Má nhõng nhẽo

05/03/2019 - 11:12

PNO - Thật ra những lúc má rên, chỉ cần hỏi má đau chỗ nào, má đang có chuyện gì buồn, hay chọc ghẹo má một câu, má sẽ thôi rên.

Hồi nhỏ sống với má, má than thở, rên rỉ tối ngày, nghe quen nên chị em tôi cho chuyện đó bình thường. Đến khi trưởng thành, chúng tôi mới bắt đầu sợ tiếng than, tiếng rên của má và thương ba chịu đựng âm thanh ấy suốt mấy chục năm. Má bảo đau lưng, hết đứa này tới đứa khác đấm bóp, rồi đưa má đi châm cứu, đi bệnh viện. Bệnh hết đó rồi lại đau đó, má cứ rên hoài, con cái trong nhà đứa nào cũng nản.

Chúng tôi lập gia đình, ra riêng, chỉ có ba má sống ở quê. Dù vậy, nhất cử nhất động của ba má, chị em tôi đều biết. Tiếng là ra riêng, nhưng vợ chồng thằng út ở chỉ cách vài cây số, ngày nào đi làm cũng tạt ngang nhà ba má, rồi thì điện thoại, nhắn tin... Hôm qua, ba gọi điện bảo, má càng già càng trở chứng, rồi ba nhờ tôi mời má vào Sài Gòn chơi, biết đâu má vui. Ngay lập tức, thằng út đặt vé máy bay, tôi ra sân bay đón má. Vừa đặt chân tới nhà, má đã than đi đường mệt chết đi được. “Già rồi, lưng đau mỏi, mắt mờ, phố xá lại đông đúc ồn ào mắc mệt”.

Ma nhong nheo
 

Tôi nháy mắt, ra hiệu bảo con trai mang giỏ xách của ngoại lên lầu, pha cho ngoại cốc nước mát. Tôi lật đật chạy đi mua cho má tô phở, vì đã 9g, má chưa ăn sáng. Má hỏi tô phở bao nhiêu. Biết tính má, tôi chỉ nói hai mươi ngàn, vậy mà má vẫn than mắc quá, vị khó ăn hơn quê mình, rồi má vừa ăn vừa thở hắt ra. Tôi hỏi: “Má đau chỗ nào, mai con đưa đi khám bệnh, than mà hết bệnh thì hãy than. Chớ má than hoài, người thân đang vui cũng hóa mệt”. Má nói chẳng hiểu sao mỗi lần không khỏe, rên một chút cảm giác đỡ hơn. Hóa ra là vậy. Kể lại câu chuyện này, tôi bảo với ba và mấy chị em trong nhà là từ nay càng phải học cách chấp nhận lời than của má, mong đừng ai vì lời than, lời rên của má mà rầu. 

Vậy nhưng, ba bảo ba không chịu nổi. Nhà chỉ có hai vợ chồng già, má than là ba muốn bệnh theo. Ba chở má đi bệnh viện, bác sĩ khám xong bảo má về đi thể dục buổi sáng, ăn uống điều độ, lành mạnh, chớ bệnh của má không có gì trầm trọng, chỉ là tuổi già đau lưng, nhức mỏi. Ba tôi chiều má, ngày nào cũng xoa bóp, đấm lưng. Ba nói với má, nhìn quanh thấy tuổi già của mình có cặp có đôi là may rồi. Nhiều khi con cái về thăm, ba đã “xi nhan” má trước: để tụi nó chơi cho trọn vẹn, đừng than thở chuyện không đáng, con cái buồn tội nghiệp nghen bà. Từ bữa đó, không thấy má than nhiều như trước nữa. Ba gọi điện vào bảo, má bớt than, lòng ba nhẹ như tơ. Ba còn nói, má bây thích nhõng nhẽo, thích gây sự chú ý để được quan tâm, mà không biết cách. Làm như già hóa con nít vậy. 

Sau cú điện thoại của ba, tôi cũng tự trách mình, con gái gần gũi má mà không phát hiện ra má muốn gì, để má tự “đày đọa” bản thân suốt mấy chục năm như thế. Má chưa từng đòi hỏi điều gì, chỉ là cần con cái chia sẻ, hỏi han, mà chẳng đứa nào chịu hiểu, lại còn trách má. Thật ra những lúc má rên, chỉ cần hỏi má đau chỗ nào, má đang có chuyện gì buồn, hay chọc ghẹo má một câu, má sẽ thôi rên. 

Cuối cùng thì bệnh của má vô tình ba “chữa” khỏi. Sau này, khi má nấu cơm, ba phụ họa, xớ rớ, má vui hẳn. Ngủ thì không còn ai nằm giường nấy, bởi lỡ người này có chuyện gì, làm sao người kia phát hiện? Má đau lưng, ba sẵn sàng xoa bóp, mà không nghĩ rằng má đang than thở. Ba nói, không muốn “bệnh” của má “tái phát”. Không chỉ ba mà chị em tôi cũng biết mình phải làm gì. Con cái ở xa, cũng có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu thương với ba má mình. 

Thái Phương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI