Người lạ đến nhà

27/01/2015 - 07:09

PNO - PN - Có lẽ, các bậc cha mẹ ngày nay đều lưu ý dạy con nhỏ cảnh giác, không mở cửa cho người lạ vô nhà, cũng như cách ứng phó ra sao nếu tình thế bắt buộc trẻ phải ở nhà một mình. Có thể ngay lúc “lên lớp” thì bọn trẻ dạ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Con tôi, đứa lên năm, đứa chín tuổi, thi thoảng lại cùng mẹ chơi trò “đóng kịch”. Giả bộ mẹ là khách, đứng ở cửa sổ, các con có tiến lại thật sát bên người lạ hay không nào? Có khả năng sẽ bị gì khi đứng quá gần? Kẻ xấu xịt thuốc mê, dùng vật gì đó đâm vào người. Đừng cho rằng đó là đầu độc đầu óc ngây thơ của trẻ. Đấy là thực tế, là những khả năng xấu mà con bạn cần phải được tiên liệu, cảnh báo trước. Cuộc sống bây giờ đầy bất trắc, nếu chỉ toàn dạy con những điều tốt đẹp, trong trẻo, thì có nên hay không?

Những lời dặn dò suông có lẽ không “ép phê” cho lắm với lũ trẻ. Những ai được phép vô nhà khi cha mẹ đi vắng? Tôi liệt kê cụ thể: bà ngoại; cậu út; cô Hà, tức là chị chồng tôi sống gần đó; chị Bé con cô Hà. Hết. Nếu có ai đó đưa điện thoại, bảo rằng nói chuyện với ba mẹ, mẹ dặn làm cái này cái khác, thì có nghe theo không? Có lấy cái gì trong nhà ra đưa cho ai đó khi được yêu cầu không? Đứa nào nói đúng sẽ được mẹ thưởng. Lũ trẻ tất nhiên sẽ tranh nhau “động não” và phát biểu. Buổi ngoại khóa nhờ vậy mà sôi động và hữu ích. Tôi cũng nêu thêm vài tình huống tương tự để con nhận biết, để lỡ gặp thì khỏi bị mắc lừa. Nếu có người bảo, ở trên phường trên quận, ở công ty nào đấy vô làm vệ sinh, bảo trì bình gas, bồn cầu… có mở cửa hay không? Cần xử lý ra sao, tôi đều dạy con từng trường hợp một.

Nguoi la den nha

Một "buổi diễn" như vậy không tốn quá nhiều thời gian. Tôi tin rằng, những kinh nghiệm thực tế kiểu đó rất cần thiết để trang bị cho con khả năng tự bảo vệ, phân biệt tốt xấu. Đứa con gái lên chín thì có vẻ ổn, nắm bài nhanh chóng. Cậu bé năm tuổi thì… còn phải xem lại, vì một lần vào cuối tuần, có hai anh đến sửa đường dây truyền hình cáp, vừa gõ cửa là thằng nhóc chạy ra mở ngay. Ý là có ba mẹ ở nhà, nên cu cậu chủ quan. Tôi lập tức chỉ ra cho thấy là con chưa đúng, phạt thằng nhóc đứng úp mặt vào tường để nhớ.

Tôi tin rằng, một khi đã bị phạt, trẻ con sẽ có ấn tượng nhiều hơn, sau này không dễ quên nữa. Vậy mà có dịp một cậu anh họ đến chơi, cả hai đứa con tôi vui mừng tự ý mở cửa mà không chạy vô thông báo cho mẹ. Tôi phạt cả hai con sau khi đã phân tích cho chúng thấy, dù là người quen nhưng vẫn không nằm trong “danh sách cố định” mà mẹ đã cho phép. Lại một tối nọ, khi tôi đang tắm, có chị hàng xóm lên tiếng ngay trong bếp nhà mình. Ngạc nhiên bước ra, mới biết, con gái lớn đã mở cửa cho chị này vào, vì hai lý do: “cô Sáu nhà kế bên chứ đâu phải người lạ” và “mẹ đang có ở nhà mà”. Lần ấy, tôi cũng phạt con, kèm theo giảng giải cặn kẽ về những nguy hiểm mà cả nhà có thể phải đối mặt nếu như tùy tiện mở cửa cho người ngoài vô nhà.

Người lớn chúng ta đều hiểu, những chiêu trò lừa đảo, gạ gẫm của bọn bất lương ngày càng tinh vi. Lũ nhóc đương nhiên có thể bị làm hại bởi chính những người mà chúng quen tên, biết mặt. Trẻ cần phân biệt rõ “người ngoài”, “người quen”, “người nhà”, ai được cho vô nhà, ai chúng có thể nghe lời, ai cần phải hết sức cảnh giác; tại sao lại phải như vậy. Thật ra, tôi cũng xót lòng khi phải dạy con những khái niệm chẳng mấy tốt đẹp như "kẻ gian, đề phòng, coi chừng, cẩn thận, chớ tin"… Nhưng biết sao được, thà để trẻ lường trước các nguy cơ, còn hơn phải trả giá bởi cả tin. Cuộc sống đầy bất trắc, và trẻ con vốn chưa có nhiều kinh nghiệm để đối phó. Nếu cha mẹ không chỉ đường, con trẻ có khi trở thành mồi ngon cho kẻ xấu, ở ngay chính nhà mình.

 HẢI YẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI