Trẻ gặp tai nạn: ‘Tiên trách kỷ…’

03/01/2019 - 06:00

PNO - Môi trường sống thiếu an toàn ấy, đôi khi được tạo ra bởi chính sự bất cẩn của người lớn.

Tối 1/1/2019, một em bé 15 tháng tuổi ở Kiên Giang rơi vào nguy kịch, có thể sẽ sống đời thực vật vì ba mẹ thiếu quan sát, bé rơi vào hồ nước tưới cây khi gia đình đi chơi tại công viên Rạch Giá.

Cũng trong ngày 1/1, một bé trai tử vong vì rơi xuống tầng 8 ở chung cư River Gate, quận 4, TP.HCM.

Vài ngày trước đó, 23/12/2018, một bé gái rơi từ tầng 9 của chung cư Thủ Thiêm Sky, (quận 2) xuống đất, tử vong. Thời điểm xảy ra vụ việc, mẹ bé vừa ra khỏi nhà ít phút. 

Những cái chết liên tiếp chỉ cách nhau vài ngày, làm trái tim người làm mẹ như tôi đau nhói. Khoan hãy quy trách nhiệm cho chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, nhà thiết kế công trình… Bởi tôi biết có nhiều bà mẹ, trong đó kể cả tôi, đã nhiều lúc bất cẩn với con mình, nhiều lúc muốn thót tim khi thấy con mình suýt nữa thì gặp nạn chỉ vì mẹ lơ là trong phút chốc.

Tre gap tai nan: ‘Tien trach ky…’
Chung cư nơi bé trai tử vong 

Tôi đã từng chứng kiến tại hồ bơi, cảnh các bà mẹ dán mắt vào màn hình smart phone một hồi lâu mới dáo dác đi tìm con trong đám đông, trong khi hồ bơi không hề có nhân viên cứu hộ. Tôi cũng thấy nhiều gia đình có con nhỏ, nhưng ổ cắm điện không hề được khoá bằng phụ kiện an toàn, trong khi những chiếc nút nhựa ấy rất rẻ và rất dễ mua.

Và chị gái của tôi, khi còn bé, phải nhập viện trị bỏng cả tháng trời, đến giờ vẫn còn những vết sẹo chằng chịt trên da, chỉ vì người lớn bê nồi canh không cẩn thận.

Còn quá nhiều những đứa trẻ uống phải thuốc trừ sâu, xăng dầu thay vì nước lọc chỉ vì cha mẹ chứa những chất ấy trong chai nước suối và để trong tầm tay trẻ.

Người ta nói về quy định này kia, đúng chuẩn hay dưới chuẩn này nọ, nhưng lan can nhà cao tầng dù có cao đúng chuẩn quy định, từ 1m1-1m4, cũng không thể ngăn được đứa trẻ nghịch ngợm vốn thừa sức chồng một lúc mấy cái ghế để “bay” khỏi lan can như chú siêu nhân mình thấy trên phim.

Theo kết quả được công bố vào 2017 của Bộ Y tế, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó số trẻ em tử vong là 6.600. Còn theo UNICEF, số lượng trẻ em Việt Nam chết do tai nạn nhiều hơn so với số trẻ em bị chết do các bệnh truyền nhiễm, chưa kể rất nhiều trẻ em khác bị thương tích khiến tàn tật suốt đời. Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, tai nạn ở trẻ nhỏ xảy ra tại nước ta chủ yếu do thiếu ý thức, kiến thức, kỹ năng của người dân về phòng, chống- dĩ nhiên còn do môi trường sống không an toàn.

Môi trường sống thiếu an toàn ấy, đôi khi được tạo ra bởi chính sự bất cẩn của người lớn. Những đồ vật có tính sát thương nằm trong tầm với của trẻ, những khoảng không nguy hiểm không được che chắn, những thú nuôi tiềm ẩn nhiều nguy hại nhởn nhơ trong phạm vi sống… đều là từ sự bất cẩn đó.

Tre gap tai nan: ‘Tien trach ky…’
Chỉ cần ba mẹ sơ ý, những nơi như lan can căn hộ sẽ khiến trẻ gặp thương tích. Ảnh minh hoạ.

Trẻ em hay tò mò, thích khám phá và hay bắt chước người lớn nhưng trẻ em không phải là người lớn dưới hình hài thu nhỏ. Khả năng, suy nghĩ và hành vi của các em khác với người lớn, điều này khiến các em có nguy cơ bị thương tích rất cao.

Nhiều năm qua, UNICEF cũng kêu gọi thực hiện mô hình Nhà an toàn cho trẻ nhưng số vụ tai nạn ở trẻ nhỏ không có chiều hướng giảm. Bởi ngoài tạo cho trẻ môi trường sống an toàn, người lớn còn phải luôn canh chừng trẻ, đặt trẻ trong tầm mắt của mình; đồng thời dạy trẻ hiểu về những nguy hiểm để tránh.

Chính ý thức và kiến thức của người lớn là yếu tố quyết định giúp trẻ không gặp phải những tai nạn như đã xảy ra.

Mô hình Ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ do UNICEF khuyến cáo:

1. Giếng/ bể nước (chum vại nước ăn) có nắp đậy chắc chắn, an toàn.

2. Có bếp riêng, có cửa chắn và cửa ra vào an toàn đề phòng trẻ bị bỏng.

3. Phích nước nóng để nơi an toàn, trẻ em không sờ, với tới được.

4. Các vật dễ cháy nổ (ga, xăng, cồn, đèn, diêm...) để nơi an toàn đề phòng trẻ bị bỏng.

5. Ổ điện để lên cao, an toàn nơi trẻ em không với tới được đề phòng điện giật.

Tre gap tai nan: ‘Tien trach ky…’
Ổ điện là thứ cực kỳ nguy hiểm với trẻ em. Ảnh minh hoạ.

6. Không cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn (dao và mảnh kính vỡ...).

7. Đặt tủ thuốc ngoài tầm với của trẻ. Dụng cụ đựng hóa chất (thuốc trừ sâu, axit, thuốc tẩy rửa...) phải có nhãn rõ ràng và để trên giá cao hoặc tủ có khóa đảm bảo để trẻ không thể nhìn hoặc sờ được.

8. Cầu thang, ban công phải có tay vịn, rào chắn an toàn để phòng tránh ngã cho trẻ em.

9. Không để trẻ nhỏ chơi các vật dễ nuốt đề phòng hóc nghẹn đường thở.

10. Sàn gác trong nhà phải chắc chắn đề phòng gẫy sập.

11. Lối ra suối, ao, hố vôi... phải có cửa chắn, có nắp đậy hoặc rào chắn đề phòng chết đuối.

12. Vật dụng để trong nhà như xe máy, xe đạp, rìu, cung nỏ... để gọn gàng và an toàn

Thuỵ Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI