Mầm xanh của đất

01/05/2018 - 09:00

PNO - Chị bắt đầu công cuộc làm nhà nông trên mảnh đất của mình. Đất bé xíu xiu vậy mà nhiều việc làm lắm nhé.

Chiều muộn mà chị vẫn còn cuốc cỏ. Những đám cỏ cú, cỏ lông heo, cỏ chỉ cứ như có phép mầu, cuốc bỏ đằng trước thì chúng mọc ở đằng sau và ngược lại. Miếng đất nhỏ như bàn tay bởi chỉ có một trăm sáu mươi mét vuông.

Nhưng với chị, nó là mồ hôi, nước mắt. Mà có phải là sở hữu nó ngay đâu, nợ còn phải trả hai năm nữa mới dám “vỗ ngực xưng tên” đây là tài sản của mình.

Mam xanh cua dat
Ảnh minh họa

Tiếng là có đất nhưng chị vẫn còn ở nhà trọ, đơn giản vì chưa có tiền cất nhà. Miếng đất này, giờ chị trồng những loại ngắn ngày như bầu, mướp, mồng tơi, đậu bắp… Sau giờ tan ca, rước con xong thì hai mẹ con ra vườn để mẹ giẫy cỏ, con tưới rau. Mai này trái xanh hoa vàng lúc lỉu, vừa có thêm thu nhập vừa có màu xanh cho đất.

Thằng bé con bảy tuổi tíu tít bưng từng xô nước tưới mấy dây mướp rồi lại xoay qua đám mồng tơi. Miệng con hân hoan:

- Mẹ ơi, mẹ ơi, dây dưa hấu của Bin đã có tay rồi đó mẹ. Cái tay nó bấu lên hàng rào đẹp lắm.

- Gọi là “bỏ vòi”, không gọi có tay đâu con trai à! Mà đó là mướp hương, không phải dưa hấu.

Chị vừa lau mồ hôi vừa nhìn con trìu mến.

- Không, Bin thích dưa hấu nên Bin sẽ biến bạn ấy thành dưa hấu. Rồi mình sẽ có một ngôi nhà bằng dưa hấu. Lúc đó mẹ không cần đi làm nữa, chỉ cần nằm trong nhà, đói bụng thì cắn một miếng dưa là no ngay.

Chị mỉm cười cho ý tưởng ngộ nghĩnh của con nhưng vẫn cương quyết:

- Chúng ta sẽ có một ngôi nhà làm bằng dưa hấu Bin à. Nhưng đó là mai mốt, còn bây giờ mẹ con mình đang trồng mướp hương. Mướp hương đã bỏ vòi leo lên hàng rào.

Thằng con phụng phịu:

- Dạ… Vậy mấy dây mướp bỏ vòi, mấy cây bông mười giờ cũng bỏ vòi luôn rồi mẹ.

- Bông mười giờ không bỏ vòi mà là “nở bụi” con ạ!

- Sao lộn xộn quá vậy mẹ? Chỉ là dài cái tay ra mà gọi bỏ vòi rồi nở bụi tùm lum.

Chị buông cuốc đến bên con, hôn lên đôi má đã bắt đầu có mồ hôi chảy dài thành vệt. Rằng mẹ con mình phải cố gắng hơn nữa, rồi mình sẽ có nhà riêng bằng dưa hấu, sân nhà ngập hoa mười giờ, sau nhà đầy bầu mướp, mẹ sẽ làm cho con cái chuồng để nuôi vài chú gà sáng sáng gáy ó o cho con thức dậy.

- Cái chuồng gà phải để ba làm chứ. Mẹ giành làm hết ba thất nghiệp sao? - Thằng con hào hứng.

Chị thẫn thờ im lặng.

- Mà chừng nào ba về hả mẹ? 

Thằng con vừa dùng đôi bàn tay bé nhỏ vun vun đất vào gốc mướp mà lúc nãy nó tưới đến xói cả rễ, vừa hỏi.

- À… Việc này để mẹ hỏi lại ba con nghen!

Mam xanh cua dat
Ảnh minh họa

Chị trả lời, cay cay khóe mắt và có phần thẹn vì mình đã nói dối con, bởi ba nó có về nữa đâu mà hỏi. Người ta đã chọn con đường từ bỏ mẹ con chị để theo tình nhân trẻ hơn, biết chiều chuộng và giàu có hơn. Bởi “má tui nói không sai mà, dần thân tị hợi tứ hành xung. Hồi đó tui mù quáng nên yêu bà, lấy bà. Tám năm nay toàn xui xẻo. Hết bị mất việc tới nhà xưởng cháy, công ty giải thể. Vừa xin được việc làm thì vợ bệnh tốn trăm triệu. Vừa êm êm thì nợ đòi lãi hai mươi phân. Tui làm trọc đầu cũng không dư được”.

Vậy là anh đi sau khi bỏ lại tờ đơn ly hôn có sẵn chữ ký. Tài sản không, nợ trăm hai mươi triệu chia đôi. Nhà trọ nào giờ ở quen rồi cứ ở tiếp. Anh bảo sẽ cấp dưỡng “theo quy định của pháp luật”. Vậy là đứa con - tài sản vô giá - đương nhiên của chị.

Chị không khóc. Có lẽ vì không còn nước mắt để khóc. Vì tám năm vợ chồng đã cùng nhau đi qua bao đắng cay. Trận bệnh vừa qua của chị đã cướp đi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ ba mươi. Từ đây đến cuối đời, chị chỉ có duy nhất Bin là con mà thôi.

Chị cho rằng, vợ chồng là bên nhau lúc khỏe mạnh, cần nhau khi ốm đau. Chị vừa hết bệnh, mất mát đau thương mãi mãi không bù đắp được do ông trời khéo trêu đùa. Đáng ra anh phải ở bên chị, an ủi sẻ chia cho xứng tình chăn gối. Nhưng anh chỉ cần chị lúc khỏe mạnh, còn sau đó chúng ta không thuộc về nhau bởi chị chỉ còn “một nửa đàn bà” kèm số nợ to sầm, căn nhà trọ bé tí xíu - biết bao giờ anh nở mày nở mặt với thiên hạ? 

Anh bỏ đi theo cô gái trẻ là con nhà giàu mà anh đã cứu trong một đêm tan ca về muộn gặp cô bị bọn thanh niên đánh hội đồng. Cô tìm tới phòng trọ của chị, sau khi cho nhóc con một túi thật to quà bánh, đồ chơi cùng chiếc phong bì dày dày thì nói “em là người chịu ơn mà cũng là bạn gái mới của chồng chị. Chị chịu ly hôn đi để giải thoát cho cả hai. Anh bảo với em rằng, chị không còn là đàn bà nữa thì níu kéo làm gì cho khổ nhau”. Cô ngoay ngoáy mông ra về, chiếc quần shorts ngắn không thể ngắn hơn được nữa khoe ra trên đùi có đến mấy hình xăm làm chị rùng mình.

Chị chấp nhận ly hôn. May mắn là ông bà chủ nhà trọ cho đổi phòng, bảo cố bình an mà làm ăn, họ sẽ miễn tiền trọ sáu tháng. Ngoài việc đi may ở cơ sở may mặc cách nhà 2km, chị nhận áo dài về gia công khâu đơm nút, lược, luông.

Đàn bà, khi nỗi đau thương biến thành sức mạnh thì họ làm được nhiều việc mà bản thân cũng không ngờ tới. Chị cũng vậy, chẳng biết sức lực, tâm trí ở đâu cứ tràn về để ngày tám tiếng gù lưng bên máy may mà tối còn ba tiếng bên đèn bàn để làm thêm món khuy nút áo dài.

Mam xanh cua dat
Ảnh minh họa

Cực lắm, nhưng có điều chị ngủ rất ngon. Ấy là khi không còn băn khoăn gì nữa, nghĩa là đã biết người ta thực sự rời khỏi cuộc đời mình. Nghĩa là đã biết dù mình có nắm níu cũng chỉ là nắm sợi dây, còn con diều đã bị gió cuốn phăng. Giấc ngủ sâu làm con người mau tươi tỉnh cả tinh thần lẫn thể chất. 

Sau hơn hai năm lao động cật lực, chị đã trả hết số nợ sau ly hôn. Dư được một khoảng kha khá thì gần đó có người kêu bán đất. Đất ngoại vi thị trấn nên không mắc lắm. Chị tỏ bày dự định với bà chủ cơ sở may, rằng muốn kiếm một chỗ “chính chủ” cho mình, bà bảo cứ xem xem, rồi sẽ cho ứng trước tiền công. Mỗi tháng lương bao nhiêu, trừ lại năm mươi phần trăm trả lại bà. Mẹ con chịu cực thì trong một hai năm sẽ có nhà riêng.

Miếng đất bảy mươi triệu đồng chẵn. Chị có hai mươi thôi. Vậy là mượn năm mươi triệu nữa. Không lời lãi gì đâu nhé, năm mươi triệu đó, cứ trả mỗi tháng hai triệu cho tới ngày dứt nợ là xong. Ngày cầm tờ “giấy đỏ” trên tay, chị mừng ngẩn ngơ, bà chủ cơ sở may phải đập bồm bộp vào vai mấy lần mới tỉnh. Bà bảo, hãy trồng rau sạch đi, chị em ở đây ủng hộ cho, có thêm thu nhập và cũng có rau an toàn cho mọi người thưởng thức.

Chị bắt đầu công cuộc làm nhà nông trên mảnh đất của mình. Đất bé xíu xiu vậy mà nhiều việc làm lắm nhé. Trước tiên là làm hàng rào, chỉ là rào lưới gà chứ lưới B40 làm gì đủ tiền mà kéo. Nội việc xỏ dây vào mép lưới rồi căng lên trụ rào cũng lấy mất của chị ba buổi chiều và cả lít mồ hôi.

Cu con vui mừng chạy loanh quanh như chú cún con, miệng liên tục “ồ dze” vì vừa gỡ phụ mẹ đoạn dây rối. Xong khâu rào thì tới đánh gốc cây. Vài gốc lồng mứt, me dại, vài khóm mắc cỡ tây thôi mà sao mất sức dữ quá. 

Có đất thì mừng rồi, nhưng loay hoay một mình thế này, tự dưng nước mắt ở đâu trào ra, không giấu được nỗi lòng, “phải chi có chồng ở đây, mình không cực quá thế này”. Nhưng đó chỉ là mơ ước, còn hiện tại thì cứ một mình thôi. Gốc cây đã bứng hết. Mắc cỡ tây sau bao nhiêu vết gai cào vào da thịt tứa máu cũng ngoan ngoãn nằm vào đống lửa rồi. Giờ thì cho hạt giống xuống.

Cứ dọn xong một khoảnh đất bằng chiếc đệm là chị trồng xuống vài hố mướp. Dọn sạch khoảnh đất bằng cái bàn thì cho xuống mớ hạt rau muống, mồng tơi. Rồi xoay qua giẫy cỏ… Mỗi ngày một chút mà bây giờ khoảnh đất đã xanh mầm rau cải bầu mướp, nhiều nhất là mầm yêu thương của hai mẹ con chị dành cho thửa đất này. Sau giờ học cu con không còn nằn nì “mượn” điện thoại của mẹ để chúi mũi vào đó nữa, bé đã biết phụ mẹ tưới rau, nhổ cỏ.

Ánh hoàng hôn đã khuất dần sau mấy tán bạch đàn xa xa. Chị buộc kỹ cuốc, cào, dao, thùng tưới rồi bảo con leo lên phía trước xe để ra về. Đôi bàn tay bé nhỏ vẫy vẫy: “Chào mấy bạn màu xanh nha! Ngày mai mình lại gặp nhau”.

 Đ.P. Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI