Chân trần trên sóng

13/05/2014 - 09:04

PNO - PN - Ở Lý Sơn, những ngày này, những người đàn ông sau phiên biển, bình thản nhâm nhi. Tấm lưới rách, vợ đang cặm cụi vá. Trẻ con đến trường. Mẹ cùng mấy bà áo nâu sồng đến chùa như đã từng đi từ thuở làm phận đàn bà ở...

edf40wrjww2tblPage:Content

Xuống bến nước trước đình thờ An Hải, nơi ngày xưa bao lớp binh phu đi Hoàng Sa, mỗi chuyến đi là một lần làm lễ chốn này, đưa tay vốc nước. Mát lạnh. Nhìn dáng mẹ tất tả trong cát, nhớ cái nhìn u uẩn nhưng thẳng băng của chị Nở, của cô gái Sài Gòn mang biểu ngữ: “Trung Quốc rút ngay giàn khoan phi pháp”... thoáng thấy trong mịt mùng của biển, trăm năm hát khúc ngàn năm, như hiện về đội quân của Bà Trưng Bà Triệu, chân trần đạp sóng, cưỡi cơn gió mạnh, chém kình ngư…

Chan tran  tren song
Ngư dân Lý Sơn thắp hương tri ân đội dân binh Hoàng Sa

  “Đang ở Lý Sơn à? Nghe nói ngoài đó xôn xao lắm phải không?”. “Bình thường mà”. “Không dám đâu, nghe nói rần rần ăn ngủ không yên mà. Tụi này chuẩn bị dẫn con đi tuần hành chống Trung Quốc (TQ) đây. Đêm qua xem tin, đến ba giờ sáng còn tức không ngủ được…”. Đọc tin nhắn của bạn, bâng khuâng. Vào nhà của chị Nguyễn Thị Nở, thôn Đông xã An Hải. Nở là vợ của ngư dân trẻ Bùi Văn Phải. Sao kỳ lạ, như là truyền kiếp, 23 tuổi, mới một đứa con, mà đã mặc định một dáng ngồi trông chồng. “Tỏi mất giá anh à, nhưng ở đây, chồng đi biển, vợ làm hành tỏi, từ ông bà đến giờ rồi”. Tay thoăn thoắt lựa tỏi. Gió chiều hắt từ biển vào, những mảnh lụa trắng mỏng tanh từ tỏi bay chới với. “Anh Phải đi làm thuê cho người ta, năm ngoái làm thuyền trưởng thì bị TQ bắn cháy tàu, mất trắng mấy trăm triệu. Năm này đi lại, mới được một phiên, vừa hòa vốn. Biển giã mà, lo lắm, nhưng mình là dân ở biển mà…”.

“Ở biển mà”. Như phố là bán buôn, là chứng khoán, là văn phòng, như quê là cày cuốc ruộng đồng. Biển đang nổi sóng dữ, triệu đôi mắt con tim dồn về biển, bật ra câu hỏi thường trực âu lo, lắm lúc như phản xạ, hỏi để mà hỏi: “lo không?”, thì nhận được câu trả lời như thế đó. Hôm đi ra Lý Sơn, cuối tuần, ùn ùn khách như dịp lễ. Thoáng thấy các nhà văn Mạc Can, Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền. Anh Biền nói: tụi anh đi trao quà cho học sinh trường tiểu học An Hải. Lại một đoàn mấy chục người là các thầy thuốc trẻ Viện Pasteur TP.HCM đi khám chữa bệnh từ thiện. Giọng nữ, chắc là người bắc, ngại ngần: “Lo sao ấy”. Lúc về, lại gặp cô này mở mạng. “Đấy, tin mới nhất này, tàu cá Lý Sơn sáng nay bị TQ đâm cá hư hết này. Thương ơi là thương. Bà con cho mình ở nhờ miễn phí, tình cảm thật. Hè đến, lại rủ bạn ra thôi. Nó hung hăng gì rồi cũng phải cút. Mình không ở Hà Nội đi tuần hành, thì vào đây thăm, cũng không kém ý nghĩa nhỉ?”.

Hình ảnh những lá cờ tổ quốc trên ngực, trên đầu, ngập tràn phố Huế - Sài Gòn - Hà Nội, chạy về trong trí nhớ. Sục sôi. Như muốn mở toang lồng ngực. Dòng người đi qua phố, có người mẹ trẻ bồng con tựa cửa ngóng thôi. Lại thấy, sao giống cái nhìn của chị Nở. Không có điều kiện xuống đường, chị nén cái nhìn trong âu lo, nhưng quả quyết, sẻ chia về biển. Những gót chân hồng, những bước chân trần của nắng gió, nhọc nhằn, đang đi về phía biển. Sóng muôn đời đã vỗ bờ, uốn lượn dáng hình tổ quốc, nuôi nấng cho giấc mơ, mái nhà. “Ở biển mà”. Hình như hơi thở mặn mòi của gió và nước đâu chỉ thổi trong những căn nhà đơn sơ trên đảo, mà đã thấm vào những mạch li ti trong huyết quản của bao dáng hình Việt.

Chiều muộn, ngồi tỉ tê với mẹ bạn. Người đàn bà đã 80 năm sống với cát, tỏi, hành, với giấc mơ thiếu phụ một ngày sóng bạc đầu mang về nguyên vẹn hình hài người đàn ông đời mình, nhưng ông vì áo cơm và nghĩa khí, đã nằm lại đây đó trong rặng san hô ở Hoàng Sa. “Tau nghe đất liền đồn ra bậy bạ, là Lý Sơn đã thông báo cho bà già, trẻ em, chuẩn bị tập trung ở trụ sở ủy ban để đề phòng TQ đánh. Điên khùng. Bà con đang lo nắng nóng, thiếu nước, vụ tỏi này nguy rồi. Nhưng ráng, chờ tháng 10 này có điện là khỏe. Cháu ở chơi, tau chạy đi mua cá về nấu canh đã”.

Như chưa hề có chuyện gì, như chưa từng biết, từng nghe. Thật ra mẹ biết hết chứ, nhưng bình thản. Những người đàn ông sau phiên biển lại bình thản nhâm nhi. Tấm lưới rách, vợ đang cặm cụi vá. Trẻ con đến trường. Mẹ cùng mấy bà áo nâu sồng đến chùa như đã từng đi từ thuở làm phận đàn bà ở đảo. Xuống bến nước trước Đình thờ An Hải, nơi ngày xưa bao lớp binh phu đi Hoàng Sa, mỗi lần đi là một lần làm lễ chốn này, đưa tay vốc nước. Mát lạnh. Nhìn dáng mẹ tất tả trong cát, nhớ cái nhìn u uẩn nhưng thẳng băng của chị Nở, của cô gái Sài Gòn mang biểu ngữ: “TQ rút ngay giàn khoan phi pháp”, rồi giọng nữ Hà Nội nhẹ mà như chiếc ghim găm; thoáng thấy trong mịt mùng của biển, trăm năm hát khúc ngàn năm, như hiện về đội quân của Bà Trưng Bà Triệu, chân trần đạp sóng, cưỡi cơn gió mạnh, chém kình ngư…

 MỘC MIÊN 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI