Nỗi sợ của con

02/01/2015 - 19:34

PNO - PN - Nhìn vẻ nhăn nhó, cầu cứu của con, mẹ vừa phát cáu vừa tội nghiệp. Định làm lơ để xem sức chịu đựng của con đến mức nào, nhưng cuối cùng mẹ đành đầu hàng vì biết chuyện “thi gan” này sẽ chẳng đi đến đâu. Bỏ dở...

edf40wrjww2tblPage:Content

Công tắc đèn vừa mở, con nhanh chân chạy vào nhà tắm. Nhìn điệu bộ luýnh quýnh của con, mẹ tưởng chỉ chậm thêm một giây thôi chắc con đã tè ra quần. Thật ra, không đến nỗi như mẹ nghĩ nhưng nếu đúng vậy thì con đáng ăn đòn. Ai đời đã là cậu học sinh lớp 5, cao to gần bằng mẹ mà vẫn sợ bóng tối. Từ phòng vệ sinh đến phòng khách có xa xôi gì đâu mà con sợ đến mức thà nín nhịn chứ không dám đi một mình.

Cũng chính vì cái tính sợ bóng tối này mà nhiều phen con làm mẹ nổi điên. Chẳng hạn, những lúc cơn mưa chiều ập đến bất ngờ, mẹ cuống quýt lấy đồ phơi ngoài sân, con chỉ đứng bên bậc cửa lo lắng nhìn, trong khi trước đó mẹ đã giao cho nhiệm vụ hễ thấy mưa thì chạy lên lầu đóng cửa sổ giúp mẹ. Nhưng, con chỉ làm khi nhìn lên lầu thấy có đèn mở sẵn, còn nếu thấy tối om om, dù mẹ có gắt gỏng cỡ nào con cũng chỉ đứng mếu máo chứ nhất định không bước đi. Hay như khi ở nhà chỉ có con với mẹ hoặc bố, bất kể dù bố, mẹ làm gì, đi đâu, con cũng theo sát.

Càng nghĩ càng thấy giận, con vừa bước lên nhà, mẹ liền bắt con khoanh tay, úp mặt vào tường. Lần này, mẹ phải phạt để con thấy rằng bóng tối không đáng sợ bằng… mẹ.

Noi so cua con

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Con mới chịu phạt được vài phút, bà ngoại về. Vừa bước vào nhà thấy cháu yêu bị bắt khoanh tay úp mặt vào tường, ngoại nóng ruột hỏi ngay: “Thằng Bo nó làm gì sai mà bị phạt vậy?”. Nghe ngoại hỏi, mẹ dừng tay làm việc và kể tội: “Tại hồi nãy nó mắc tè ra quần mà nhất quyết không đi chỉ vì nhà tắm chưa mở đèn. Lớn từng tuổi này mà còn sợ bóng tối, đâu phải còn nhỏ nhít gì đâu…”. Mẹ đang nói giữa chừng thì ngoại cắt ngang: “Thôi đi, chuyện có vậy mà cũng phạt thằng nhỏ. Hồi xưa con cũng đâu có hơn gì”. Bị “bóc mẽ” trước mặt con, mẹ chống chế: “Làm gì có! Hồi nhỏ con gan lì nhất nhà đó”. Ngoại bĩu môi: “Ừ, gan lắm. Gan đến nỗi sợ ma ba bữa không dám đi tắm! Bố kêu hoài không được nên lôi ra đánh cho một trận vậy mà vẫn cứng đầu không chịu đi tắm. Nhớ chưa?”.

Ngoại không cần nhắc, mẹ vẫn nhớ. Đúng thật là hồi nhỏ mẹ rất... sợ ma. Sau một lần chơi nhát ma với đám bạn trong xóm, vì quá sợ nên khi về nhà mẹ không dám đi tắm. Nhưng đây là chuyện khác, hoàn cảnh cũng khác. Nơi mẹ ở ngày xưa dân cư thưa thớt, xung quanh chỉ có cây dừa và những ngôi mộ vô chủ. Nỗi sợ của mẹ đến từ câu chuyện ma của bà cố, từ tiếng xào xạc của lá dừa, những âm thanh bất thình lình vang vọng lại khiến mẹ giật thót. Vì thế, mẹ sợ là… có lý. Vậy mà ông bà ngoại chưa bao giờ hiểu cho mẹ, lúc nào cũng cười cợt mẹ nhát gan, thậm chí còn giận dữ vì điều đó.

Nhưng con thì khác, nỗi sợ của con thật mơ hồ. Bóng tối chẳng có gì đáng sợ. Chẳng có âm thanh, chẳng có hình ảnh, chẳng có gì rõ ràng. “Vậy ma có gì rõ ràng? Đã có con ma nào xuất hiện trước mặt con chưa?”, ngoại hỏi mẹ, giọng có vẻ rất nghiêm chỉnh. Không trả lời được câu hỏi của ngoại, mẹ im lặng. Không muốn nói nhiều hơn về chuyện này, ngoại bảo con xin lỗi mẹ. Hai bà cháu đi thẳng xuống bếp.

Còn lại một mình trên nhà, mẹ lại cảm thấy có lỗi với con. Bởi nỗi sợ hiện tại của con là do chính mẹ gây ra. Nếu ngày xưa mẹ không dùng bóng tối để hù dọa, để ngăn con xuống nhà tắm phá nước một mình, giờ đây con đâu là cậu bé lớn xác nhưng quá đỗi nhút nhát. Thay vì nhẹ nhàng giải thích và khéo léo hướng dẫn con thoát khỏi nỗi sợ bóng tối, mẹ chỉ biết chỉ trích và quát nạt. Mẹ thật vô tâm.

 LÊ ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI