Bên kia… thiên đường

19/12/2013 - 15:12

PNO - PN - Không thể thống kê hết các mỹ từ đã dành cho Hội An, như là biểu tượng đẹp của du lịch và văn hóa. Ngay cả người khó tính nhất, khi đến phố cổ, cũng dành chí ít một lời khen.

edf40wrjww2tblPage:Content

Và người ta nghĩ đến Hội An là những con phố xanh lơ ký ức, những khách sạn hạng sang ven biển, xa hơn một chút là Cù lao Chàm với hải sản, phong cảnh và một thái độ ứng xử đã thành nếp có một không hai ở Việt Nam: nói không với túi ni lông.

Từ phố cổ trên đường Bạch Đằng, nhìn theo hướng Đông-Nam, một doi đất dài nổi trên sông, như sống lưng con cá mập. Đó là xã Cẩm Kim, một đơn vị hành chính của Hội An. Tôi từ bến đò Cẩm Kim quay lại Hội An khi mặt trời đã khuất sau những hàng cau, thì lại thấy phố cổ như một nhà hàng nổi sang trọng mời gọi. “Sống như thế, có mặc cảm không?”. Tôi hỏi anh Nguyễn Đức Hùng, cán bộ văn phòng xã Cẩm Kim, khi tôi nói rằng trong bộ nhớ của khách phương xa đến đây, không có từ “Cẩm Kim”. Ngay cả các ý kiến từ than phiền đến phẫn nộ về thủy điện tàn phá hạ du sông Thu Bồn, người ta cũng kêu la là làm thiệt hại du lịch, khách chán không đến phố cổ nữa, trong khi Cẩm Kim là vùng trũng nhất của Hội An, nhưng chẳng ai đề cập.

“Không anh - anh Hùng trả lời như an phận - từ xưa đến giờ y như rứa thì mặc cảm chi”. Vừa nói, Hùng vừa chỉ dấu bùn non còn đọng trên tường: “Đây, nước cao hơn một mét”. Tôi từng lội vào đây mấy lần dịp lũ. Trụ sở xã có năm lũ lớn ngập sâu nửa nhà. Anh Phan Trọng Nhân, Chủ tịch xã, nói: “Lút lên tới bụng, lội dọn đồ bứt hơi. Một năm, chúng tôi phải tốn hai tháng chạy lụt, lại dồn vào thời điểm cuối năm, khổ chi khổ quá”. Là cư dân Hội An, nhưng vùng này sống chủ yếu là nông nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Trung Châu nói: “Không lẽ khóc, chứ có còn chi mô, nhà em trồng bắp, cải và khổ qua, bán kiếm chút tiền tiêu Tết, chừ coi như mất trắng”. Rau xanh, bắp, cải, ngò, vụ cuối Đông, ai làm sớm sẽ thu nhập cao nhưng… hên xui vì lụt, vậy thôi đành… đánh bạc với trời.

Ben kia… thien duong

Khách tham quan làng mộc Kim Bồng

Xã rộng 4,2km2, dân số 4.300 người, một năm làm một vụ lúa, vì không có thủy lợi. Thời gian còn lại, người dân tứ tán làm ăn. Nơi đây đóng triện vào cái gọi là “độc đáo Hội An” vì làng mộc Kim Bồng nổi tiếng với những kíp thợ hào hoa. Làng mộc Kim Bồng có tên trong điểm tham quan Hội An của các tour du lịch. Vậy nhưng, “Chúng tôi không thu được chi hết, tiền bán vé thì bên làm tour du lịch họ nắm. Lẽ ra, chúng tôi có cơ sở mộc, làm bánh tráng, họ bán một vé 70.000đ thì trích lại bao nhiêu phần trăm cho chúng tôi, như vậy mới kích thích bà con ham làm, lập cơ sở làm du lịch cộng đồng như dịch vụ, nhà nghỉ. Còn như vầy, không ai dám đầu tư” - anh Hùng và anh Nhân đều nói như thế.

Ben kia… thien duong

Bà Quân: “Mỗi khách xem tráng bánh, tôi được trả hai ngàn”

Tôi vào nhà bà Nguyễn Thị Quân, thôn Trung Châu. Trước nhà có tấm bảng vừa tiếng Việt, vừa tiếng Anh: Làm bánh tráng - Rice paper making. “Bên phố cổ họ đưa khách qua, nói mình tráng cho họ xem, mỗi khách tham quan họ trả tôi 2.000đ tiền công, không mua được ổ bánh mì, nhưng không lẽ đuổi họ đi thì ăn nói sao với khách? Ít khách lắm, ai đưa đến thì đưa, không thì thôi, mình sao biết được” - bà Quân nói khi đang ngồi tráng mì bỏ mối. Làm ăn khó, chưa đủ, ở đây học sinh, giáo viên cũng khổ lây. Giáo viên cả xã mấy chục người, nhưng người địa phương chỉ ba-bốn người, còn lại bên kia sông sang; mưa to, lụt lớn là giáo viên không qua sông, học sinh đành ở nhà.

“Cách sông trở đò khiến chúng tôi chịu thiệt thòi đủ thứ. Làm ăn lớn không dám, xây dựng, buôn bán đều dồn ra hết bên phố, mùa mưa lớn càng sợ nữa” - anh Hùng nói. Ở đây, bến sông bao giờ cũng quá tải, bởi nhiều xã vùng đông Duy Xuyên cũng qua Hội An theo ngả này. “Có bữa, chúng tôi phải bỏ khách lại trên bến vì đông quá, không dám chở nhiều” - anh Phước, chủ đò nói. Đã có nhiều quyết sách, hỗ trợ mạnh mẽ từ TP. Hội An cho vùng trũng này phát triển, nhưng dân… chưa tin, vì không thấy được sức bật. Mỗi năm, xã tổng thu được 158 triệu đồng từ kinh doanh, dịch vụ, còn lại nhờ vào ngân sách.

Từ đây qua phố chỉ 1km đường sông. “Tôi kiến nghị làm cầu đã lâu, nhưng không có ngân sách. Không có cầu, mọi ý định vực dậy địa phương này đều trở ngại. Tuy nhiên tôi vẫn muốn giữ Cẩm Kim làm thuần nông, nông thôn trong phố” - Bí thư TP. Hội An, ông Nguyễn Sự nói. Phía bên kia… thiên đường du lịch Hội An còn đó một vùng trũng, mà từ đó qua đây, chỉ bằng một tiếng hú gọi đò và tiếng hú đó không biết bao giờ mới dứt.

 Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI