Đau đầu với trẻ cá biệt

22/03/2015 - 06:54

PNO - PN - Có những đứa trẻ rất bướng bỉnh, quậy phá, thích bày trò ngạo ngược. Cha mẹ nên xoay xở thế nào với đứa con “ngựa chứng” này?

edf40wrjww2tblPage:Content

"Tuổi thơ dữ dội"

Chí Dinh, đứa con trai út của chị Mai Hoa (Phong Điền, Cần Thơ) thông minh, học khá nhưng lên lớp 7 thì bị đuổi học. Lý do: rất ngỗ nghịch, chọc phá và ăn hiếp bạn bè. Vốn đã đau đầu với Dinh, từ khi cu cậu bị đuổi học, chị Hoa càng bấn loạn. Dinh nhỏ con, không hiểu vì sao lại được nhiều bạn - những học sinh khối lớp 6, 7 vốn nằm trong “sổ đen” của trường - tôn làm “đại ca”. Nhóm do Dinh cầm đầu liên tục nghĩ ra đủ trò để chọc phá bạn bè, đặc biệt là bạn nữ. Nhà trường biết chuyện, phê bình nhóm trước cờ, song đâu lại vào đấy.

Lần nọ, lớp Dinh có bạn từ trường khác chuyển về, Dinh gặp riêng bạn và hoạnh họe: “Biết tao là ai không? Thấy tao sao không chào hỏi?”, rồi… phạt bạn bằng cách tịch thu chiếc mũ và mấy cuốn tập. Trong những cuốn vở của mình, Dinh vẽ chân dung bạn nữ, chuyền cho nhóm xem rồi tuyên bố: “Tao để ý nhỏ này” - nghĩa là không ai được phép thích cô bạn ấy của Dinh.

Từ lúc Dĩ An còn là cậu nam sinh tiểu học, chưa nếm “mùi đại ca”, chị Minh Thùy (Q.3, TP.HCM) đã nhiều lần “muối mặt” trong các cuộc họp phụ huynh vì đứa con “không thể hiểu nổi”. Trong giờ học, cu cậu sẵn lòng mua vui cho chúng bạn bằng… mọi giá. Có khi, đang giảng bài, cô giáo sững sờ thấy An đang đội nón, đi quanh lớp, giả điệu bộ của Mr. Bean khiến cả lớp cười ồ. Bị cô phê bình, An chỉ xịu mặt mấy giây, rồi lại tiếp tục bày trò. Giờ khảo bài, An ngồi dưới lớp, nghĩ cách chọc cười bạn đang trả bài cho cô.

Bên cạnh những chuyện có tình tiết, là hàng chục thói tật mà cô giáo phải nhắc đến khi nhận xét về An, điển hình là nói chuyện to tiếng trong lớp. Nóng nảy trở về từ cuộc họp phụ huynh, chị Thùy bao phen dọa sẽ… may miệng An lại. Nhưng, cu cậu vẫn bình chân như vại, tỉnh bơ trước những hăm dọa của mẹ. Chị Thùy đành chịu thua, chỉ biết vò đầu, bứt tóc.

Dau dau voi tre ca biet

Cần có cái nhìn lạc quan hơn

Nhìn ở khía cạnh lạc quan, sự bướng bỉnh, nghịch phá của trẻ chính là biểu hiện của sự sáng tạo, nảy sinh từ nhu cầu khẳng định cái tôi. Những chuyện mà người lớn không thể hiểu nổi của Dinh, của An; suy cho cùng cũng đều vì mục đích thu hút sự chú ý của người khác về mình. Nhưng, từ đâu nảy sinh nhu cầu ấy?

Trong cuốn Kỹ năng làm cha mẹ (NXB Tổng hợp TP.HCM), chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng, tính cách này của trẻ có thể xuất phát từ hai nguyên nhân tâm lý và sinh lý. Trẻ có thể trạng yếu ớt, hoặc gặp lúc ốm đau, mỏi mệt thường có biểu hiện bướng bỉnh hơn mức bình thường. Tuy nhiên, điều khiến những người mẹ như chị Mai Hoa bế tắc, chính là sự bướng bỉnh nảy sinh từ một vấn đề tâm lý nào đó của trẻ.

Nó thường rơi vào những đứa trẻ sinh trưởng trong gia đình thiếu tình thương, hoặc bị cư xử khắc nghiệt. Chung sống với những khiếm khuyết ấy, trẻ sẽ có xu hướng tập trung sự chú ý về mình. Biết “cơ chế” hình thành tính cách ấy của trẻ, hiểu những nguyên nhân sâu xa và tuần tự logic tạo nên một đứa con bướng bỉnh, nhưng cha mẹ khó mà kiềm chế để ứng xử với con cho thật công bằng, hợp lẽ.

Một trong những điều phụ huynh thường phạm phải khi ứng xử với con bướng bỉnh, cá biệt là đánh đập, nặng lời. Biện pháp này chỉ có thể thỏa mãn được cơn giận của cha mẹ, nhưng hoàn toàn vô bổ với con. Lời nặng và đòn roi nếu không làm thui chột cá tính, thì càng khiến đứa trẻ bướng bỉnh hơn. Những phản ứng mạnh mẽ của cha mẹ có thể kích động thêm ý muốn được chú ý của đứa trẻ, khiến những hành vi gây sự chú ý của trẻ đạt được mục đích. Để tránh tạo “cảm hứng” cho trẻ tiếp diễn những trò nghịch ngợm, cha mẹ cần giữ thái độ bình thản, đưa ra những yêu cầu đơn giản với những lời giải thích nhẹ nhàng, và kết thúc phần thể hiện thái độ bằng những cử chỉ yêu thương.

Dau dau voi tre ca biet

Trước hành vi sai trái của trẻ, cha mẹ cần thể hiện thái độ dứt khoát. Có thể lựa chọn những hình phạt như “cắt” phần quà thưởng định kỳ: không cho đi nhà sách, công viên đối với trẻ nhỏ, cắt suất xem phim, du lịch với trẻ lớn hơn. Nên tránh trừng phạt những đứa trẻ cá biệt trong lúc bạn hoặc trẻ đang nóng giận, hay khi có mặt người thứ ba. Bị bẽ mặt là một cú sốc rất lớn đối với những đứa trẻ mong muốn khẳng định mình.

Điều này có thể đẩy trẻ vào khuynh hướng nổi loạn, hất tung mọi thứ đang trái ý mình. Những đứa trẻ “chứng” rất cần những lời khen để được yên tâm về cái tôi của chúng. Bằng lời khen khi trẻ làm việc tốt, cha mẹ đã giúp trẻ lưu tâm nhiều hơn với những việc làm tốt; trong khi sự mắng mỏ, chì chiết có tác dụng ngược lại.

Các chuyên gia tâm lý tin rằng, những đứa trẻ cá biệt có một năng lượng sống đặc biệt và sẽ có một cuộc đời nhiều màu sắc hơn những đứa trẻ bình thường, nếu được giáo dục đúng cách. Trong muôn vàn khó khăn của việc nuôi dưỡng một đứa con cá biệt, chúng ta cần tin rằng, mọi biểu hiện “giở chứng” của con không hoàn toàn là những tín hiệu tiêu cực. Việc có “chữa” được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình.

 PHONG DI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI