Tha thứ cho mình

28/03/2016 - 18:54

PNO - Người trẻ vốn hồn nhiên, dễ thích nghi với môi trường sống, cũng dễ điều chỉnh bản thân. Nhưng, không ít người lại không thể tha thứ cho lỗi lầm của mình.

Kẹt trong quá khứ

Thái Hiền yêu một người đàn ông lớn tuổi, đã có gia đình. Mẹ cô tức giận phản ứng cho rằng bị con gái làm xấu mặt. Hiền tranh cãi, to tiếng với mẹ, rằng mẹ không hiểu con, rằng mẹ chỉ nghĩ đến danh dự của mẹ. Cô bào chữa: tình yêu thì không có lỗi, rằng cô vẫn biết gặp và yêu đàn ông độc thân thì an toàn hơn, nhưng họ không dành cho cô, không ai yêu thương, che chở cô cả. Sau cuộc cãi mẹ, cô bỏ nhà đi.

Từ miền Bắc, Hiền vào Sài Gòn, làm đủ các nghề để sống. Có chút nhan sắc nên cô được các nhà hàng nhận làm tiếp tân. Mối tình ngang trái của cô cũng chẳng còn, cô yêu người khác, nhưng không nghĩ đến chuyện lập gia đình vì muốn tự do. Công việc không mang đến cho cô nhiều tiền, nhưng tạo điều kiện cho cô quen biết với nhiều người đàn ông giàu có. Siêng năng và quyết tâm làm giàu nên cô cũng làm chủ một quán ăn, rồi lên cấp nhà hàng.

Bảy năm xa nhà, Thái Hiền sống như một người mất tích với gia đình, vì cô không thể quên câu nói của mẹ “nuôi mày thật uổng cơm”. Cận Tết Hiền bất ngờ nhận điện của em trai báo tin: “Mẹ mất rồi, bị ung thư”. Hiền cuống cuồng về nhà, bảy năm trời, căn nhà cũ không một chút thay đổi, chỉ duy nhất sự mất mát. Em trai nói, từ ngày chị bỏ nhà đi, mẹ suy sụp, bà gượng gạo nói dối mọi người: “Con gái đi du học, rồi ở lại luôn bên đó”.

Khi quay trở lại Sài Gòn, với công việc, Hiền như một người khác. Cô dằn vặt mình, bên ngoài trang điểm rực rỡ ra vẻ thành đạt, nhưng bên trong khốn khổ, hay khóc, uống rượu ngày càng nhiều. Cô giận mình đã đối xử bất hiếu, nông nổi, bất cần với mẹ.

Tha thu cho minh
Ảnh mang tính minh họa - shutterstock

"Delete" và "restart"

Theo một đề tài nghiên cứu về stress của Viện khoa học phát triển nhân lực và tài năng TP.HCM, hối tiếc những chuyện xảy ra trong quá khứ là một nguyên nhân gây ra cơn khủng hoảng tinh thần trong cuộc sống hiện tại. Đáng nói là, không ít người trẻ không đủ sức thoát ra khỏi quá khứ. Thời gian còn nhiều ở phía trước, nhưng với họ, cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì, khi bị mắc kẹt vào những chuyện mà lẽ ra họ đã không làm, không nên làm.

Hầu như số đông trong chúng ta, trong cuộc sống đều có những lúc mắc sai lầm và đó là những chuyện “khủng khiếp” để chúng ta vượt qua, để trưởng thành, chứ không phải để làm hỏng cuộc sống hiện tại.

Một trong những việc khó khăn nhất trong cuộc đời, không phải là tha thứ cho người khác, mà là thứ tha cho chính mình. Khi thôi không còn dày vò, đay nghiến mình nữa, nghĩa là bạn đã bày tỏ tình yêu thương đối với bản thân. Quá khứ không muốn nhớ, thì đáng để quên đi. Quên đi một cách trọn vẹn nhất là học thuộc những bài học mà bạn đã rút tỉa ra từ sai lầm, tội lỗi, để rồi không tái phạm.

Giữ và nhớ những chuyện khiến bạn phiền muộn trong tâm trí, giống như lưu trữ và mở các “email” có chứa vi-rút. Nó sẽ làm treo máy. Việc cần làm là “delete” chúng đi và “restart” lại máy tính. Thêm vào đó, bạn đừng để mình có nhiều thời gian… rảnh. Bởi đó thường là thời điểm mà quá khứ u tối “vồ” lấy bạn. Hãy tập trung tâm trí vào việc thực hiện ước mơ.

Thêm một cách nữa để không bị quá khứ ám ảnh, là bạn thử tính xem mình có bao nhiêu vận may về sức khỏe, có hình hài không khuyết tật, có bạn bè, người thân, có việc làm, có khả năng hiểu biết… Đó là những yếu tố, những “vật liệu” để bạn xây đắp, hướng đến tương lai.

Dù quá khứ của bạn rực rỡ hay tăm tối, thì mọi người đều nhìn những thành công của bạn ở hiện tại. Tận hưởng những niềm vui hiện hữu là biết nhận món quà quý của cuộc sống.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI