể nhận thấy xu hướng bảo hộ", bà Merkel nói nhưng không nhắc đến tên ông Trump.

Trong khi đó, các lãnh đạo doanh nghiệp Đức cho biết nền kinh tế nước này có thể bị thiệt hại do chính sách bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ, và hậu quả có thể khiến cho nền kinh tế tăng trưởng âm. Năm 2016, kinh tế Đức tăng trưởng 1,9%, đạt tốc độ cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, tăng chi tiêu cá nhân và nhà nước đã giúp khẳng định vị trí của nó như là đầu tàu của khu vực đồng euro.

VIỆT HƯNG (Theo Reuters, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI