Vỡ đập, giật mình với ô nhiễm ở đầu nguồn sông Hồng

29/10/2018 - 17:00

PNO - Chỉ riêng trong một khu công nghiệp ở đầu nguồn sông Hồng, đã có 28 dự án đầu tư sản xuất phân bón và hóa chất...

Dù đã gần lấp đầy diện tích cho thuê nhưng khu công nghiệp này chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các cơ sở trong khu công nghiệp này chỉ xử lý nước thải sơ bộ rồi xả trực tiếp ra các thung lũng xung quanh.

Vo dap, giat minh voi o nhiem o dau nguon song Hong
Sông Hồng sẽ gánh chịu ô nhiễm từ khu công nghiệp Tằng Loỏng khi khu công nghiệp này xảy ra các sự cố môi trường như vụ vỡ đập

Liên quan đến vụ vỡ đập chứa chất thải tại Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (viết tắt Công ty DAP 2) ở khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Lào Cai giao cho các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra các hành vi vi phạm của Công ty DAP 2 để xử lý nghiêm. Đây là vụ việc Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh qua bài viết Bất chấp cảnh báo, vẫn để vỡ đập, đăng ngày 14/9.

Bộ TN-MT cho biết, theo đánh giá ban đầu của các cơ quan chuyên môn, do độ cao đê bao quanh bãi chứa chất thải gyps (đá vôi, thạch cao) khá lớn, lượng nước chứa trong hồ khá nhiều nên nước thải ngấm qua thành đập làm nhũn đất, gây ra sự cố vỡ đập. Tuy nhiên, Công ty DAP 2 không có các biện pháp ứng phó kịp thời.

“Công ty DAP 2 hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhưng chủ quan và chậm trễ trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố do vỡ đập chứa gyps thải, mặc dù trước đó đã nhận được yêu cầu và cảnh báo của nhiều đơn vị...” - Bộ TN-MT báo cáo.

Theo Bộ TN-MT, sự cố vỡ đập bãi thải ở Công ty DAP 2 vào ngày 7/9 gây ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm và môi trường đất trên diện rộng tại các khu vực có bùn thải tràn qua. Tổng cộng, có 35 hộ dân bị ảnh hưởng. Tính đến cuối tháng 9/2018, Công ty DAP 2 đã bồi thường cho người dân khoảng 3,3 tỷ đồng. Để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như môi trường xung quanh nhà máy sản xuất phân bón, Bộ TN-MT yêu cầu Công ty DAP 2 chỉ được phép hoạt động trở lại sau khi gia cố toàn bộ đập hồ thải, khắc phục xong hậu quả vi phạm.

Điều đáng lo ngại, qua sự cố vỡ đập ở nhà máy sản xuất phân, Bộ TN-MT nhận thấy, KCN Tằng Loỏng nằm ngay đầu nguồn sông Hồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể, KCN này có diện tích hơn 1.100 héc-ta, hiện đã có 44 dự án đang hoạt động và đăng ký đầu tư với tỷ lệ lấp đầy hơn 79%, trong đó có đến 28 dự án đầu tư sản xuất phân bón và hóa chất (gồm 13 dự án đang hoạt động, 13 dự án đang xây dựng và 2 dự án đang được xem xét để cấp phép đầu tư).

Dù đã gần lấp đầy diện tích cho thuê nhưng KCN này chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà chỉ mới được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết gửi Bộ TN-MT thẩm định. Hiện cũng chưa có quy hoạch hệ thống thu gom nước thải trong KCN, các cơ sở trong KCN chỉ xử lý nước thải sơ bộ và xả ra các thung lũng xung quanh.

Theo thống kê, lượng nước cấp cho các doanh nghiệp trong KCN Tằng Loỏng khoảng 16.000m3/ngày đêm. Nước thải sản xuất của các dự án trong KCN này chưa được thu gom triệt để đưa vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Lượng nước mưa chảy tràn trên bề mặt của KCN có nguy cơ nhiễm hóa chất chưa được thu gom, xử lý nên cũng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước mặt và nước ngầm trong khu vực.

Các công ty phân bón như Công ty DAP 2 và Công ty cổ phần Hóa chất Đức Giang Lào Cai cũng chưa có biện pháp xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất, có nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn hoặc vượt quá công suất lưu giữ. Khí thải tại các nhà máy sản xuất hóa chất không được kiểm soát...

Với những lý do trên, Bộ TN-MT yêu cầu tạm dừng việc cấp mới, mở rộng, nâng công suất các dự án đầu tư sản xuất hóa chất và phân bón trong KCN này. Điều đáng lo ngoại hơn, do quy hoạch của KCN Tằng Loỏng bất cập nên xảy ra tình trạng khu dân cư xen lẫn trong các nhà máy, dự án sản xuất hóa chất, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của người dân, đặc biệt dân cư sẽ chịu thiệt hại nặng nề khi có sự cố xảy ra như vụ vỡ đập.

Để tránh thiệt hại cho người dân, Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Lào Cai sớm di chuyển toàn bộ dân cư nằm trong vành đai KCN này (khoảng 500 hộ dân, chưa tính vành đai ảnh hưởng). Kinh phí di dời, tái định cư lên đến 1.500 tỷ đồng.

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI