NSƯT, đạo diễn Lê Cung Bắc: Niềm đam mê không có tuổi

19/08/2018 - 19:30

PNO - Thời gian không làm phim, đạo diễn Lê Cung Bắc còn có việc khác là… đi xin tiền làm từ thiện. Năm nào vào dịp tết Nguyên đán, đạo diễn cũng tặng quà cho những gia đình khó khăn trong phường.

Nếu chỉ gặp đạo diễn Lê Cung Bắc ngồi nhàn hạ bên tách cà phê nóng vào mỗi buổi sáng, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ông đã rửa tay gác kiếm lâu rồi. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy.

Đạo diễn Lê Cung Bắc nói, điện ảnh với ông là “niềm đam mê dữ dội”, cho đến bây giờ - ở tuổi 72 ông vẫn ra phim trường. Mỹ nhân Sài thành (đang phát sóng vào các tối từ thứ Hai đến thứ Tư hằng tuần, trên kênh VTV1) là bộ phim mới nhất của ông.

NSUT, dao dien Le Cung Bac: Niem dam me khong co tuoi
Cảnh phim Vó ngựa trời Nam

Phim xưa vẫn giữ được một dòng chảy riêng đến thời điểm này, nhưng không phải phim nào cũng xứng đáng như kỳ vọng. Mỹ nhân Sài thành lên sóng sau gần bốn năm thực hiện, ngay từ những tập đầu đã thu hút người xem.

Rất nhiều bạn hữu cả trong Nam lẫn ngoài Bắc đã gọi điện cho đạo diễn Lê Cung Bắc bày tỏ niềm yêu thích bộ phim. Trên những diễn đàn, dưới link mỗi tập phim, khán giả cũng để lại nhiều phản hồi tích cực.

Sau những phim đề tài xưa ghi dấu ấn tên tuổi đạo diễn Lê Cung Bắc: Người đẹp Tây Đô, Dòng đời, Vó ngựa trời Nam, Ngược sóngMỹ nhân Sài thành tiếp tục là bộ phim chứng tỏ tầm vóc của vị đạo diễn “làm đâu đoạt giải đó” của màn ảnh Việt.

NSUT, dao dien Le Cung Bac: Niem dam me khong co tuoi

Những giải thưởng vinh danh ông, nếu kể ra hết, phải cần đến một “cuộc điểm danh” dài: giải đặc biệt của ban giám khảo Liên hoan phim (LHP) Việt Nam cho phim Những chiếc lá thời gian (2006); Huy chương vàng phim xuất sắc nhất LHP truyền hình 2010, Cánh diều vàng đạo diễn xuất sắc nhất và Cánh diều bạc cho phim Vó ngựa trời Nam trong cùng năm. Phim điện ảnh Duyên trần thoát tục - phim được ghi nhận là kỷ lục Phật giáo Việt Nam năm 2008. Huy chương bạc LHP truyền hình toàn quốc 2005 cho phim Duyên phận. Huy chương vàng LHP truyền hình toàn quốc 1996 phim Không thể rẽ trái. Đạo diễn xuất sắc phim nhựa đầu tay 1994 của Hội Điện ảnh Việt Nam cho phim Nhịp đập trái tim

Đó là chưa kể những bộ phim ông làm đã tạo tên tuổi cho một số diễn viên, ghi dấu ấn sâu đậm qua từng giai đoạn. Ngoài ra, ở vai trò diễn viên ông cũng đã có đến hơn 200 vai diễn cả điện ảnh lẫn truyền hình…

NSUT, dao dien Le Cung Bac: Niem dam me khong co tuoi
Mỹ nhân Sài thành - bộ phim được đạo diễn Lê Cung Bắc thực hiện khi ông đã gần 70 tuổi

Còn sức là còn làm phim

Phóng viên: Giờ xem lại thành phẩm của mình, ông có thấy Mỹ nhân Sài thành còn gì tiếc nuối?

NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc: Tôi đã làm hơn 300 tập phim truyền hình, không phim nào mà không thấy tiếc cái này cái kia. Kể cả những phim đoạt giải cao ở các kỳ LHP, khi xem lại, tôi vẫn nghĩ giá mà lúc quay thêm bớt, thay đổi một vài yếu tố thì có thể phim sẽ hay hơn.

Mỹ nhân Sài thành cũng vậy, nhưng bây giờ có những cái tiếc là do khách quan, có những mong muốn chỉ là lực bất tòng tâm. So với thời làm phim Người đẹp Tây Đô, Dòng đời trước đây thì làm phim xưa bây giờ vất vả, khó khăn hơn rất nhiều.

Chúng ta chưa có những phim trường đúng nghĩa, tốc độ phát triển của xã hội hiện đại cũng đã làm mất gần hết bối cảnh cũ. Mặc dù nhà sản xuất không gò ép mức kinh phí hạn hẹp, nhưng có những đại cảnh, đường phố chúng tôi muốn quay góc máy rộng hơn cũng không thể được.

* Nghe nói ông đã rút ngắn kịch bản gốc 100 tập xuống chỉ còn phân nửa. Vì sao vậy?

- Trước hết, tôi cảm ơn biên kịch Đinh Thiên Phúc đã có một kịch bản rất sâu sắc, hấp dẫn. Theo nguyên tác, cuộc đời của ba nhân vật Thanh Trà (Ngân Khánh đóng), Bạch Trà (Dương Mỹ Linh) và Hồng Trà (Khánh My) tách bạch thành ba phần độc lập, tôi quyết định kết nối cuộc đời họ xen kẽ nhau.

Tôi cũng giản lược chuyện tình cảm hết người này đến người khác của Thanh Trà, đồng thời thêm vào những nhân vật không có trong kịch bản gốc để tạo bề dày của các nhân vật.

Ba nhân vật chính luôn quan tâm, gắn bó yêu thương, giúp đỡ nhau trong khốn khó, hoạn nạn cũng là chủ ý của tôi. Họ đại diện cho những nhan sắc một thời, mỗi người theo đuổi một lý tưởng riêng, nhưng không vì sắc đẹp, danh vọng mà đố kỵ, ghét bỏ nhau.

Kể chuyện về những người đẹp, tôi cũng muốn nhắc với người của thời đại này những vẻ đẹp lóng lánh của lịch sử, những giá trị sống đẹp đẽ mà vì thời cuộc đã bị lãng quên. Tôi chọn kết phim nửa thực nửa mộng, để mọi người tiếp tục suy ngẫm về thời thế, về cuộc đời này.

Khi mình sống trong thời đại nào thì phải ý thức được giá trị cốt lõi của thời đại đó, ý thức được mục đích sống của mình và nhận diện mọi thứ để sống cho tốt. Những giá trị đúng đắn đó đời sau chắc chắn sẽ được nhìn thấy và nhớ về.

NSUT, dao dien Le Cung Bac: Niem dam me khong co tuoi

* Nhưng suốt hơn một năm ròng rã thực hiện một bộ phim tâm đắc, sức khỏe của đạo diễn ngoài phim trường thế nào, thưa ông?

- Làm phim này tôi vào bệnh viện không dưới bốn lần. Ra phim trường có rất nhiều chuyện khiến mình nhức đầu, mệt mỏi. Nhiều người bảo tôi kỹ tính quá, khó khăn làm chi cho mệt thân tâm, nhưng vì trách nhiệm với bộ phim, với nhà sản xuất và với khán giả. Quay ẩu, quay đại, lương tâm tôi không cho phép.

Từ thời làm phim Người đẹp Tây Đô, (bộ phim nhiều tập đầu tiên của TFS năm 1995 - PV), tôi đã chăm chút đến cả màu son môi của diễn viên. Mọi thứ phải phù hợp với hoàn cảnh, nhân vật.

Phim Mỹ nhân Sài thành có lực lượng diễn viên đông đảo, tôi cũng chọn từng khuôn mặt, kể cả vai quần chúng. Bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp thì không thể hồng hào mập mạp. Dân chài phải đen giòn mặn mòi. Dân chợ phải mộc mạc thôn dã…

Phải cố gắng từng chút một, khán giả có thể không để ý nhưng người trong nghề sẽ phát hiện ra nếu mình làm không kỹ. Phim nào tôi cũng buộc mình phải cố gắng hết tâm sức của mình.

* Rời phim trường để vào... bệnh viện thì chắc chỉ còn lại vợ con bên cạnh...

- Vợ và hai con trai rất hiểu niềm đam mê của tôi, nhưng khi thấy tôi quá vất vả cũng có lần khuyên tôi nên nghỉ ngơi. Nếu tôi bệnh nhiều và quay ở gần như Bình Dương, Đồng Nai thì vợ con tôi sẽ tới chăm sóc. Còn nếu chỉ bị cảm nhẹ và quay xa như Tiền Giang, Phan Thiết, Sa Đéc thì đã có anh em trong đoàn lo. Nhưng dù thế nào tôi vẫn phải theo sát bộ phim vì đó là tâm huyết của tôi mà.

* Ông có nghĩ mình đã đến lúc... “rửa tay gác kiếm”?

- Lúc nào thấy mình còn sức lực, còn đam mê thì tôi vẫn còn làm. Ngọn lửa đam mê ấy trong lòng tôi luôn cháy. Thậm chí tôi đã bỏ cả sở học của mình dành cả đời theo đuổi nghệ thuật, sống cùng nó, yêu nó và gắn bó đến bây giờ. (đạo diễn Lê Cung Bắc từng tốt nghiệp đại học Chính trị kinh doanh, chuyên ngành bang giao quốc tế ở Viện đại học Đà Lạt, sau đó ông còn học cao học quản trị kinh doanh - PV). Đối với tôi, điện ảnh là niềm đam mê không có tuổi.

Tinh thần trẻ là còn trẻ

* Nhiều người nói vui, đạo diễn Lê Cung Bắc giống như một chàng thanh niên trong một ông già. Ông nghĩ sao?

- Tôi rất vui khi được nghe ai đó gọi tôi là chàng thanh niên nhiều tuổi (cười). Tuổi tác chỉ là con số thôi, còn tâm hồn, năng lượng tinh thần của mình nếu vẫn trẻ trung thì vẫn là trẻ. Tôi thường nhận vai trò chỉ đạo, cố vấn nghệ thuật cho các đạo diễn trẻ, sẵn sàng ngồi ở phim trường với các em đến một, hai giờ sáng.

Tôi cảm thấy hăng say khi hòa vào tinh thần làm việc của các bạn trẻ. Tôi thấy thế hệ đạo diễn bây giờ làm nghề rất đam mê, khát vọng nghệ thuật và cũng bản lĩnh lắm. Khổng Tử đã nói: “hậu sinh khả úy” (những người sinh sau đáng sợ).

Tôi rất thích lớp trẻ bây giờ, và luôn nhìn những mặt sáng, mặt tốt của họ chứ không phải lúc nào cũng chăm chăm vào những cái sai, cái còn yếu kém của họ mà chỉ trích, lên án. Mỗi người có quan điểm khác nhau, không ai hoàn hảo cả.

* Nhưng làm thế nào để ông có thể dung hòa được giữa “cái tôi nghệ thuật kỳ cựu” và những cái tôi của người trẻ đa phần là làm phim thương mại, giải trí?

- Có người nói đạo diễn trẻ hiện nay chỉ làm phim thị trường, không phải nghệ thuật. Tôi không nghĩ vậy. Phim nào cũng có nghệ thuật cả, có phim thuần nghệ thuật hàn lâm nhưng cũng có phim mang tính đại chúng hơn. Tôi không bao giờ phê phán ai làm phim phi nghệ thuật, chỉ là bộ phim đó đi theo xu hướng nào, trường phái nào và hướng đến đối tượng khán giả nào mà thôi.

Phim làm được nhiều người xem càng tốt, nhưng quan trọng nhất là khi xem xong, khán giả sẽ tìm thấy những giá trị, bài học ý nghĩa tốt đẹp nào. Tôi vẫn luôn nói với các bạn trẻ rằng, điều quan trọng nhất khi chúng ta làm phim là hướng đến chân-thiện-mỹ.

* Dạo gần đây thấy đạo diễn Lê Cung Bắc còn ngồi “ghế nóng” giám khảo. Showbiz không khiến ông “đau đầu mệt mỏi” chứ?

- Mỗi vị trí đều có những vai trò khác nhau, tôi không thấy áp lực gì cả. Làm đạo diễn là tạo ra sản phẩm của mình, mọi thứ đều phải lo liệu, sáng tạo. Còn ngồi ghế giám khảo các liên hoan phim hay những cuộc thi nhan sắc, mọi thứ đều đã có sẵn trước mắt, mình chỉ việc xem và ghi nhận, đánh giá thôi. Cái gì làm đẹp cho đời thì tôi làm, một cách thoải mái, nhẹ nhàng và luôn chịu trách nhiệm về việc mình làm.

* Vẫn thấy có gì đó đối lập giữa một “cư sĩ” Lê Cung Bắc ở nhà và một ông “vua trường quay” tả xung hữu đột ngoài phim trường?

- Không có chút gì đối lập cả, bởi vì giữa trường quay và Tịnh tâm cốc của tôi là những sinh hoạt khác nhau của một thực thể duy nhất là cái Tâm của tôi. Ở trường quay, có những công việc đòi hỏi tôi phải hướng ngoại để quan sát mọi người và mặc dù hướng ngoại nhưng luôn luôn giải quyết mọi việc bằng “cái tâm bất biến”.

Bạn hữu đến chơi nói tôi có Tĩnh tâm cốc, chắc tâm tôi tĩnh lắm. Không đâu, chính vì tâm còn động nên tôi mới lập cốc đấy chứ. Mình là thân xác phàm mà, đâu tránh khỏi những tham-sân-si; hỷ-nộ-ái-ố, cho nên phải tu tập giảm bớt.

Lão Tử có nói, phải giảm ham muốn thì mới vô vi được. Con người lúc nào còn muốn có nhiều tiền, được nhiều người trọng vọng… thì vẫn còn lòng tham. Những tham-sân-hận sẽ làm khổ thân tâm mình. Trước kia, ở nhà, tôi hay mặc những bộ pyjama rất đẹp. Sau đó đem cho hết, chỉ may áo nâu với áo lam.

Tôi xem đó là yếu tố trợ duyên, nhắc bản thân luôn nhớ mình là con của Phật, luôn điều chỉnh thân tâm, cố gắng làm những điều tốt, sống vì những điều tốt đẹp.

NSUT, dao dien Le Cung Bac: Niem dam me khong co tuoi
Cảnh trong phim Mỹ nhân Sài thành

* Với một đạo diễn nổi tiếng như ông, tiếp xúc với rất nhiều người đẹp, ông làm thế nào để có thể vừa theo đuổi đam mê, thành công sự nghiệp mà vẫn  giữ được một gia đình đầm ấm, một người bạn đời chung thủy cận kề?

- Với tôi, gia đình luôn luôn là cái gốc, còn nghệ thuật là niềm đam mê. Mỗi lĩnh vực đều phải có những điều kiện cần và đủ. Đối với gia đình, trách nhiệm tình cảm là hàng đầu. Đối với nghề nghiệp, trách nhiệm về công việc là trước hết.

Ai cũng biết lãng mạn, đa tình là một thuộc tính của nghệ sĩ. Thiếu tính chất ấy không thể sáng tạo được nhưng sự mơ mộng thăng hoa ấy là nhắm vào tác phẩm, còn gia đình là một thực tế xã hội gắn bó mật thiết với đời sống của mình.

Tôi may mắn có một gia đình êm ấm, là bệ phóng quý giá để tôi sống với đam mê nghệ thuật bao năm nay. Nếu hỏi tôi đã làm gì thì tôi nói không làm gì hết, tôi chỉ sống thực với lòng mình mà thôi.

* Hiện giờ mỗi sáng thưởng trà thong dong, ông thấy mình muốn gì nhất?

- Tôi luôn nghĩ về hai chữ “tâm an”, mong gia đình bình an. Mở rộng ra hơn nữa là quốc thái dân an. Cuộc sống ngoài kia còn biết bao người vất vả khổ sở, mình được sống những ngày bình yên thanh nhàn đã là phước phần của mình rồi. Cuộc sống này xứng đáng để ta nâng niu, làm tốt được điều gì cho ai thì nên làm. Còn với bản thân mình thì biết đủ là đủ.

* Nhưng chắc hẳn là có một dự án mới đang chờ?

- Tôi đang có một dự án điện ảnh, nhưng hiện chưa thể tiết lộ được. Còn tùy duyên (cười).

* Xin cảm ơn ông.

Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)

Một ngày ở Tĩnh tâm cốc

Đạo diễn Lê Cung Bắc nói lịch sinh hoạt của ông mỗi ngày đều đặn, cố định đến từng giờ. Sáng 6g thức dậy đánh răng rửa mặt xong 6g30 sẽ vào ngồi thỉnh chuông. Sau đó tập thể dục, xong mới uống cà phê, hẹn trò chuyện cùng bạn hữu… Chiều đúng 18g30 lại vào thỉnh chuông. Câu niệm chú luôn là: “Nguyện cho con luôn làm điều lành, tránh điều dữ, luôn giữ tâm mình trong sáng”.

Thời gian còn lại trong ngày, ông dành đọc sách, bản thảo, lúc trong thư phòng khi ở góc Phù Vân Các yên tĩnh trên lầu. Ngôi nhà trong hẻm giữa lòng thành phố nhưng yên ắng, có lúc nghe rõ cả tiếng lá reo và tiếng chim bồ câu. Từ lúc bước vào ngôi nhà thoảng mùi hương nguyệt quế và trò chuyện với chủ nhà cho đến khi ra về, khách cảm nhận một sự thân thuộc, giản dị và thật sự bình yên.

Thời gian không làm phim, đạo diễn Lê Cung Bắc còn có việc khác là… đi xin tiền làm từ thiện. Năm nào vào dịp tết Nguyên đán, đạo diễn cũng tặng quà cho những gia đình khó khăn trong phường.

Gần nhà ông có một gia đình mười mấy người, sống trong ngôi nhà chật hẹp, ông vừa xin được cho họ chiếc xe Honda làm phương tiện sinh sống. Ông cũng đang tiếp tục xin tài trợ cho một gia đình khác để họ sửa lại ngôi nhà đang ở đã quá tồi tàn.

Ông thường nói: ”Sống ở đời đừng hại ai cả, giúp được ai việc gì thì nên giúp”.  Ông rất tâm đắc với một câu nói của người xưa: “Đừng thấy việc ác nhỏ mà không tránh. Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI