Phạt 50 – 70 triệu đồng đối với hành vi mua bán thông tin cá nhân

17/06/2017 - 15:00

PNO - Luật sư Bùi Minh Nghĩa – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Luật Hằng Sinh, đoàn luật sư TP.HCM cho biết, việc mua bán số điện thoại của khách hàng cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 có qui định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Về xử lý vi phạm hành chính thì tại Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện cũng quy định: “Người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.” 

Nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng và có đủ cấu thành tội phạm thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 226 của BLHS tùy theo đặc điểm, tính chất và nội dung cụ thể của việc vi phạm đó.

Phat 50 – 70 trieu dong doi voi hanh vi mua ban thong tin ca nhan
Sự phát triển của công nghệ thông tin cho phép nhiều dịch vụ diễn ra trên internet.

Như vậy, thông tin cá nhân không phải là hàng hóa để có thể đem ra mua bán. Các tổ chức, cá nhân thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình có được thông tin của người tiêu dùng một cách hợp pháp, được sự đồng ý của người tiêu dùng (như các nhà mạng, bệnh viện, doanh nghiệp kinh doanh, chương trình khuyến mãi…) nhưng lại chuyển giao hoặc không có biện pháp bảo mật để thông tin người tiêu dùng lộ ra ngoài thì các công ty, tổ chức này cũng vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, phải được xứ lý nghiêm. 

Không chỉ việc mua bán thông tin cá nhân là vi phạm, theo luật sư Bùi Minh Nghĩa thì ngay cả hành vi gọi điện thoại làm phiền khách hàng cũng bị xử phạt.

Luật sư Nghĩa giải thích, Khoản 2 Điều 10 luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 qui định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng” là hành vi quấy rối bị nghiêm cấm.

Với hành vi vi phạm trên, Điều 78 Nghị Định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên; có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, phần lớn các dịch vụ phục vụ cuộc sống hiện đại, từ ăn uống, mua sắm, du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sắc đẹp, kinh doanh… đều thông qua internet. Việc sử dụng thông tin cá nhân của mình để đăng ký dịch vụ ở bất cứ nơi đâu, cũng đều có thể bị lộ.

Phat 50 – 70 trieu dong doi voi hanh vi mua ban thong tin ca nhan
Người dân cần lưu ý đối với việc khai báo thông tin cá nhân khi đăng ký sử dụng các dịch vụ trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh minh họa.

Dù pháp luật có quy định rõ ràng, tuy nhiên việc mua bán thông tin cá nhân, đến việc “bom” điện thoại làm phiền khách hàng vẫn diễn ra công khai. Câu hỏi đặt ra, phải chăng mức xử phạt chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận từ các hoạt động này đem lại? Hay do cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo, thiếu quyết liệt nên tình trạng này vẫn diễn ra trong thời gian dài và hiện vẫn đang hoành hành?

Trong lúc chờ cơ quan quản lý vào cuộc, tốt nhất người dân cần tự bảo vệ mình. Theo ông Nguyễn Văn Xoan – Giám đốc công ty bất động sản Thiên Bảo, một trong những biện pháp có thể áp dụng để tránh thông tin của mình bị lộ, khi đăng ký bất cứ dịch vụ gì tại nơi công cộng như bệnh viện, siêu thị, nhà hàng… người dân không nên dùng số điện thoại chính mà nên sử dụng số phụ. Chỉ cần thông qua cuộc gọi đến từ số phụ hoặc số chính là có thể dễ dàng nhận biết đó là người thân gọi hay bên ngoài gọi.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI