Cuối tuần, đón xe bus số 90

02/06/2019 - 05:30

PNO - Thạnh An là một xã đảo nhỏ thuộc huyện Cần Giờ (TP.HCM), cách trung tâm huyện khoảng 8km đường chim bay nhưng để ra đảo, bạn phải đi tàu mất 45 phút.

Thạnh An là một xã đảo nhỏ thuộc huyện Cần Giờ (TP.HCM), cách trung tâm huyện khoảng 8km đường chim bay nhưng để ra đảo, bạn phải đi tàu mất 45 phút. Từ trung tâm Sài Gòn, bạn có thể đến bến đò Thạnh An - Cần Giờ bằng xe buýt hoặc xe máy, rồi từ đây mua vé tàu ra đảo. Nếu đi bằng xe máy, bạn có thể ngắm được cảnh rừng sác, có thể ghé lại bất cứ nơi nào để chụp hình vì hai bên đường đi có rất nhiều cảnh đẹp sẵn sàng “níu chân” du khách. 

Lênh đênh sóng nước

Hôm ấy, chúng tôi chọn xe buýt vì thuận tiện, mát mẻ…

Cuoi tuan, don xe bus so 90

Cách trung tâm thành phố chỉ vài chục cây số, Cần Giờ là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu biển và mê hải sản.

Tuyến xe buýt số 75 đi từ công viên 23 tháng 9 thẳng đến Cần Giờ nhưng tuyến này xe ít, phải chờ lâu, nên chúng tôi chọn xe số 20 (tuyến này nhiều xe, chạy liên tục). Tôi khởi hành từ Sài Gòn lúc 7 giờ đến bến phà Bình Khánh mất khoảng gần 1 giờ. Sau khi đi bộ qua phà Bình Khánh (vé qua phà 1.000 đồng/người), chúng tôi đón xe buýt số 90 để đến Cần Giờ.

Sau 45 phút, xe thả chúng tôi tại trạm bến đò Thạnh An (Cần Thạnh). Tôi đi bộ thêm khoảng 300m đến bến tàu. Giá vé tàu ra đảo 10.000 đồng/người. Riêng việc được lênh đênh trên biển đã là một trải nghiệm thú vị.  

Tàu băng qua những cụm rừng ngập mặn xanh mát trải dài ngút mắt. Tôi say mê ngắm lũ cò sà xuống gắp cá trên mặt nước rồi bay lên rất nhanh. Xa xa là biển Vũng Tàu, mênh mông trời nước. Những chiếc thuyền lớn, bé chầm chậm trôi trên biển cho tôi cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên. 

Cuoi tuan, don xe bus so 90

Cứ thế, tàu tiếp tục băng qua khu vực nuôi hàu với giàn phao là những thùng nhựa lớn nhỏ màu xanh nổi trên mặt nước. Tiếng là hàu nuôi chứ không phải hàu tự nhiên nhưng người lái đò cho biết hàu Thạnh An nổi tiếng ngon. Người nuôi hàu ở đây không cần chuẩn bị con giống, không phải cung cấp thức ăn cho hàu và cũng không mất nhiều thời gian chăm sóc do giống và nguồn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên. Họ làm những miếng xi măng, cát hình vuông, cột lại với nhau bằng dây dù, mang ra treo vào giàn phao trên biển. Nhuyễn thể hàu trôi trong nước biển bám vào và sinh trưởng, phát triển. Công việc của người nuôi hàu là theo dõi sự phát triển của chúng và… chờ thu hoạch. 

Hiện nay, nghề nuôi hàu ở Thạnh An phát triển mạnh, giúp cải thiện đời sống người dân nơi đây.  

Vì đi chuyến tàu 10 giờ 30 nên chúng tôi lên đảo khi đã gần trưa. Sau khi đi bộ một vòng tham quan chợ và những nơi bán hải sản, đặc sản của đảo (mắm tôm, cá cơm chua…), chúng tôi vào một quán có bảng giá niêm yết rõ ràng để ăn trưa. Chủ quán cho biết, quán có chỗ nghỉ trưa, phòng máy lạnh hay quạt đều miễn phí, đồng thời gợi ý rằng khi ăn xong, chúng tôi cần nghỉ ngơi một lát đợi trời dịu mát rồi đi thăm đảo. Quả là một cách làm du lịch tuyệt vời.

Chúng tôi gọi một lẩu hải sản cho ba người với giá 150.000 đồng, mấy ký hàu nướng, bạch tuột nướng và tôm tít hấp. Đặc biệt, hàu ở đây khá ngon và giá mềm. Hàu nướng phô mai có giá 40.000 đồng/kg, ngon tuyệt vời.

Sau bữa trưa chúng tôi bắt đầu đi thăm đảo. Điều bất ngờ nữa là giá xe ôm ở đây cũng rất rẻ: chỉ 10.000 đồng/người đi vòng quanh hết đảo. 

Cuoi tuan, don xe bus so 90
Đường chính trên đảo.
Cuoi tuan, don xe bus so 90
Chế biến mắm cá cơm chua.
Cuoi tuan, don xe bus so 90

Ngôi trường mới xây để học sinh không phải đi học xa.

Đảo nhỏ thanh bình

Đảo khá nhỏ, người xe ôm nói với tôi, bề ngang đảo trung bình khoảng 500m, có nơi chỉ 200m và dài khoảng 2km. Trên đảo có hai con đường chính chạy song song: một con đường chính lớn (gọi là lớn nhưng bề ngang chỉ khoảng 3m) ngang qua khu vực các cơ quan hành chính và một con đường nhỏ hơn gần kè đá chắn sóng. Nối liền hai con đường này là các con hẻm. 

Đảo nằm giữa hai con sông lớn là Thị Vải và sông Lòng Tàu - nên nhà cửa nơi đây không lớn. Dân số của đảo chỉ khoảng 5.000 người. Cuộc sống của người dân trên đảo còn nhiều khó khăn. Họ chủ yếu làm các nghề: nuôi, bắt hải sản, làm muối và trồng rừng. 

Trên đảo giờ đây đã có điện, nước sạch tiện nghi và một trường trung học phổ thông mới xây dựng khá hoành tráng để học sinh ở đảo không phải đi học xa.

Người xe ôm thả chúng tôi ở kè đá để chúng tôi tự do tham quan, chụp hình và hẹn giờ quay lại đón. Đảo trưa thật thanh bình, phóng tầm mắt xa kia là những dãy núi ở Bà Rịa và chếch đấy là lô nhô núi ở Vũng Tàu ẩn hiện trong màu xanh của biển.

Tôi đã thấy một tấm hình chụp đảo Thạnh An từ trên cao với dãy kè đá chắn sóng chạy vòng ôm lấy đảo rất ngoạn mục. Bức ảnh ấy đã gợi cảm hứng cho chuyến đi này. Cách khoảng vài trăm mét lại có một đường đá nhỏ vươn ra biển, người xe ôm gọi đó là “cựa gà”, nhằm chắn sóng. Đây cũng là nơi thu hút các bạn trẻ chụp hình nhiều nhất khi tới Thạnh An bởi thời điểm nào cũng có thể cho bạn những bức ảnh đẹp. 

Cuoi tuan, don xe bus so 90
Hòn đảo này thu hút rất nhiều du khách trẻ.
Cuoi tuan, don xe bus so 90
Lênh đênh giữa rừng ngập mặn.

Chúng tôi lên chuyến tàu 14 giờ 30 để về vì muốn tham quan thêm đảo khỉ ở Cần Giờ sau khi chương trình đi đảo Thiềng Liềng (cũng thuộc Thạnh An) không thực hiện được vì không có đò qua. 

Nếu muốn đi đảo Thiềng Liềng - là đảo mà người dân chuyên nghề làm muối - bạn phải đi sớm hơn. Các bạn trẻ thích đi đảo này để chụp ảnh ruộng muối. 

Đò từ Thiềng Liềng về lại Thạnh An chỉ 14 giờ là hết. 

Có vẻ như lúc về nhanh hơn lúc đi hay vì chúng tôi còn nuối tiếc chút thời gian quý báu nơi xã đảo yên bình này. Xuống đò, như lộ trình đi, chúng tôi lên xe buýt số 90, qua phà Bình Khánh rồi đi xe số 20 về lại công viên 23 tháng 9. Tổng cộng, tiền vé đi lại trong ngày chưa đến 50.000 đồng/người, quá rẻ cho một chuyến du lịch đảo cách trung tâm thành phố khoảng 80km. 

Trên chuyến phà về, chúng tôi hẹn nhau sớm trở lại để ăn hàu và thưởng thức không khí trong lành của đảo. Chương trình dài hơn vì chúng tôi sẽ nghỉ lại đêm để sáng sớm ngắm bình minh trên biển và đi đò qua đảo Thiềng Liềng xem người dân làm muối; tạm xa chốn thành thị xô bồ một hai ngày để nạp lại năng lượng tiếp tục cuộc mưu sinh. 

Với tôi, một người lớn yêu biển, Thạnh An đúng là viên ngọc quý cho cư dân Sài Gòn cần nơi thư giãn, hít thở không khí trong lành, thưởng thức hải sản tươi ngon, rẻ mà không phải đi xa.

- Giờ tàu ra đảo: 6 giờ 30, 9 giờ, 10 giờ 30, 12 giờ, 14 giờ, 17 giờ.

Nếu muốn đi đảo Thiềng Liềng, bạn phải đi chuyến đò 6 giờ 30 mới kịp bắt đò đi qua đảo. Có nghĩa là bạn phải lên chuyến xe buýt thật sớm (5 giờ) từ Sài Gòn. 

- Giờ tàu từ đảo về đất liền: 6 giờ 30, 7 giờ 30, 10 giờ, 12 giờ, 14 giờ, 17giờ. 

Đào Thị Thanh Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI