Rèn tính ngăn nắp cho con

13/03/2017 - 12:09

PNO - Bày bừa đồ chơi, quăng vứt quần áo, truyện tranh khắp nhà, vẽ bậy loằng ngoằng khắp tường, ăn món gì cũng làm rơi vãi là “chân dung” đứa con gái sáu tuổi của tôi.

Ngay từ bé, tính cháu đã đuểnh đoảng, vụng về; đụng cái gì cũng đổ bể, hư hỏng, lại thêm tật bừa bãi nên nhà tôi lúc nào cũng như bãi chiến trường, bước chỗ nào cũng đạp phải đồ chơi, rác bẩn. Quan niệm con gái phải cẩn thận, chu đáo, ngăn nắp nên tôi thường nhắc cháu tự dọn đồ chơi khi chơi xong, ăn uống phải nhỏ nhẹ nhưng bé thường cau có, khóc ré lên khi bị mắng rồi chẳng thay đổi được gì.

Mới đây nhà có khách, tôi rất xấu hổ khi cháu trở thành "con quỷ nhỏ" xen vào mọi chuyện rồi bày bừa khiến nhà cửa lộn xộn, dù tôi đã phải bỏ cả đêm trước dọn dẹp sạch sẽ. Điều tôi lo nhất là sau này lớn lên, cháu sẽ không thể làm chủ gia đình với tính nết bừa bộn, vụng về của mình.

Trần Ngọc Lệ

(Kha Vạn Cân, Thủ Đức)

Dành cho trẻ một không gian riêng

Ren tinh ngan nap cho con
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xin chia sẻ với chị Lệ về việc khá đau đầu này. Tôi cũng có cậu con trai năm tuổi. Chỉ cần năm phút là căn nhà gọn gàng của tôi sẽ thành một đống lộn xộn khi thằng bé ở trường mầm non về. Vốn tính hiếu động nên cháu thường chơi với đồ chơi dạng động như xe tăng, xe hơi, xe lửa, bắn súng…

Vậy là phòng khách trở thành chiến địa, công viên giải trí hay gì nữa tùy theo cách cháu chơi. Thấy con chơi vui tôi cũng mừng, nhưng khổ nỗi, không bao giờ cháu chịu cất gọn gàng đồ chơi vào thùng mà quăng mỗi chỗ một món. Tập tranh, bút sáp, đất sét cũng góp mặt vào đống lộn xộn ấy. Cháu còn có tật khi đi tắm thì cởi đồ rồi bỏ tại nơi đang đứng, dép đi trong nhà thì hất tung mỗi chiếc mỗi nơi.

Ban đầu, vợ tôi cũng nhắc nhở, la mắng, cuối cùng thì buông xuôi. Thấy không ổn, tôi nghĩ tốt nhất là cho con một góc nhỏ để chơi. Nhà nhỏ nên tôi dùng thùng carton “quây” thành một góc trong phòng ngủ và tuyên bố: “Đây là lâu đài của Bo. Từ nay con là ông chủ lâu đài và có trách nhiệm chăm sóc để nó gọn sạch”. Tôi mua cho con một cái thùng nhựa để bé cất đồ chơi vào; đóng cái tủ sách nhỏ, dán nhãn hình ghi chú và hướng dẫn con cách lau chùi, dọn dẹp, sắp xếp đồ vật cá nhân sao cho gọn gàng.

Thằng bé tự hào lắm vì được làm chủ không gian của mình. Anh chàng còn hùng hồn tuyên bố “việc này dễ quá bố ơi” và hứng thú cất dọn mỗi khi chơi xong. Tất nhiên, vợ chồng tôi vẫn thường xuyên quan sát, nhắc và giúp con thu dọn “chiến trường”. Sau hơn ba tháng áp dụng phương pháp này, vợ tôi không còn phải ôm đầu than trời nữa. Chị cũng thử cách này với con gái mình xem sao nhé. Chúc chị thành công!

Nguyễn Trung Dũng

(Công ty TNHH Nguyễn Trung, Q.10, TP.HCM)

"Mẹ con mình cùng chơi nhé"

Tôi thường nói vậy với con gái khi muốn cháu thu dọn đồ chơi, xếp quần áo, dọn chén bát hay quét nhà… Chúng tôi đặt cho mỗi trò chơi một câu chuyện, hoặc một cuộc thi như xem ai xếp quần áo nhanh hơn, ai rửa tay sạch hơn, ai ăn cơm mà không làm rơi vãi. Tôi cũng đặt ra quy tắc, hình phạt và khen thưởng cho mỗi trò chơi ấy để khuyến khích cháu: trước khi ăn thì chơi trò “con cò rửa chân”, rửa chén xong thì phải lau khô và cất vào tủ, xếp quần áo phải nhanh gọn, phẳng phiu.

Để con dễ dàng hợp tác, cũng là giúp tạo thói quen ngăn nắp, gọn gàng cho bé, tôi nhờ chồng đóng một cái tủ nhỏ riêng cho con để bé sắp xếp đồ cá nhân đúng nơi đúng chỗ: ngăn để sách, ngăn để đồ chơi, nơi để mũ, cặp sách, búp bê… tất cả phải vừa tầm với của bé. Mỗi ngày, mỗi việc tôi đều làm cùng con, rồi nhắc nhở nếu bé làm chưa tốt, hoặc khích lệ lúc con gọn gàng. Có con làm trợ thủ đắc lực, tôi không phải dọn dẹp nhiều, thậm chí có lúc lỡ để bừa đồ ra nhà, còn bị bé phê bình đấy chị ạ.

Tôi nghĩ, nếu mình làm gương và hướng dẫn con thì bé sẽ học được thói quen ngăn nắp và trở thành nếp sống của con. La mắng trẻ sẽ không thay đổi được tật đuểnh đoảng, bừa bộn của bé đâu chị Lệ ạ.

Ngô Quỳnh Ngọc

(Cư xá Lữ Gia, Q.11)

Thay vì ngăn cấm, hãy tìm giải pháp

Hầu hết các bậc cha mẹ đều than trời việc trẻ quậy phá, bày bừa, vứt đồ đạc lung tung khắp nhà. Nhiều cha mẹ dùng biện pháp mạnh như đánh đòn, la mắng, phạt khiến trẻ sợ nhưng mọi việc “đâu lại vào đấy”. Vì ở độ từ ba - tám tuổi, trẻ chơi, nghịch, nô đùa là một cách khám phá, học hỏi. Trẻ vẽ lên tường, nặn đất sét làm vấy bẩn nhà cửa cũng là cách trẻ đang thể hiện suy nghĩ, thế giới quan của mình. Cấm cản, la mắng chỉ khiến trẻ phản ứng ngược, thích làm, thích nghịch hơn.

Ren tinh ngan nap cho con
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cha mẹ không nên ép trẻ vào một khuôn khổ nhất định, theo ý mình. Ngay lúc ấy, vì sợ, có thể trẻ sẽ nghe theo, nhưng âm ỉ bên trong vẫn là mong muốn phản kháng. Nguy hiểm hơn, cha mẹ đã tước bỏ môi trường học tự nhiên nhất của trẻ thông qua chơi đùa tự do để khám phá, sáng tạo và phát triển tư duy.

Để trẻ có cơ hội vui chơi nhưng học được thói quen ngăn nắp, trước hết người lớn phải làm gương. Nếu cha mẹ chỉn chu từ cách ăn mặc đến nền nếp sinh hoạt trong gia đình, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ. Cha mẹ nên hướng dẫn cho bé học theo, từ việc sắp xếp đồ chơi vào hộc tủ, xếp gọn sách lên giá, gấp áo quần phẳng phiu… từ đó giúp hình thành nhận thức về trách nhiệm, thói quen nền nếp. Sau đó, cha mẹ tăng dần cấp độ bằng việc thiết lập thời gian biểu “giờ nào việc nấy” để bé làm theo, vừa phù hợp với đồng hồ sinh lý của trẻ, vừa tạo thành thói quen trong sinh hoạt, từ đó tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này.

Thạc sĩ tâm lý Hồ Bảo Nga

thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI