Sợ Tết quê chồng

07/02/2019 - 10:00

PNO - Chị quả quyết với anh: “Năm nay không về ăn Tết bên nội nữa”. Anh thuyết phục không được, giận hờn cũng không giải quyết được. Cuối cùng, anh mua vé xe đò mùng hai Tết một mình về quê.

Chị là con gái thành phố, anh quê Đồng Tháp. Nhà ở sâu trong đồng xa. Hồi sinh viên mới quen nhau, mỗi lần anh dắt về quê chị vui mừng lắm. Cảm giác đi trên những con đường đất về làng, nhà anh lại có khu vườn với đủ loại cây ăn quả khiến chị và bạn bè anh thích mê. Vậy nhưng, trở thành vợ anh rồi, về quê lại trở thành… nỗi ái ngại đến sợ hãi của chị. Tết năm nào chị cũng lần lữa đòi ăn Tết bên ngoại, sang mùng hai mùng ba mới về nhà chồng. Hoặc 28 Tết về rồi mùng Một đã đòi quay lên thành phố. Ít có khi nào chị ăn Tết trọn ngày được với bên chồng. Anh buồn, dần thành cãi vã, trách móc. Cuối cùng chị mặc kệ anh, không về nữa.  

So Tet que chong
Tết năm nay chị nhất định không về quê chồng mặc cho anh giận dỗi. (Ảnh minh hoạ)

Mẹ ruột lo lắng bảo ban, chị vẫn nhất quyết không là không. Chị bảo mỗi lần về bên chồng đều bị chị em hàng xóm láng giềng soi mói, nói xấu. Lý do chị không thức dậy làm gà làm vịt lúc 3 giờ sáng, nấu nướng cùng mọi người. Rồi khi vào mâm lại ăn lưng bát cơm, mọi người nói chị làm khách. 

Nguồn nước ở quê bị nhiễm phèn, bà con lóng phèn dùng tắm rửa nấu giặt. Con gái chị tắm một lần bị nổi ngứa khắp người, nên bé cũng sợ về quê như mẹ. Có câu nhập gia tùy tục. Nhưng chị lại mang thói quen sinh hoạt ở phố về quê chồng. Anh chìu vợ, cũng ra sức nói giúp để bên chồng thông cảm. Nhưng cuối cùng chị lại trở thành kẻ dị biệt trong nhà.

Những bữa cơm với chị không có cảm giác đầm ấm, mà luôn thấy ngột ngạt như thể cách cầm chén đũa, gắp thức ăn, nhai nuốt gì của mình cũng bị mọi người trong nhà săm soi. Những câu chuyện với chị chừng như cũng không được tự nhiên. Anh chị lấy nhau nhiều năm, con gái cũng được sáu tuổi, đâu phải là dâu mới. Vậy nhưng so với những chị em dâu khác ở quê, chị lại không có được sự hòa hợp với mẹ chồng. Bà không thích chị ra mặt. Nhiều lần ăn Tết bên chồng về chị khóc với mẹ ruột. Năm nay, anh thuyết phục năn nỉ thế nào chị cũng kiên quyết không đi.

So Tet que chong
Ngày Tết quê chồng, sợ nhất là rửa bát. (Ảnh minh hoạ) 

Với chị em phụ nữ có chồng người Bắc thì lại là một “nỗi sợ” khác. Không phải chuyện xóm giềng soi mói hay mẹ chồng hà khắc, mà là việc… rửa bát mùa lạnh. Nhiều vùng quê miền Bắc vẫn ăn Tết theo kiểu truyền thống, họ hàng đi thăm nhau là đi cả gia đình. Đến nhà ai thì nhà đó dọn mâm, làm cỗ cho phải phép vậy thôi chứ cũng không ai ăn uống nổi bao nhiêu. Hết “đoàn” này đến “đoàn” khác đến chúc tụng. Các cô dâu trong nhà xem như là luôn tay luôn chân nấu nướng bày mâm rửa bát. “Có lúc đang rửa chồng bát đĩa cao ngất lại thấy một… xe bò bát đĩa khác kéo tới. Muốn rụng rời cả tay”– một cô dâu đầy “kinh nghiệm rửa bát” ngày Tết chia sẻ.

Không phải ai cũng sợ ngày Tết bên chồng, bỏ qua những mệt mỏi bếp núc, vẫn còn nhiều thời gian cùng tận hưởng cảm giác sum vầy. Quê chồng có vất vả cũng chỉ dăm ba ngày Tết thôi, mỗi người cố gắng một chút, hòa nhập một chút để giữ hòa khí gia đình. Cũng là cách để mỗi cô con dâu – dù sống ở nơi nào – vẫn hoàn thành được trách nhiệm của mình đối với nhà chồng. Quan trọng là dùng tình cảm chân thành để ứng xử, dùng sự chân thật để được sẻ chia. Tết về quê vợ hay quê chồng cũng đều để vui, để mừng năm mới với gia đình lớn. Đừng xem đó là nỗi sợ hãi làm áp lực cho bản thân mà cũng ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI