Nghi án thầy giáo dâm ô hàng loạt nữ sinh tiểu học: Quy trình can thiệp ngược

20/06/2018 - 08:34

PNO - Đã đến lúc nhà trường cần phải chấp hành đúng luật, không được giấu giếm thông tin nữa. Bởi khi vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ xảy ra, trường học không đủ khả năng và chức năng hỗ trợ, can thiệp cho học sinh.

Chị M. nói: “Suốt hai tháng qua, kể từ ngày tôi lên tiếng tố giác cho đến ngày 17/6, các đoàn thể, tổ chức ở H.Hóc Môn từ cấp xã đến cấp huyện chưa ai gọi cho tôi một tiếng hỏi thăm bé như thế nào, nay họ tổ chức đoàn đi thăm thì đã quá muộn rồi”.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về quy trình can thiệp đối với vụ việc này, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) - nhận xét:

Ngày 19/6, chị V.M. - người thân của bé Lan (tên nhân vật đã được đổi, một trong hơn 10 nạn nhân vụ H.Hóc Môn, TP.HCM trong bài viết đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 13/6) cho biết, gia đình vừa từ chối tiếp ba vị đại diện trường tiểu học nơi cháu Lan học và Phòng Giáo dục H.Hóc Môn khi đoàn này đến thăm Lan. 

 Theo tôi, phản ứng của phụ huynh là đúng. Trước tiên, khi xảy ra một vụ việc xâm hại, bạo hành hay bóc lột trẻ em, nếu nhận được thông tin tố giác, cán bộ chuyên trách trẻ em cấp xã, phòng và sở LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm chính trong quy trình tiếp nhận, can thiệp. 

Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Phòng Giáo dục tổ chức đoàn đến thăm vừa không phù hợp mà có khi lại dở vì vô tình khiến người xung quanh chú ý, gây xáo trộn cuộc sống của trẻ, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần lẫn sự phát triển của trẻ.

* Phụ huynh cho biết, từ hai tháng trước, họ trình báo với công an xã, sau đó, công an huyện thụ lý vụ việc, nhưng tới tận đầu tháng Sáu này, bé mới được trợ giúp về tâm lý, còn phụ huynh mới được tư vấn về các thủ tục pháp lý liên quan. Ngày 17/6, khi Hội LHPN TP.HCM gửi văn bản về vụ việc tới Bí thư Huyện ủy, Trưởng công an huyện thì các ban, ngành của huyện mới vào cuộc, tìm đến nhà thăm hỏi các nạn nhân. Quy trình can thiệp vào vụ xâm hại này có đúng không, thưa ông?

Ở đây, theo tôi, ngoài việc Trung tâm Công tác xã hội TP.HCM tiếp nhận, can thiệp tâm lý và có thông báo cho cơ quan điều tra, thì việc Hội LHPN TP.HCM gửi văn bản báo cáo vụ việc là đúng chức năng. Còn lại, chính xác là chúng ta đã làm theo quy trình ngược.

Vụ việc đã được gia đình tố cáo từ ngày 19/4 tại công an xã, theo quy định tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em, các cơ quan gồm UBND cấp xã, công an, ngành LĐ-TB&XH phải có trách nhiệm can thiệp vụ việc.

Theo luật,  khi nhận tố giác, công an xã không chỉ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra mà còn phải báo cáo với UBND cấp xã; lúc này, cán bộ chuyên trách về trẻ em cấp xã phải báo cáo vụ việc cho phòng LĐ-TB&XH của huyện, phối hợp để trợ giúp và can thiệp. Phòng LĐ-TB&XH phải có trách nhiệm chính.

Thế nhưng, khi báo chí vào cuộc rồi, Trung tâm Công tác xã hội TP.HCM can thiệp rồi mà Phòng LĐ-TB&XH H.Hóc Môn phải chờ đến lúc có văn bản của Hội LHPN TP.HCM và chỉ đạo của Huyện ủy H.Hóc Môn mới vào cuộc (hoặc thực tế có thể chưa vào cuộc) là chưa làm tròn trách nhiệm.  

Theo chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc chậm phối hợp, can thiệp các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em. 

* Theo phụ huynh phản ánh, các bé đã từng kêu cứu đến các giáo viên, cô giáo lớp bên cạnh, cô bảo mẫu, cô giáo tin học… nhưng ban giám hiệu nhà trường không biết. Như vậy, trách nhiệm của những người liên quan ra sao?

* Ông Đặng Hoa Nam: Khoản 2, điều 100, Luật Trẻ em quy định rõ: cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác, thông báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi xâm hại trẻ em, về trường hợp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc đang bị xâm hại trong và ngoài gia đình. Cơ quan điều tra cần làm rõ lời kể của các cháu bé về việc kêu cứu không thành này.

* Vì sao trong nhiều trường hợp trẻ bị thầy, cô giáo xâm hại, bạo hành, việc phát giác thường quá muộn? Thậm chí, nhiều vụ việc bị ém nhẹm, “chìm xuồng”?

* Ông Đặng Hoa Nam: Theo luật định, khi phát hiện sự việc, phải báo ngay một trong ba đơn vị là công an, ủy ban nhân dân, (từ cấp xã, phường trở lên), điện báo về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc cho cơ quan LĐ-TB&XH.

Thế nhưng thực tế, khi trẻ bị xâm hại, ngược đãi, bạo hành, có vẻ các trường học giấu được thì cứ giấu đến lúc không giấu được nữa mới bung ra, lúc đó thì quá muộn rồi. Hơn thế nữa, cho đến nay, trong tất cả các văn bản của ngành giáo dục cả nước, vẫn không có một dòng thông báo nào nhắc các trường cùng triển khai Nghị định 56 của Chính phủ về việc thực thi Luật Trẻ em về quy định này.

Đã đến lúc nhà trường cần phải chấp hành đúng luật, không được giấu giếm thông tin nữa. Bởi khi vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ xảy ra, trường học không đủ khả năng và chức năng hỗ trợ, can thiệp cho học sinh. Trường không có đủ chuyên gia tâm lý, pháp lý, y tế thì giữ thông tin lại để làm gì? Có chăng chỉ là sợ ảnh hưởng đến thành tích. 

Theo tôi, đã đến lúc phải gióng hồi chuông cảnh báo với ngành giáo dục về trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ trẻ trước vấn nạn xâm hại, bạo hành.

Nghi Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI