Họ cần thấu hiểu

28/02/2017 - 06:00

PNO - Có lẽ nước ta chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế tự tử do trầm cảm bởi áp lực công việc, nhưng số người bỏ nghề, hoặc tiếp tục công việc nhưng làm “tròn vai” cho xong là không nhỏ.

Hơn mười ngày sau khi chị Nguyễn Thị Lan - điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng - bị hành hung, câu chuyện dần rơi vào quên lãng.

Đó là ngày 15/2/2017, trong lúc chị Lan cấp cứu một người bị tai nạn giao thông, người nhà nạn nhân đã lao vào đánh vào đầu và mặt chị tới tấp, vì cho rằng chị cấp cứu chậm. Chuyện xảy ra ngay sau ngày lễ Tình nhân (Valentine’s Day) 14/2, một ngày mà nếu hiểu theo nghĩa rộng, con người phải dành cho nhau sự thương yêu, trân trọng.

Không thấy giới truyền thông lên án hành động này, và cũng  không thấy nhà quản lý y tế nào lên tiếng để bảo vệ nữ điều dưỡng này.

Nhưng cũng trước ngày lễ Tình nhân 14/2 năm nay một ngày, sau khi một tờ báo đăng tải thông tin một bác sĩ (BS) ở TP.HCM đòi “hoa hồng” trong kê toa thực phẩm chức năng thì truyền thông vào cuộc mạnh mẽ, dư luận lên án gay gắt, còn nhà quản lý cũng đòi làm rõ chuyện để xử lý đích đáng vị BS.

Thông tin thiên lệch về ngành y tế - quan tâm đặc biệt đến những lùm xùm như sự cố y khoa nhưng ít cổ xúy những điều tích cực hoặc chưa bảo vệ đúng mức nhân viên y tế trước áp lực nghề nghiệp của họ -  không phải là chuyện mới của truyền thông nước ta. Điều này xảy ra nhiều năm và dường như làm cho xã hội có một cái nhìn thiếu thiện cảm về nhân viên ngành y tế.

Cuối năm qua, tôi  gặp L., một nữ BS siêu âm 48 tuổi, nghỉ việc ra ngoài làm tư sau gần 20 năm làm việc cho một bệnh viện công của TP.HCM, chị tâm sự: “Mỗi buổi, tôi phải siêu âm 50-70 người, làm chậm thì người dân chửi mắng vì để họ chờ lâu, nhưng làm nhanh thì họ nói tôi làm ẩu. Đâu chỉ thế, không ít người khi vào bệnh viện còn có thái độ hoạnh họe, đòi hỏi. Nhân viên làm tốt không nói gì, nhưng làm sai một chút thì bị mắng nhiếc không tiếc lời. Nhiều áp lực quá, tôi đành nghỉ việc”.

Nhiều khảo sát trên thế giới cho thấy nhân viên y tế là những người có nguy cơ bị trầm cảm nhiều nhất. Mỗi năm, ở Mỹ, có khoảng 400 BS chết do tự tử, trong đó nữ nhiều hơn nam, mà nguyên nhân chính là do stress, trầm cảm vì áp lực nghề nghiệp.

Ở nước ta, thực trạng chắc chắn không đến mức này, do thói quen sống gần gũi cộng đồng dễ giúp người ta vượt qua được những khó khăn trong công việc. Nhưng không phải vì thế mà người làm nghề y Việt Nam có một cuộc sống dễ chịu. D., một nữ BS làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nói: “Ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi cũng phải chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái như bao phụ nữ khác, chưa kể nhiều chị em còn phải học tiếp lên cao do đòi hỏi của công việc. Chúng tôi ra khỏi nhà trước 7 giờ sáng và về nhà sau 7 giờ tối là chuyện thường”.

Năm qua, trong một tua trực tại khoa hồi sức của bệnh viện này, một nữ điều dưỡng đã ngất tại chỗ khi cấp cứu một bệnh nhân vì không kịp ăn trưa; một nữ điều dưỡng vào trực thay ngất do mệt nhọc và căng thẳng. BS D. nói: “BS thường khuyên người khác ăn uống đúng giờ, làm việc vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý, nhưng nghịch lý là chính nhân viên y tế lại thường… không thực hiện được điều này”.

Có lẽ nước ta chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế tự tử do trầm cảm bởi áp lực công việc, nhưng số người bỏ nghề, hoặc tiếp tục công việc nhưng làm “tròn vai” cho xong là không nhỏ. N.S., một nữ BS sản khoa chia sẻ: “Trước những vụ nhân viên y tế bị tấn công hoặc các sự cố y khoa bị báo chí thông tin thiếu khách quan, không ít BS, điều dưỡng sợ hãi và không dám hết mình cho bệnh nhân. Vì nếu làm hết mình, suôn sẻ thì không ai khen, nhưng nếu có sự cố thì ít được bảo vệ. Họ đành làm việc với tâm trạng “phòng thủ”, bảo vệ mình là chính, và điều này là không tốt cho bệnh nhân”.

Đến hẹn lại lên, ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) hàng năm, nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên nữ, lại được tặng hoa và nhận vô số lời chúc mừng. Nhưng họ có thật sự cần những lời khen và quà tặng này không? Công việc quá tải, thu nhập không tương xứng, áp lực xã hội dành cho ngành y tế ngày càng nhiều đã khiến nhân viên y tế có một nhu cầu thiết thực hơn. Một BS nữ làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nói: “Chúng tôi không cần xã hội tôn vinh, chỉ cần mọi người hiểu đúng công việc và đối xử công bằng với chúng tôi là vui rồi”.

Lê Thị Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI