Nghĩa tận

28/01/2018 - 16:22

PNO - Ba con người nhìn nhau rồi vỡ òa tiếng khóc. Thì ra, sau khi chia tay chú tôi, cô Đ. đã có một đời chồng nữa, sau đó mới ưng người đàn ông này và sinh ra bé Ba.

Cô Đ. mất. Chú tôi thấp thỏm, rồi sang nhà nhờ tôi “lãnh đạn” nếu lỡ thím có hỏi. Tôi cười: “Thì chú cứ đi đám tang chứ có gì mà ngại”. Nói thế chứ tôi biết, cô Đ. là vợ cũ của chú. Cô giờ không có chồng, đám tang chắc hiu quạnh lắm; chú muốn phụ lo… “Để cháu đi chung với chú, có gì cũng dễ ăn nói” - tôi đề nghị.

Nhà cô Đ. cách nhà chú tôi hai ngã tư. Trước, họ là thanh mai trúc mã, rồi nên vợ nên chồng; nhưng tuổi trẻ quá, không giữ được nhau. Đứa con trai duy nhất của chú và cô Đ. sống với mẹ, ít năm sau, mất vì bạo bệnh.

Nghia tan
Ảnh minh họa

Cô Đ. tha hương làm nhiều việc để sống. Nghe đâu cũng đi bước nữa, rồi cũng ly hôn. Mấy mươi năm lưu lạc, khi tuổi đã ngoài 60, cô Đ. mới về lại quê hương, cất cái nhà trên đất hương hỏa và bán tạp hóa. Chú tôi, sau khi chia tay cô Đ., mấy năm sau cưới thím, sống với nhau tới giờ. Thím là người xứ khác, về làm dâu, cũng có nghe về “đời trước” của chồng, nhưng chưa một lần trò chuyện với cô Đ.

Đám tang thật hiu quạnh, chỉ mỗi bé Ba - con cô - kịp về. Hàng xóm chục người, ngồi đứng lúp xúp, vì vuông sân nhỏ quá. Chú tôi đến bên linh vị, thắp nhang xong thì ra ngoài uống nước. Chẳng có người đàn ông nào tầm tuổi chú tôi để cùng nhau trò chuyện - trừ người đàn ông mặc bộ quần áo kaki bệt đầy bụi đường đang ngồi gần cổng.

Chú tôi đến bên:

- Anh vào trong uống nước…

- Dà, cảm ơn anh. Tôi đang chờ bé Ba về, chứ có ai biết tôi là ai đâu.

- Bé Ba là con của cô Đ. đó hả?

- Dà, cũng là con tôi. Tôi với bả sống với nhau, sinh nó, rồi chia tay.

- Tôi hỏi khí không phải, lúc sinh bé Ba, anh và cổ ở đâu?

- Xuân Lộc - Đồng Nai. Rừng rú, làm thuê làm mướn chứ khá giả gì, nhưng hết duyên hết nợ, giờ còn cái nghĩa nên về tiễn bả lần cuối.

Rồi ông ấy hỏi:

- Anh là hàng xóm của Đ. hả?

- Hàng xóm. Mà tôi với cô Đ. hồi xưa cũng thân tình lắm.

- Tôi tên Toàn. Tôi có nghe cô nói, cổ có người chồng hồi tuổi trẻ lắm. Nghe nói có đứa con mà cũng mất rồi, không thôi đám tang chắc không hiu quạnh như vầy.

Bây giờ chú tôi mới kể chuyện xưa. Bất giác, người đàn ông nọ đứng lên, nắm chặt bàn tay gầy guộc của chú tôi mà lắc: “Thôi anh ạ, chuyện xưa bỏ hết đi. Nghĩa tử là nghĩa tận, tôi tin chị nhà cũng không khó dễ gì anh đâu. Anh hãy chỉ bảo cho tôi lo đám tang Đ. sao cho trang trọng. Tôi ở xa tới, phong tục không rành”. Rồi ông mở ba-lô, lấy ra một xấp tiền, trao cho chú tôi. Chú không dám nhận, lại nhờ người gọi con gái của cô Đ. ra.

Ba con người nhìn nhau rồi vỡ òa tiếng khóc. Thì ra, sau khi chia tay chú tôi, cô Đ. đã có một đời chồng nữa, sau đó mới ưng người đàn ông này và sinh ra bé Ba.

Đám tang thành ra ấm áp. Thím tôi, sau đó, cũng tới phụ lo trà nước. Người đàn ông nọ xin được để tang. Ông ấy gợi ý để ông lo phần xây mộ,  chỉ chưa biết tìm thợ giỏi ở đâu. Chợt, thím tôi bảo: “Ông nhà tôi là thợ hồ nè. Để ổng lo cho, nghĩa tử là nghĩa tận mà”. 

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI