Em gái Kim Jong Un không chỉ là vũ khí ngoại giao ‘quyến rũ’

15/03/2018 - 12:30

PNO - Truyền thông phương Tây miêu tả Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, như là một “công chúa” quyến rũ, nhưng điều đó vô hình trung bộc lộ định kiến đối với phụ nữ trong hoạt động ngoại giao.

Gương mặt trẻ tuổi và rạng ngời của Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, gần như đồng loạt xuất hiện trên truyền thông thế giới những tuần qua khiến dư luận có phần choáng ngợp.

Em gai Kim Jong Un khong chi la vu khi ngoai giao ‘quyen ru’
Bà Kim Yo Jong (giữa) đối thoại cùng Tổng thống Hàn Quốc.

Sự hiện diện của Kim Yo Jong tại Thế vận hội Mùa đông PyeongChang hồi tháng Hai đóng vai trò đặc biệt quan trọng, mở lối cho những tiến triển vượt bậc trong quan hệ giữa Hàn Quốc - Triều Tiên, và sau đó là Triều Tiên và Mỹ.

Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui Yong thậm chí còn phỏng đoán, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể cử em gái là Kim Yo Jong tới Washington đàm phán với Mỹ.

Nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc nhận định, Kim Yo Jong "đang được coi là vũ khí hiệu quả nhất của Triều Tiên”.

Tuy nhiên, tờ The Diplomat bình luận, Kim Yo Jong còn hơn cả vũ khí ngoại giao "quyến rũ". Cách truyền thông đưa tin về nhân vật này bộc lộ những thiên kiến nghiêm ngặt về giới trong hoạt động ngoại giao thế giới nói chung.

Dưới đây là nội dung bài viết trên tờ The Diplomat.

"Công chúa xinh đẹp của Bình Nhưỡng”, "Nữ hoàng PR của Bình Nhưỡng", “Người phụ nữ tạo nên sự quyến rũ", đó chỉ là một số ít các cụm từ được truyền thông phương Tây sử dụng để miêu tả Kim Yo Jong - tên Hán -Việt là Kim Dự Chính, trong thời gian cô làm khách mời danh dự tại Thế vận hội Mùa đông PyeongChang ở Hàn Quốc từ ngày 9-11/2.

Em gai Kim Jong Un khong chi la vu khi ngoai giao ‘quyen ru’
Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Việc sử dụng các lối nói như vậy là vô thưởng vô phạt. Nó phản ánh lý do vì sao những người phụ nữ trong ngoại giao thường đại diện cho một điều gì đó hòa bình, thụ động hơn và không mang tính đe dọa như các đồng nghiệp nam giới.

Tranh luận của các học giả cho thấy hình mẫu phụ nữ thường gắn liền với hình ảnh các nhà lãnh đạo ưa hòa bình, không gắn liền với hành động, ý định, hoặc hành vi thực tế của họ.

Lấy trường hợp của Kim Yo Jong làm ví dụ. Mặc dù chức vụ chính thức của cô là Phó Trưởng ban Ban tuyên truyền của Đảng Lao động Triều Tiên, nhưng ít người thực sự biết về cô. Các kênh truyền thông coi Kim Yo Jong như là một phụ nữ “không có gì đáng sợ”, thụ động và quyến rũ.

Thậm chí nhiều người căn cứ ngoại hình và thái độ của Kim Yo Jong còn đồn đoán rằng cô đang mang thai.

Trong khi một số người viết chỉ trích sự điên rồ của truyền thông, lập luận rằng chúng ta nên chống lại việc “xu nịnh” Kim Yo Jong, nhưng ít người chỉ ra những định kiến ​​về giới để củng cố cho sự ngưỡng mộ của mình.

Xem phụ nữ như là người kiến tạo hòa bình có lịch sử lâu dài trải qua các nền văn hoá và các châu lục.

Em gai Kim Jong Un khong chi la vu khi ngoai giao ‘quyen ru’
Kim Yo Jong bắt tay Tổng thống Hàn Quốc và phu nhân tại Thế vận hội Mùa đông PyeongChang

Thông qua các quá trình xã hội hoá khác nhau, nam giới và phụ nữ thường liên kết với các đặc điểm về giới: Nếu như người đàn ông được coi là những người mạnh mẽ, hay gây hấn, duy lý và can đảm, thì phụ nữ là những người thụ động, hòa dịu, tình cảm, quyến rũ và đầy cám dỗ.

Sự khu biệt mang tính nhị phân trên góp phần tạo ra sự đối xử bất bình đẳng nam nữ, nhất là trong lĩnh vực ngoại giao vốn do nam giới thống trị.

Các biểu hiện đặc điểm giới tính nghiêm ngặt được lặp đi lặp lại trong toàn bộ cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phô trương về nút bấm hạt nhân "lớn hơn" và "mạnh hơn" so với đối tác Triều Tiên.

Thiên kiến về giới cũng bộc lộ trong các bài viết của truyền thông về nhà lãnh đạo Kim Jong Un và em gái của mình, trong đó, người em gái được coi là một “sự tấn công quyến rũ” chinh phục trái tim và khối óc người Hàn Quốc.

Tương tự như vậy, không phải ngẫu nhiên cả ông Trump và Kim Jong Un đều chọn những người thân là phụ nữ để phái đến Thế vận hội 2018, dường như nhằm làm dịu hình ảnh đất nước của mình.

Ivanka Trump, con gái Tổng thống Mỹ, đến Hàn Quốc dự lễ bế mạc Thế vận hội được coi như là một nỗ lực tạo “đối trọng” với Kim Yo Jong trên truyền thông. Điều này chứng tỏ tiềm năng của những khuôn mẫu được những người đàn ông quyền lực triển khai cho các mục tiêu ngoại giao công cộng.

Một trong những mục tiêu được đề cập của Ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3 là nhấn mạnh đến tiến bộ về bình đẳng giới.

Với ý nghĩa này, muốn được đối xử bình đẳng trong ngoại giao trước hết cần hiểu rằng “tính đại diện không đầy đủ” của phụ nữ trong lịch sử ngoại giao liên quan chặt chẽ đến cách thức xây dựng và duy trì các khuôn mẫu về giới trong truyền thông chính thống.

Tố Quyên (Theo Diplomat)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI