Người Sài Gòn mơ thực phẩm sạch: Bao giờ thành hiện thực?

27/07/2016 - 07:00

PNO - Soi tem bằng điện thoại thông minh chỉ cụ thể hóa vùng vi phạm thực phẩm sạch chứ chưa thể khẳng định được miếng thịt heo đó an toàn với người tiêu dùng.

Bài toán vùng nguyên liệu sạch

Chiều ngày 26/7, anh Nguyễn Việt - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, đơn vị có chuỗi 9 cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP. HCM cho biết, hiện đã nắm được dự án gắn tem lên miếng thịt heo để khách hàng dùng điện thoại kiểm tra mà Sở Công thương TP. HCM đang triển khai. "Chúng tôi sẽ thực hiện điều này để khách hàng có thể kiểm tra bằng chiếc điện thoại trên tay mình" - anh Việt nói.

Theo tìm hiểu của PV, nguồn hàng của An Hạ được lấy từ việc chăn nuôi heo tiêu chuẩn VietGAP đưa về lò mổ của công ty rồi phân phối thành các sản phẩm khác nhau tới tay người tiêu dùng. Trong tháng 1/2016, có thông tin Chi cục Thú y TP. HCM kiểm tra lò mổ An Hạ phát hiện có 3 lô heo chứa chất cấm.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ giải thích: “Lò mổ An Hạ làm dịch vụ, cho các thương lái vào lò mổ theo thỏa thuận. Các lô heo này là của thương lái mang vào lò mổ của chúng tôi gia công rồi tự phân phối, không phải heo của An Hạ”.

Nguoi Sai Gon mo thuc pham sach: Bao gio thanh hien thuc?
Vẫn có trường hợp lợn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP chứa chất cấm tại TP. HCM (Ảnh minh họa)

Dự án gắn tem của Sở Công thương TP. HCM được thực hiện theo quy trình khép kín tại địa phương mình quản lý, mỗi con lợn sẽ được gắn 2 vòng khắc tia laser vào chân sau để theo dõi suốt quá trình nuôi dưỡng. Đến khi số heo này được xuất đến lò mổ, cơ quan chức năng sẽ phát cho chủ lò mổ loại tem đặc biệt gắn lên các sản phẩm để người tiêu dùng có thể soi được.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP HCM cho hay, mỗi ngày người dân TP. HCM tiêu thụ từ 10.000-10.500 con heo nhưng nguồn nuôi trên địa bàn chỉ chiếm 18%-20%, còn lại từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... Như vậy, với số heo lấy từ các tỉnh phụ cận TP. HCM thì không biết sẽ được gắn tem nào để người tiêu dùng "soi" nhận diện.

Theo bà Phạm Thị An - Chủ một cửa hàng bán thực phẩm sạch trên địa bàn Q. 1 - TP. HCM, khi tiêu thụ thịt tươi ra thị trường, ngoài giấy kiểm dịch, nếu cắt từng miếng để lên sạp bán cho khách hàng thì doanh nghiệp cần tới 3 loại tem khác là tem cân, tem phí kiểm dịch và tem nguồn gốc sản phẩm. Đó là chưa kể đối với những cơ sở bán thịt heo nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP thì sẽ còn phải có giấy chứng nhận điều này nữa.

"Khi Sở Công thương ra loại tem mới thì 4 tem kia có được miễn không? Chúng tôi cũng không biết rõ nếu giữ nguyên vùng nguyên liệu thì có được cấp tem mới hay không?" - bà An đặt câu hỏi.

Chỉ là liệu pháp trấn an tin thần người dân

Nói về dự án soi tem bằng điện thoại trên miếng thịt heo, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới (địa chỉ Q. 1 - TP. HCM) cho rằng, việc này trên thế giới đã thực hiện từ 50 năm trước. Dự án chỉ giúp cơ quan chức năng dễ truy thủ phạm khi có sự cố xảy ra hơn là việc người tiêu dùng được ăn miếng thịt heo sạch hơn.

Nguoi Sai Gon mo thuc pham sach: Bao gio thanh hien thuc?
TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới.

Theo ông Nghĩa, dự án mà Sở Công thương TP. HCM thực hiện không khác gì cấp "Chứng minh nhân dân" cho miếng thịt heo, tất cả đều trong một. Hiện nay, phổ biến tình trạng thực phẩm bẩn độc bị phát hiện nhưng lại khó truy nguồn gốc phát tán để xử lý. Trong khi đó, "chứng minh nhân dân" trên thịt heo lại giải quyết được khó khăn này. Nếu người tiêu dùng phát hiện miếng thịt có vấn đề thì có thể báo cơ quan chức năng, kiểm tra nguồn gốc miếng thịt từ chiếc tem để biết được cơ sở nào đã vi phạm.

"Thực tế thì các loại tem, dấu hiện nay cũng đã đủ để cơ quan chức năng có thể truy về nguồn gốc thực phẩm bản nhưng mất nhiều thời gian hơn khi dự án gắn tem mới đi vào thực hiện. Tuy nhiên, người dân không phải vì thế mà được ăn miếng thịt heo sạch hơn, đảm bảo hơn" - ông Nghĩa nhận định.

Ông Nghĩa nhớ lại việc người dân TP. HCM sử dụng máy đo thực phẩm an toàn từng gây xôn xao dư luận vào cuối năm 2015. Để đối phó với tình trạng thực phẩm bẩn độc, loại máy đo này được phát minh để đo hàm lượng nitrat (NO3) xem có ở ngưỡng an toàn hay không. Nhưng sau một thời gian đi vào thực tiễn thì người tiêu dùng vỡ mộng bởi có nhiều vấn đề xảy ra như không thể kiểm tra được hết mọi loại thực phẩm, độ chênh lệch lớn giữa chỉ số trên máy và chỉ số người bán đưa ra....

Ngoài ra hàm lượng phân đạm (gốc NO3) trong thực phẩm, các loại kim loại nặng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, tăng trưởng và vi sinh vật cũng ảnh hưởng đến độ an toàn của thực phẩm. Đặc biệt, thuốc trừ sâu có hàng ngàn loại khác nhau và không thể kiểm tra bằng máy kiểm tra nhanh được mà phải đưa vào phòng thí nghiệm để phân tích.

"Việc sử dụng máy đo nitrat chỉ như một liệu pháp tinh thần nhằm trấn an người tiêu dùng chứ không thể giải quyết được vấn đề. Và việc dùng tem soi bằng điện thoại thông minh trên thịt heo cũng vậy, người tiêu dùng cảm thấy yên tâm khi biết được một số thông tin mà không rõ thực chất bên trong miếng thịt như nào" - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng, để giải quyết được tình trạng thực phẩm bẩn độc thì cơ quan chức năng cần truy về tận gốc vấn đề, nơi sản xuất nguyên liệu chứ không phải để người tiêu dùng tự phòng vệ bằng những loại máy móc nào đó.

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI