Kẻ cắp thời gian

29/06/2015 - 08:39

PNO - PN - Trong các kiểu ăn cắp, thời gian có lẽ là thứ bị đánh cắp một cách “tinh vi”, khó nhận biết nhất và mỗi người đều có thể trở thành kẻ cắp hay nạn nhân.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đánh cắp thời gian trên những chuyến bay có lẽ là điều dễ thấy nhất. Ngay cả những chuyến bay không thông báo là bị trễ, hoãn thì giữa giờ bay thực tế với giờ bay ghi trên vé vẫn luôn là khoảng cách đáng kể, ít thì 10 - 15 phút, nhiều có khi đến 45 phút.

Ke cap  thoi gian

Những ai hay du lịch theo đoàn sẽ chứng kiến việc du khách ít khi tập trung ở điểm hẹn đúng giờ. Trong chuyến đi du lịch mới đây của tôi, anh hướng dẫn đoàn đã liên tục cảm ơn và vỗ tay “khen” mọi người vì đoàn chúng tôi trễ giờ... ít hơn các đoàn khác. Nghe mới mỉa mai làm sao!

Có bao giờ bạn đi đám cưới đúng giờ ghi trên thiệp hay chứng kiến những khách mời khác có mặt đúng giờ chưa? Tôi chắc chắn câu trả lời của bạn sẽ có chữ “có lẽ”, “có thể”... Trong những vụ đi dự đám cưới, tiệc tùng thế này, tôi không nghĩ rằng bạn thường xuyên là “nạn nhân” mà có khi bạn cũng là “kẻ cắp thời gian” của người khác qua việc đến trễ để người khác phải chờ.

Rồi thì những cuộc họp ở nơi bạn làm việc, những cuộc hội thảo, hội nghị ngoài phạm vi công ty, có bao giờ mọi người có mặt đông đủ vào đúng giờ quy định? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG. Và đôi khi, chỉ vì sự đến trễ của một số ít người, số đông còn lại trở thành kẻ bị đánh cắp thời gian. Chưa kể những cuộc họp lê thê, không hiệu quả, các thành viên phát biểu lan man cũng làm người khác mất thời gian.

Ở một số cơ quan công quyền, tôi vẫn thường ngồi đợi đến lượt mình để được giải quyết công việc trong lúc các nhân viên bận... tán gẫu với nhau về bộ đồ mới mua hay về chuyến du lịch sắp tới. Nhưng, cứ thử tinh tướng vạch mặt những kẻ ăn cắp thời gian của mình xem, bạn sẽ biết ngay thế nào là hậu quả!

Nói đâu xa, ngay chính nơi làm việc của bạn mỗi ngày, nếu không biết quản lý, sắp xếp thời gian của mình, có khi bạn trở thành kẻ cắp thời gian. Tán gẫu, ăn uống, gọi điện thoại vì mục đích riêng, lướt web, đi trễ, về sớm, chậm trả lời email của người khác... cũng là những biểu hiện của việc “đánh cắp thời gian” đấy.

Thời gian đã qua đi không thể tìm lại. Cũng chẳng thể tạo ra thời gian khi cần, nhưng có lẽ do không được thể hiện qua những giá trị hữu hình nên người ta không bắt tội hay có hình phạt nào dành cho những kẻ cắp thời gian. Cũng chính vì vậy mà người ta vô tư phí phạm thời gian của người khác, kể cả của chính mình, dù việc này không đem lại lợi ích gì mà còn khiến họ trở nên xấu đi.

Lề mề, lôi thôi, không tôn trọng người khác (và dĩ nhiên là thiếu tự trọng) là những cái “mác” họ tự đóng lên mình khi cho phép mình trễ nải trong mọi tình huống, xâm phạm đến thời gian của người khác.

Vậy chẳng lẽ không có biện pháp gì để đề phòng việc đánh cắp thời gian? Xin thưa là có. Người ta có nhiều lý do để biện hộ, thường thì họ cho là do bận rộn, đôi khi cũng chẳng vì lý do gì, nhưng tôi lại thấy lý do chính nằm ở thói quen, mà thói quen thì hoàn toàn có thể thay đổi được.

Không như những kiểu “ăn cắp” khác, đánh cắp thời gian hoàn toàn có thể phòng, tránh được, thậm chí loại trừ hẳn và chỉ có “kẻ cắp” mới có thể tự trị được “bệnh” của mình. Có điều, không biết họ có đủ ý thức tự giác, quyết tâm và cả tự trọng để từ bỏ thói quen xấu xí này không mà thôi.

NGỌC VI
(Q.9, TP.HCM)

Bài vở tham gia trên trang Bạn đọc, vui lòng gửi về email: bandocphunu@gmail.com.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI