Những nguồn sáng ấm nồng

19/02/2015 - 08:20

PNO - PN - Có khi giữa Sài Gòn náo nhiệt, tôi bất nhiên xúc động trước một giọng Bắc đồng hương - thứ âm sắc dịu tai mà không ít người trẻ đang đánh mất.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mỗi lần như vậy, tôi thường may mắn gặp một phong thái thanh lịch, chừng mực của người đối diện. Cốt cách Hà Nội của hai người lớn tuổi tôi gặp một chiều cuối năm, tôi nghĩ, cũng là những di sản văn hóa cần lưu giữ, bảo tồn.

Đôi mắt người mẫu ảnh

Trong nhà lưu niệm cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi, ngoài bộ ảnh tóc dài nổi tiếng, tôi còn ấn tượng với đôi mắt của một người mẫu trẻ trong ba tác phẩm khác. Một tấm chụp tranh tối tranh sáng, nổi bật đôi mắt trong veo như “biết nói”. Hình bên dưới, người mẫu ấy quàng một chiếc khăn hoa li ti, mắt nhìn xuống, hàng mi rười rượi dưới cung mày rậm, thanh tân. Ở tấm hình thứ ba, đó là đôi mắt trực diện, thăm thẳm giữa những vòng xoáy lớn, ánh nhìn như thấu tâm can người đối diện…

“Nhà tôi năm 15 tuổi đấy”, giọng Bắc trầm ấm của ông cất lên. Hai tiếng “nhà tôi” đầy vẻ trìu mến, yêu thương. Bà ngồi đó, nhìn ông nhỏ nhẹ: “Đó là năm em mới vào Sài Gòn”. Tiếng “em” của bà mềm mại, ngân nga. Khó mà tin hai người đang “anh anh”, “em em” đầy tình cảm kia đã qua tuổi “xưa nay hiếm” cả nửa thập kỷ.

Bà đẹp vẻ nền nã, quý phái của phụ nữ Hà Nội. Lưng bà vẫn thẳng, đôi vai chưa chùng, làn da mịn màng và đặc biệt là đôi mắt đẹp như thách thức thời gian.

Nhung nguon sang am nong

Nhung nguon sang am nong
Bà Phạm Vân Loan bên những tác phẩm do chính cha bà - cố nghệ sĩ Phạm Văn Mùi - thực hiện

Tôi biết mình bất nhã khi vừa gặp đã hỏi ngay bí quyết nào giúp bà giữ làn da mịn và đôi mắt trong. Bà không ngại chia sẻ đã tập Thái cực quyền từ những năm 1980, mỗi ngày tự massage mặt để da và mắt khỏe. “Nhưng tất cả không quan trọng bằng việc tôi sống vui vẻ, không cáu giận bao giờ”, bà nói. “Tại sao cô làm được điều đó? Có khó không khi lúc nào cũng xem cuộc đời thênh nhẹ, an nhiên?”, tôi hỏi. “Cũng khó chứ, nhưng tôi làm được vì ông ấy cũng như vậy, luôn nhẹ nhàng, vui vẻ”, tiếng “nhà tôi” của bà cùng cách nói chuyện tự nhiên, giản dị không hiểu sao khiến tôi có cảm giác ấm áp lạ.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu trong không gian trưng bày ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi như thế. Chủ nhân nhà lưu niệm là con gái và con rể cố nhiếp ảnh gia: dược sĩ, chuyên gia ẩm thực Phạm Vân Loan và tiến sĩ (TS) sử học Nguyễn Nhã.

Không gian Việt yên bình

Trong tư gia của ông bà, có một góc đặc biệt dành cho Trường Sa - Hoàng Sa. Không lạ, bởi TS Nguyễn Nhã nổi tiếng với kho tư liệu quý giá về chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa. Năm 1975, ông tìm được tấm bản đồ cổ minh chứng hai quần đảo này là của Việt Nam. Năm 2003, ông trở thành người duy nhất bảo vệ luận án tiến sĩ đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Những giai đoạn cả nước sôi sục với biến cố Biển Đông, ông cung cấp nhiều tư liệu quý cho giới nghiên cứu, giới công luận. Không đao to búa lớn, cách ông xuất hiện với những chứng cứ khoa học khiến người ta vững tâm, tin tưởng. Ông đi nói chuyện về biển đảo Việt Nam tại nhiều trường đại học thế giới, thuyết phục người nghe bằng sự uyên thâm của một sử gia đang nắm trong tay sự thật. Những bức tâm thư ông gửi cho giới trẻ trong nước và du học sinh đã tiếp thêm tình yêu tổ quốc trong những dòng máu trẻ.

Ông chỉ cho tôi trang nhật báo Sài Gòn hồi tháng 1/1975 chụp thời khắc ông cùng bạn bè tổ chức triển lãm về chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa, sau sự kiện Hoàng Sa thất thủ không lâu. “Bài phát biểu của tôi được báo chí mô tả là khiến mọi người mừng vui, ôm nhau khóc”, ông bồi hồi.

Ông bà mời tôi cùng các học trò của ông, một vị khách du lịch Mỹ, một giáo sư Việt kiều thưởng trà trên trà đài. Ông dựng trà đài trong vườn vì muốn mô phỏng nơi uống trà và đánh cờ của Nguyễn Trãi trên núi Côn Sơn. Quanh bộ bàn đá chúng tôi ngồi là giả cảnh suối chảy, bóng tùng bách. Trước mắt là cảnh chùa Thầy (Hà Tây cũ) với lễ hội vật dân gian. Cạnh đó là phù điêu bản đồ Việt Nam đắp nổi với những đám mây bay lượn như ý tưởng, mơ ước mà ông nhấn đi nhấn lại: “Việt Nam sẽ phát triển trên nền kinh tế tri thức nhờ thế hệ trẻ”. Tôi chắc rằng, mỗi khi có khách trong ngoài nước viếng thăm, ông lại khẳng định điều này.

Ông đang miệt mài xây dựng những dự án tâm huyết như Ngàn thanh niên thế kỷ XXI. Trên trang thông tin của quỹ Văn hóa giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã mà ông điều hành, những bài viết, bài nghiên cứu của ông không ngoài ước mong làm được “chút gì đó” cho lịch sử, văn hóa, giáo dục.

Bước xuống trà đài, tôi miên man trong những luồng cảm xúc khi ngắm tiểu cảnh sinh hoạt ba miền, các mô hình lễ hội dân gian như múa rối nước, hát quan họ… Một sập biểu diễn ca trù và hát thơ cũng nằm ngay trong phòng khách của ông bà (ông là chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù và hát thơ Lạc Việt, chủ nhiệm CLB âm nhạc dân tộc Hương sắc ba miền). Tiếng phách, tiếng trống chầu, đàn đáy vang lên, làm xôn xao không gian tĩnh lặng khi ông mời chúng tôi ngồi vào chiếu ca trù…

Và di sản gia đình

Trong những lĩnh vực ông đeo đuổi, đa số bà đứng phía sau, ủng hộ bằng cách riêng của mình. Riêng với nghiên cứu ẩm thực, bà đã sát cánh cùng ông từ hơn 20 năm qua. Ông hiện là trưởng Đề án Bếp Việt - bếp của thế giới (tiền thân là Viện nghiên cứu ẩm thực Việt Nam cũng do ông lập ra). Ông ước mong xây dựng lý thuyết, tạo thương hiệu cho ẩm thực Việt không chỉ vì yêu những món ăn quốc hồn quốc túy, mà còn vì mê tài nấu nướng của bà.

Nhung nguon sang am nong
Vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Nhã - chuyên gia Phạm Vân Loan

Những người phụ nữ trong dòng họ của bà lớn lên ở làng Vẽ, dưới chân cầu Thăng Long (Hà Nội), truyền nhau tập tục đẹp xứ Kinh kỳ. Cụ ngoại dạy nết ăn nết ở cho bà ngoại, bà ngoại dạy cho mẹ, rồi tới thế hệ của bà và bây giờ là cô con dâu, những đứa cháu gái (ông bà có hai người con nuôi). Bà nói bà thừa hưởng từ cha tính tỉ mỉ, chỉn chu của người sáng tác ảnh thời các kỹ thuật phòng tối còn thô mộc, thủ công.

Chỉ vào bức ảnh tĩnh vật trái cây bên bình thủy tiên, bà nhớ: “Tết nào cha tôi cũng trồng một bình thủy tiên, canh cho hoa nở đúng ngày mùng Một. Chỉ một chút lơ là sẽ hỏng cả. Nhưng cha chưa kỹ bằng mẹ. Mẹ dạy chúng tôi công - dung - ngôn - hạnh khắt khe đến mức chúng tôi đã ghen tỵ, so bì với bạn bè. Có lần, chị tôi ấm ức hỏi “sao mợ khó với chúng em nhiều hơn với con dâu”. Mẹ tôi nói: “Mợ dạy các em kỹ để các em làm chủ gia đình sau này, làm dâu người ta cho tốt; còn với con dâu, mợ không khó làm gì, vì như thế sẽ mang tiếng ác” (người Hà Nội xưa gọi cha bằng cậu, gọi mẹ là mợ, xưng mình là em).

Câu chuyện của bà về thời niên thiếu cuốn tôi vào những không gian Bắc Việt trước 1954. Những giai đoạn đất nước kháng chiến, một số sinh hoạt và món ăn tinh tế của người Hà Nội bị quên lãng. Rồi những tháng ngày di cư vào Sài Gòn năm 1954, mẹ cha bà gầy dựng lại tập tục gia đình ra sao. Không ít lề thói tiếp tục bị ngắt quãng bởi những năm bao cấp, khi ông đi dạy học còn bà bươn chải trong công việc dược sĩ tại một công ty quốc doanh, cỗ bàn và những thú vui nghệ thuật trở nên xa xỉ.

Trong gian bếp thơm hương thức ăn, bà tự hào kể về những món “không đụng hàng” của gia đình như chả đẫy, chả ngô non. Bà vừa kể chuyện vừa dùng đũa tém gọn chiếc chả vàng ươm trong chảo. Lớp trứng mỏng mịn như lụa bao quanh miếng chả được thắt lại ở cổ, duyên dáng như chiếc đẫy (túi vải) của phụ nữ Bắc ngày xưa. Ông đứng cạnh bổ sung rằng, chả đẫy là món bà đã biểu diễn tại Bỉ; tại buổi tiệc chiêu đãi các phu nhân ngoại trưởng ASEAN ở Malaysia, tại nhiều lễ hội trong nước…

Ông nói với tôi, giữ gìn di sản, không đâu tốt hơn chính từ trong gia đình. Hàng năm, cứ tới Tết, ông lại chặt một cây tre trong vườn để dựng cây nêu trước nhà. Cũng đã tám năm nay, vào sáng và chiều mùng Một, mùng Ba Tết, Công ty du lịch Saigontourist lại đưa đoàn khách “Tây” tới nhà ông bà ăn tết Việt, thưởng thức mâm cỗ kinh điển bà thực hiện.

Phong cách ẩm thực Hà Nội xưa khá cầu kỳ, nhưng trong thời hiện đại, cũng nên linh hoạt, cách tân. Cũng như nếp sống của người Bắc, ông bà cho rằng, những điều tốt đẹp thì gìn giữ, lưu truyền, còn những thứ không phù hợp cần được “cải biên”, lược bớt.

Trời dần tối, tôi từ biệt ông bà khi thấy một chủ nhà hàng chạy tới thỉnh giáo cách xây dựng không gian ẩm thực văn hóa. Một cô sinh viên trẻ ghé tai xin bà chỉ dạy cách nấu món Hà Nội. Bà nói bà rất mừng vì “đám trẻ” còn say mê với những giá trị cổ truyền. Ở tuổi này, chỉ sợ khi ông bà bước sang thế giới khác, mọi thứ sẽ mai một đi…

Cốt cách đẹp của con người đôi khi không khiến ta thấy ngay được, đó là thứ ánh sáng dịu dàng len lỏi bên trong, sưởi ấm, hướng ta tới những điều tốt đẹp. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao ở tuổi 75 và 76, ông bà luôn bận rộn với những cuộc viếng thăm của nhiều giới. Hình như ai cũng muốn nhanh chân để học được từ ông bà một thứ gì đó, cất làm vốn riêng cho mình…

HỒNG PHƯƠNG
Ảnh: 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI