Không dành cho người yếu bóng vía

24/10/2013 - 19:25

PNO - PN - Đôi khi chỉ cần vài câu hù dọa đơn giản, một tổ chức tội phạm trong thế giới ảo có thể kiếm được những món tiền đáng kể hoặc gây ra những cái chết thương tâm cho những người yếu bóng vía tham gia các mạng xã hội.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Khong danh cho nguoi yeu bong via

Trang web Chatroulette

Những cái chết thương tâm

Gauthier, học sinh lớp 12 Trường trung học Vauban ở thành phố cảng Brest, tỉnh Finistère, Đông Bắc nước Pháp, là một nạn nhân như thế. Tháng Mười năm ngoái, chỉ sau khi ăn mừng sinh nhật thứ 18 chưa đầy hai tháng, chàng trai trẻ này đã treo cổ tự tử trong vườn nhà mình vì bị tống tiền 200 euro. Đó là một món tiền nhỏ nhưng sẽ tăng dần theo lòng tham của kẻ tống tiền. Nghĩ đến chuyện những hình ảnh riêng tư nhạy cảm bị kẻ tống tiền phát tán trên Facebook nếu không nộp tiền, Gauthier bấn loạn tinh thần. Trong một phút thiếu kiềm chế, cậu đã hành động nông nổi. Vụ án đã được khởi tố nhưng đến đầu tháng Tư năm nay, cảnh sát điều tra và ban tư pháp của Công ty dịch vụ mạng xã hội Mỹ Facebook vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Có một sự trùng hợp mang nhiều ý nghĩa là Gauthier đã tự sát cùng ngày, cùng một phương tiện (dây thừng treo cổ) với Amanda Todd, nữ sinh lớp 10 ở thành phố Quebec Canada. Amanda cũng là nạn nhân của một vụ tống tình, khủng bố tinh thần hơn hai năm trên Facebook do trong một phút bồng bột chia sẻ ảnh ngực trần.

Sập bẫy khoe thân

Gauthier (họ của người chết không được tiết lộ theo yêu cầu của gia đình) là một đứa con mơ ước của mọi gia đình. Không như một số bạn cùng trang lứa “ăn, ngủ” với máy tính và điện thoại di động hơn 20 giờ/ngày, Gauthier là một thanh niên tràn đầy nhựa sống.

Bà Nathalie, mẹ của Gauthier, rất tự hào về con trai: “Nó luôn bảo vệ mấy đứa em, tính tình cẩn thận và thích đùa. Nó thích tâm sự với mẹ và bạn bè”. Cha mẹ Gauthier biết rõ internet có hai mặt nên thận trọng đặt ra một nguyên tắc đối với con cái là: giờ ăn không được nói hoặc nghe điện thoại di động. Hạn chế sử dụng internet.

Cũng vì quảng giao mà Gauthier vô tình phạm một sai lầm chết người. Cậu không thể hình dung trong thế giới mạng xã hội có nhiều tên vô lại đang rình rập với những âm mưu đen tối, bệnh hoạn. Gauthier tình cờ làm quen và “chat” với một cô gái lạ qua mạng. Cuộc trò chuyện trực tuyến được hỗ trợ bằng webcam. Đó là đặc điểm của mạng Chatroulette. Trò chuyện được 10 phút, cô bạn mới đề nghị chuyển sang "tám" trên Facebook. Gauthier làm theo mà không ngờ mình đã trao cơ hội cho kẻ lạ mặt biết rõ danh tánh và dòm ngó vào danh sách bạn bè của mình để tống tiền.

 Khong danh cho nguoi yeu bong via

Tống tiền qua mạng khiến nạn nhân suy sụp

Gauthier rất ngạc nhiên khi thấy trang Facebook của cô gái lạ chỉ có mỗi mình cậu là bạn. Cô gái đã xua tan nghi ngờ bằng cách giải thích, trang Facebook cũ bị tin tặc xâm nhập, mới lập trang khác nên Gauthier là người bạn đầu tiên. Cuộc trò chuyện dần thân mật hơn và chuyển sang một đề tài nhạy cảm đã trở thành “mốt” trong giới học sinh: khoe thân thể trước webcam. Cô gái cởi tới đâu Gauthier cũng được khuyến khích cởi tới đó. Trò chơi này diễn ra khoảng 10 phút thì cô gái lạ trở giọng. Chiếc bẫy đã sập và Gauthier trở thành con tin.

“Tôi đã ghi lại băng hình khiêu dâm của anh. Nếu không chuyển cho tôi 200 euro, tôi sẽ hủy hoại đời anh”. Tin nhắn viết bằng tiếng Anh. Nghĩ đến viễn cảnh những tấm ảnh nóng của mình sẽ được chuyển đến tất cả bạn bè trong danh sách Facebook, Gauthier hoảng sợ thật sự. Vài giờ sau, Gauthier treo cổ.

Trước khi tự sát, Gauthier nhắn tin vào máy tính của ba mẹ: “Mọi tội lỗi đều do con gây ra. Xin ba mẹ thứ lỗi”. Sự việc diễn ra quá nhanh, khiến không ai có thể can thiệp kịp.

Bernard Salaun, đội trưởng đội cảnh sát hình sự Brest cho biết, cha mẹ Gauthier chỉ biết sự thật về câu chuyện sau khi cảnh sát kiểm tra chiếc laptop của con trai họ.

Ác mộng kỹ thuật số

Được hỏi clip đó có xuất hiện trên mạng vì Gauthier không trả tiền chuộc không, ông Salaun cho biết, chưa hề thấy mà có lẽ nó không có thật. Thủ phạm hiểu rõ phát tán một tài liệu như thế sẽ dễ dàng bị lộ và bị bắt. Chỉ cần hù dọa thôi, nếu nạn nhân yếu bóng vía thì sẽ trả tiền. Gauthier có thể đã bị lừa. Do thiếu bình tĩnh và suy nghĩ nông cạn, cậu đã tự kết liễu đời mình một cách oan uổng.

Nguồn gốc tin nhắn tống tiền được xác định khá dễ dàng - đến từ một quán cà phê internet nào đó ở thành phố Abidjan, trung tâm kinh tế lớn nhất của Bờ Biển Ngà, ở châu Phi. Nhưng, ở đó có cả ngàn quán cà phê internet, nên việc truy tìm thủ phạm gần như là không thể. “Tìm ở châu Âu đã vất vả, tìm ở châu Phi càng giống như mò kim đáy biển”. Ông Salaun nói.

Dù vậy, ông bà Gaby và Nathalie vẫn quyết định đưa ra ánh sáng bi kịch gia đình mình. Bà Nathalie nói: “Chúng tôi muốn lưu ý giới trẻ rằng, internet cũng là một hiểm họa. Chúng tôi muốn đánh động các gia đình rằng, con cái họ có thể gặp nguy hiểm ngay trong phòng ngủ nhiều hơn ngoài đường phố”.

Thực tế đúng như vậy. Với trào lưu xài điện thoại thông minh và máy tính bảng giá rẻ ngày càng mạnh, học sinh dễ dàng trở thành “mồi ngon” cho bọn tội phạm. Theo các chuyên gia mạng của tổ chức tin tặc quốc tế Anonymous, có đến 90% khả năng kẻ tống tiền Gauthier là người của một tổ chức tội phạm chuyên nghiệp chứ không đơn giản là một cô gái nào đó tình cờ Gauthier làm quen qua mạng Chatroulette.

Tống tiền, lừa đảo trên mạng xã hội đã trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền ở một số nước châu Phi như Mali, Nigeria. Việc chia sẻ hình ảnh, tin nhắn nhạy cảm trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, dễ bị chúng ăn cắp và dùng làm vũ khí tấn công. Với 75% thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi ở Pháp tham gia nhiều mạng xã hội cùng lúc, các nhà xã hội học cho rằng nguy cơ là rất lớn. Những bi kịch như vậy phải được chặn đứng từ trong trứng nước, nhưng bằng cách nào thì vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

 TRỌNG NGHĨA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI