Loại bỏ bệnh thành tích và sính bằng cấp

21/11/2014 - 09:55

PNO - PN - Các đại biểu Quốc hội đề nghị phải giảm kiến thức hàn lâm trong sách giáo khoa, loại bỏ áp lực thành tích trong giáo dục và nạn chạy theo bằng cấp.

edf40wrjww2tblPage:Content
Loai bo benh thanh tich va sinh bang cap

Sáng 20/11, nhấn mạnh chủ trương đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông là vấn đề cấp thiết, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị, phải giảm kiến thức hàn lâm, loại bỏ áp lực thành tích trong giáo dục và nạn chạy theo bằng cấp.

Cho ý kiến vào Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông, là một nhà giáo, ĐB Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội) góp ý: “CT-SGK mới phải có kế thừa chứ không phải phủ nhận toàn bộ quá trình dạy và học trước đây, cũng không thể bê nguyên xi SGK của các nước tiên tiến bởi nó phải phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam”.

Một số ý kiến khác đề nghị Bộ GD-ĐT không nên “ôm” việc biên soạn SGK mà nên tạo điều kiện xã hội hóa SGK. Đồng ý một chương trình, nhiều bộ SGK để chống độc quyền, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nói: “Đề án nên quy định cụ thể quyền và lợi ích của các bên liên quan một cách minh bạch, thuyết phục...”.

Trước những nghi ngại về tính minh bạch trong việc biên soạn SGK mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải trình: “Với cơ chế xã hội hóa, có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, nhiều nhóm, tập thể sẽ biên soạn SGK, tạo ra nhiều phiên bản tốt. Thứ hai, sẽ không có nhiều người tham gia, sách viết ra không đạt yêu cầu, thậm chí có sách không có ai làm. Kinh nghiệm cho thấy khả năng thứ hai dễ xảy ra. Thế nên, cần giao Bộ biên soạn một bộ SGK nhằm chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra. Ở đây, tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Trong lịch sử, Bộ chưa từng viết SGK mà trước nay đều do các chuyên gia, nhà giáo làm, bộ chỉ tổ chức việc viết sách. Việc thẩm định sách cũng do hội đồng độc lập, không phải cán bộ thuộc Bộ GD-ĐT, đảm bảo hoàn toàn khách quan...”.

Cũng trong sáng 20/11, QH đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức QH (sửa đổi). Theo đó, Chủ nhiệm Văn phòng QH sẽ chính thức được nhận chức danh Tổng thư ký QH từ 1/1/2015 tới, khi luật có hiệu lực.

Với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được QH thông qua sáng 20/11, lao động nam sẽ được nghỉ việc khi vợ sinh con (năm ngày khi vợ sinh thường và bảy ngày nếu vợ sinh mổ và sinh non). Ngoài ra, từ 1/1/2018, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 16 năm của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Chiều cùng ngày, QH đã thông qua Luật Căn cước công dân; Luật Hộ tịch và thảo luận về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI