Người mang lại niềm vui cho cộng đồng

30/07/2018 - 07:30

PNO - Bao đòn thù tra tấn không làm cô gục ngã, vậy mà cô lại rơi nước mắt với một chị bán vé số nghèo, lòng chưa yên vì đội lân của tụi nhóc trong khu phố nhiều hôm thiếu tay trống “cầm trịch” cừ khôi...

Băng qua lửa đạn, băng qua thời gian, cô Trương Kim Liên (P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM) trở về đời thường với tấm thẻ thương binh hạng 3/4 cùng chứng bệnh đau nhức kinh niên. Bao đòn thù tra tấn, bao bận lên bàn mổ vì bệnh nan y... không làm cô gục ngã, vậy mà cô lại rơi nước mắt với một chị bán vé số nghèo, lòng chưa yên vì đội lân của tụi nhóc trong khu phố nhiều hôm thiếu tay trống “cầm trịch” cừ khôi... 

Cơn mưa nhẹ buổi chiều mùa hạ phả lên khóm rau xanh đang mơn mởn trước sân. Cô Liên cùng chồng, chú Hoàng Huyễn, mỉm cười với ý nghĩ về bữa cơm tối sẽ có thêm nhiều chất. Bất giác, cơ mặt cô Liên dường như chùng lại. Làn gió lạnh ùa về kèm theo một cú nhói, tận trong xương. 

Nguoi mang lai niem vui cho cong dong
Vợ chồng cô Liên - chú Huyễn luôn cùng nhau mang đến niềm vui cho cộng đồng.

Cuối những năm 1950, cô bé 13 tuổi vùng Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương bây giờ) bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Vào ngày nắng, trong tiếng bom tiếng đạn rền vang, cô bé lại trốn học đi hái hoa, bắt cào cào; bữa cơm cho cán bộ nằm vùng được giấu trong chiếc... lồng chim. 

Mười tám tuổi, Liên rời quê đi học Đại học Dược khoa Sài Gòn. Phương tiện là chiếc lồng chim phải bỏ lại để phù hợp với tình hình mới khi cô hoạt động cùng Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định. Và cứ thế, các tài liệu, nhu yếu phẩm, thuốc men... vẫn đều đều hai chiều trót lọt. Trong một lần xuống đường, cô Liên bị địch nghi ngờ rồi bắt nhốt. 

Cho đến giờ, cô Liên không thể nhớ mình đã bị tra tấn, chết đi sống lại bao nhiêu lần khi bị chuyển từ nhà tù Băng Ky, bốt Hàng Keo đến đề lao Gia Định, rồi Nha cảnh sát Đô Thành; hai lần bị đày ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Cô chỉ nhớ lúc nào cũng tự nhắc mình “phải kiên cường, phải sống”, tự trấn tĩnh theo từng hơi thở, từng nhịp đếm thì thào. Cô nhớ về cách vệ sinh cá nhân không giống ai: vắt cơm để lăn mình cho sạch, may mắn có dịp được ra ngoài lao thì phải ngâm quần áo cho ướt để về phòng vắt trữ nước sinh hoạt. Cô nhớ về từng định lý, định đề đã dạy cho chị em trong tù. Nhớ về từng phương thức đấu tranh phù hợp, nhớ món “mắm kho” mà dòi bọ “nổi trắng như xác dừa... Sau những nhớ những quên, những kiên cường chịu đựng là đầu mặt sưng vù không nhận ra. Đồng đội quay quanh chăm sóc cô, mười đầu ngón tay chi chít những vết kim đâm còn tươm máu... Nhưng lúc đó, cô Liên lại thèm rau xanh.

Ngày đất nước vừa thống nhất, cô giao liên Trương Kim Liên thanh xuân ngày nào chỉ nặng... 35kg. Báo Phụ Nữ Sài Gòn vừa được thành lập. 20g, chủ bút Vân Trang nhác thấy có bài về kinh tế mới ở trước mặt thì một dáng người nhỏ xíu đổ gục xuống bàn. Lại một cơn sốt.

Khi cô Liên được đưa ra Hà Nội học Trường Tuyên huấn Trung ương, chú Hoàng Huyễn xót cho sức khỏe người yêu, tìm mọi cách nhờ người bà con đến tận trường đón về nhà để cô được ăn một bữa cơm có chút thịt chút cá bồi dưỡng. Làm công tác tuyên huấn ở Hội Phụ nữ TP.HCM rồi chánh văn phòng phía Nam của Trung ương Hội (Trưởng trạm T60) được một thời gian, năm 1994 cô Liên xin nghỉ hưu trước tuổi vì tự cảm thấy “mình hết sức rồi”. 

Cũng do “hết sức”, cô Liên chỉ còn biết cách tiết kiệm lương hưu dành mua thẻ bảo hiểm y tế, quà cho người già neo đơn; đóng góp cho mái ấm tình thương của Hội Phụ nữ. Cũng do “hết sức”, cô Liên ngồi trước nhà nhờ mấy đứa nhỏ xóm nghèo hằng ngày đi học bổ túc ngang qua “nhổ tóc bạc giùm” hay là “ngồi chơi ăn  kẹo đi con”. Đội lân thiếu nhi khu phố 2 (P.Phú Thuận, Q.7) ra đời từ đó, số lượng dần dần “nở nồi” lên đến 25 em. Cô dùng lương hưu, tiền phụ cấp thương binh để sắm lân, trang bị dụng cụ, rồi mày mò may trang phục, hướng dẫn các em múa. Cứ thế, tối tối cô Liên lại rỉ tai tụi nhỏ cách học toán, biết lễ phép; phải dạn dĩ, tự tin theo từng nhịp trống lân. Nhờ những suất quà, suất “học bổng múa lân” mà giờ có em đã vào đại học. Rồi đội lân phụ nữ khu phố được thành lập, với 10 chị em tham gia.

Chẳng chịu thua vợ, chú Hoàng Huyễn bắt tay xây dựng câu lạc bộ (CLB) Ông - bà - cháu. Cô Liên làm “vệ tinh cho chồng”, lấy hết tháng lương hưu mua bàn ghế đá tặng CLB. Dần dần CLB có trụ sở và cơ ngơi rộng rãi, trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng cho cả khu phố; giờ là hình mẫu của quận, nhiều nơi ngoài TP.HCM đến học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình CLB. 

Sau cơn mưa chiều, chú Huyễn dẫn cô Liên qua “thăm” CLB vì nhớ. Hai tháng trước, chú phải phẫu thuật, về nằm nhà. Cô Liên hôm qua tái khám, bác sĩ liên tục chúc mừng vì “khối u” đã bị triệt tiêu. Chốc chốc, chú lại dặn: “Lát về sớm trông cháu ngoại nghen bà!”. Dáng nhỏ nhắn đi bên, cô buông câu: “Bữa nay có rau, sao tự nhiên nghe thèm khô thèm mắm”. Tiếng cười lại giòn tan bên bờ rạch Bà Bướm xứ Nhà Bè. 

Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI