Nhân cách từ đâu ‘rơi xuống’?

26/06/2015 - 15:23

PNO - PN - Giữ nhiệm vụ quyên góp lũ lụt của lớp, một học sinh đã ghi chép đầy đủ, cẩn thận, vừa khớp tất cả số tiền, vật dụng thu được. Tuy nhiên, trên thực tế, em đã “lách luật” bằng cách tráo đổi hàng dỏm hơn, rẻ hơn để lấy hàng xịn về nhà xài.

edf40wrjww2tblPage:Content

Không vội trách cứ, lên án em, thạc sĩ Đào Lê Hòa An (Giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) tìm hiểu tuổi thơ của em, lật lại phương pháp giáo dục gia đình mới hay cha mẹ em thường không thống nhất về tài chính: mẹ thì cương quyết không cho tiền em và dặn “thích gì cứ nói mẹ mua cho” còn ba thì thường dúi vào tay em mấy chục nghìn đồng khi đưa đến trường. Để không bị mẹ phát hiện, sung công quỹ, em tìm cách giấu ém tiền. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, nhân cách em méo mó dần và điều đáng tiếc nhất đã xảy ra khi em thấy biển thủ của người khác là lẽ thường tình.

Nhan cach tu dau ‘roi xuong’?

Không khí ấm áp thân tình của buổi tọa đàm Định hình nhân cách cho con trẻ từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình do NVH Phụ Nữ TP.HCM tổ chức nhân kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28/6

Có học sinh tiểu học sau một hồi cắn bút trong giờ kiểm tra tập làm văn và cuối cùng đã nộp tờ giấy trắng. Chào thua trước đề bài “Em hãy tả bữa cơm gia đình nhà em”, không bởi em lười, không bởi em thiếu từ ngữ để diễn đạt, chỉ vì em thiếu vắng bữa cơm gia đình. Trong giờ tập làm văn ấy, hiện hữu trong em là giằng xé, là hờn tủi, là khao khát… Tại sao không là khoảnh khắc vàng để em tái hiện những yêu thương, ấm áp nhà mình? Đỏ mắt khi nhắc đến em, thạc sĩ tâm lý Lý Thị Mai (Giám đốc Công ty Tâm lý học ứng dụng) cho rằng đáng lẽ em phải được điểm 10 cho tờ giấy trắng của mình, phần thưởng vô giá cho sự trung thực. Có gì quý hơn ta bước vào đời bằng tâm thế hồn nhiên, tôn trọng sự thật, không vụ lợi? Nhưng người lớn đã không làm điều đó, mà quở phạt em vì coi trọng điểm số, thành tích.

“Nhân cách ở đâu ra? Đạo đức lối sống không từ trên trời rơi xuống hay vay mượn của người ngoài mà hình thành ở cách mà người trong gia đình đối đãi với nhau. Nhìn cha mẹ có thể biết con cái như thế nào và ngược lại. Cha mẹ luôn là tấm gương phản chiếu, cho con những khái niệm, mẫu hình về lời ăn tiếng nói, về ngoại hình, về lòng hiếu thảo, tính ngay thẳng, vị tha… Nhân cách con trẻ phát triển hài hòa là khi chúng ta dành cho nhau sự quan tâm, tình yêu thương đúng nghĩa”. Lời đúc kết của thạc sĩ Lý Thị Mai trong tọa đàm Định hình nhân cách cho con trẻ từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình (tại NVH Phụ Nữ TP.HCM, ngày 25/6 nhân kỷ niệm Ngày Gia đình VN 28/6) khiến những bậc phụ huynh tâm đắc và thoáng trách mình khi nghĩ lại những thiếu sót trong “nghề làm cha mẹ”.

Nhan cach tu dau ‘roi xuong’?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mỗi người mỗi cảnh, có phụ huynh giật mình, nhìn lại ý định sẽ duy trì vỏ bọc hôn nhân đợi đến khi con đủ 18 tuổi, thi đại học xong mới ly hôn. Liệu tình cảm giả tạo ấy bị vạch trần, liệu người lớn dù cố gắng vẫn không che giấu được thái độ hằn học với nhau sẽ gây thương hại, khiến con trẻ chán chường, mất phương hướng hoặc bắt chước kiểu sống hai mặt. Ý thức được cha mẹ là chiếc nôi nhân cách của con, vợ chồng Ngọc Tú - Như Thoảng cũng đến tham dự tọa đàm dù chị đã bụng vượt mặt, sát ngày dự sinh. Sự có mặt của anh chị cùng nụ cười rạng rỡ thay cho lời cam kết sẽ học kỹ năng, trang bị kiến thức để xứng đáng với bốn từ đẹp đẽ Làm Cha - Làm Mẹ, cho con một cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc.

Trước tình trạng nhiều phụ huynh áp đặt và quá kỳ vọng con lớn lên sẽ quyền cao chức trọng hay tiếp nối ước mơ của cha mẹ, thạc sĩ tâm lý - xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành Chính quốc gia) chia sẻ: “Hãy để con trẻ được sống cuộc đời của chính nó. Con cần được chấp nhận năng lực riêng cũng như hạn chế, khiếm khuyết, cần được lắng nghe, được chơi cùng, cần được hiểu, được ngợi khen, khuyến khích. Nhân cách phát triển tốt khi con tự tin và được tôn trọng”.

Và, để con có thể vững bước trên hành trình tương lai của riêng mình, thạc sĩ Hòa An mượn hình tượng con diều sở dĩ bay lên cao được là nhờ những cơn gió ngược, nhắn gửi quý phụ huynh rằng hãy trao niềm tin cho con, đừng bao bọc, cản bước. Đương đầu với thử thách, con có thể vấp ngã nhưng nhờ thế mà học được tư thế ngã hợp lý và ít tổn thương nhất.

 DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI