Dán nhãn phim Việt: Nâng tầm hay bức tử?

11/12/2018 - 11:39

PNO - Trước thời điểm công chiếu 1 ngày, phim ‘Mặt trời, con ở đâu?’ nhận được nhãn C13 từ Cục Điện ảnh. Với một phim nhắm đến đối tượng gia đình, việc hạn chế độ tuổi này quả là một đòn 'chí tử'.

Phim sản xuất cho trẻ em lại bị cấm trẻ em xem

Ngay khi nhận được yêu cầu về giới hạn độ tuổi người xem, nhà sản xuất (NSX) phim Mặt trời, con ở đâu? đã gửi yêu cầu xem xét lẫn giải thích đến Cục Điện ảnh. Tuy nhiên, dù phim đã công chiếu vào 7/12, cho đến tối qua, 10/12, NSX vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ Cục.  

Dan nhan phim Viet: Nang tam hay buc tu?
Mặt trời, con ở đâu? là bộ phim có sự xuất hiện của nhiều diễn viên nhí.

Hiện nhiều thành viên thuộc đoàn phim và những người yêu mến Mặt trời, con ở đâu? liên tục “kêu cứu”, cho rằng với một bộ phim đề cập về gia đình, ca ngợi tình phụ tử và không nặng bạo lực... thì việc gắn nhãn C13 (cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi) là không chính xác.

Tác phẩm điện ảnh chiếu rạp tại Việt Nam theo 4 cấp độ, từ ngày 1/1/2017: mọi độ tuổi (P), cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi (C13), cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi (C16) và cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 tuổi (C18).

“Tôi là người thực hiện bộ phim này. Với tôi, bộ phim không đáng bị dán nhãn C13 vì không có cảnh bạo lực, không có điều gì quá ghê gớm cả. Đó là một quyết định khá đáng tiếc. Có lẽ, Cục nên đánh giá phim theo hướng có nhiều chữ tình trong đó hơn. Tôi không rõ văn bản pháp luật nào quy định một bộ phim như thế nào sẽ bị dán nhãn, như thế nào là không. Tôi chỉ hy vọng Cục nhìn vào tổng thể của một bộ phim để tránh những quyết định đáng tiếc”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết.

Theo nam đạo diễn, dán nhãn phim là chuyện cần làm, để đảm bảo nội dung phim được tiếp nhận đúng đối tượng. Nhưng, với những gì diễn ra thời gian qua, sự cảm tính lẫn năng lực thẩm định để phân nhãn cho phim của các thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia là điều  anh rất lo ngại. 

Cho đến hiện tại, NSX Mặt trời, con ở đâu? chỉ biết phim mình bị hạn chế đối tượng khán giả dưới 13 tuổi bởi vì “trong phim có những hình ảnh không phù hợp với đối tượng thiếu nhi”, nhưng không biết hình ảnh nào là không phù hợp. 

Dan nhan phim Viet: Nang tam hay buc tu?
Bảo Bảo đảm nhận vai chính - bé Á trong phim.

“Dán nhãn C13 ảnh hưởng rất kinh khủng đến doanh thu của phim, đặc biệt là phim gia đình vì bố mẹ thường dắt con cái đi xem chung, nếu trẻ bị cấm xem phim này thì coi như chúng tôi mất sạch lượng khán giả mục tiêu. Tôi hy vọng những người làm công tác kiểm duyệt phim của Cục hãy làm việc có tâm, có tình”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói.

Nâng tầm hay bức tử?

Đại diện NSX Mặt trời, con ở đâu?:

Chúng tôi không thấy hợp lý với quyết định dán nhãn C13 cho phim. Phim không có cảnh bạo lực quá mức, không có sex, không nói tục, không vi phạm thuần phong mỹ tục. Phim là câu chuyện nhân văn với tình cha con, tình bạn của những đứa trẻ... hướng thiện cho mọi đối tượng nhất là trẻ con thì tại sao không cho trẻ con xem?

Dán nhãn cho điện ảnh là điều cần thiết và phải làm trong thời buổi ranh giới giữa văn hóa và “rác văn hóa” không cách nhau bao xa. Tuy nhiên, dán nhãn như thế nào để phù hợp, nâng tầm cho điện ảnh quốc gia thay vì dìm chết một tác phẩm nghệ thuật mới là điều quan trọng. Bài học dán nhãn cho đến nay, vẫn chưa tìm được lời giải nào thỏa đáng.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên giới làm phim ngơ ngác lẫn bức xúc trước việc gắn nhãn hạn chế khán giả của Hội đồng duyệt phim quốc gia. 

Nếu như rất nhiều phim được Hội đồng cẩn trọng "bóp" đối tượng khán giả mà theo những người trong nghề là quá khắt khe thì cũng có nhiều phim đầy rẫy cảnh dung tục lại được Hội đồng "xả giàn". Bài học "đau thương" này cho đến nay vẫn được nhiều NSX nhắc lại với phim Tây du ký ngoại truyện. Dù ngập tràn bộ phim ngoại này là những cảnh hở hang nhưng Hội đồng đã "rộng tay" tặng hẳn nhãn P, trong khi nhiều phim Việt khác ra mắt cùng thời điểm, dù nhắm đến đối tượng gia đình, thì lại bị gắn nhãn C16. 

Trailer phim Mặt trời, con ở đâu?:

Hậu quả là, nhiều phụ huynh dắt con đi xem Tây du ký ngoại truyện gặp cảnh dở mếu dở cười, còn nhiều phim Việt bị thua ngay trên sân nhà, chỉ vì nhãn dán của Hội đồng. 

Việc dán nhãn không “hạ gục” doanh thu của một bộ phim nếu tác phẩm điện ảnh đó chất lượng, bà Ngô Phương Lan từng khẳng định như thế trong thời gian còn là Cục trưởng Cục Điện ảnh. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn vậy. Và, với một bộ phim mà NSX xác định đối tượng khán giả chính từ 6 – 12 tuổi như Mặt trời, con ở đâu?, khiến ngay cả hơn phân nửa dàn diễn viên nhí trong phim không có cơ hội vào rạp xem tác phẩm mà bản thân đã tham gia, việc bị gắn C13 chính xác là một đòn chí tử. 

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định đây là bài học đắt giá cho anh lẫn các ê-kíp làm phim khác phải đọc hiểu luật lệ, quy định dán nhãn phim để tránh những trường hợp đáng tiếc. Nhưng ngặt nỗi, quy chuẩn cụ thể là gì, anh không biết và tin rằng Hội đồng duyệt phim cũng không dám khẳng định.

Điều đáng nói là, khi được hỏi về việc yêu cầu giải thích của NSX Mặt trời, con ở đâu?, bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Ủy viên Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện cho biết: "Cục sẽ có phản hồi chính thức bằng công văn sau khi xem lại nội dung phim". 

Nghĩa là, Hội đồng duyệt phim quốc gia đã đưa ra một lệnh cấm mà chính bản thân cũng không nhớ mình cấm vì lý do gì!

Dan nhan phim Viet: Nang tam hay buc tu?
Bộ phim có sự tham gia của Việt Hương. Trên trang cá nhân, nữ diễn viên cho biết chị bất bình khi phim bị gắn nhãn C13.

Mặt trời, con ở đâu? kể về hành trình chạy trốn khỏi nhóm bắt cóc Á (Bảo Bảo, 10 tuổi) - một cậu nhóc bán vé số dạo và bạn đồng hành, cô tiểu thư Xuka (Cát Vy, 9 tuổi). Do không hiểu tình thương của ba nên Á bỏ trốn. 

A Tẻo (Huỳnh Đông) - cha của Á bị câm, ông chỉ biết thể hiện tình cảm với con bằng hành động. Vượng – cha của Xuka là một người đàn ông giàu có, đang tìm cách để cứu con mình thoát khỏi bệnh tật. Câu chuyện tìm cách cứu con của hai người cha khác nhau về số phận, hoàn cảnh sống được thể hiện đầy cảm xúc trong phim

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI