Lệnh cấm nhập cư của ông Trump là lực cản với kinh tế Mỹ?

02/02/2017 - 07:16

PNO - Lệnh cấm nhập cư của ông Trump không chỉ là cú sốc lớn về phương diện chính trị, xã hội mà còn khiến nhiều doanh nghiệp sừng sỏ của Mỹ lao đao.

Làng công nghệ lao đao

Hầu hết các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon có tỷ lệ lao động là người đến từ các quốc gia khác khá nhiều, chiếm 37% lao động.

Lệnh cấm của ông Trump đồng nghĩa với việc những lao động đến từ 7 quốc gia có trong “danh sách đen” tạm thời không được quay về Mỹ nếu họ có việc phải ra khỏi nước này mà không kịp về trước khi ông Trump ban hành sắc lệnh.

Tổng giá trị cổ phiếu của 5 công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ hiện nay là Apple, Alphabet, Microsoft, Amazon đã "bay hơi" mất 32 tỷ USD. Thời điểm trước khi có sắc lệnh, tổng giá trị cổ phiếu của 5 công ty trên là 2.400 tỷ USD.

Lenh cam nhap cu cua ong Trump la luc can voi kinh te My?
Giám đốc Điều hành Apple Tim Cook cân nhắc hành động pháp lý đảo ngược tình thế. - Ảnh: vegassports-odds

Thung lũng Silicon là nơi cho ra lò và cũng là nơi đón nhận nhiều nhân tài hàng đầu thế giới. Đây là những nhân tố thúc đẩy sự cạnh tranh đi lên cho nền kinh tế Mỹ.

Giám đốc Điều hành Apple Tim Cook ngày 1/2 nói rằng sẽ cân nhắc hành động pháp lý đảo ngược tình thế. Hàng trăm nhân viên của Apple bị ảnh hưởng vì lệnh cấm và đây là điều Apple không bao giờ mong đợi. Tim Cook từng cho rằng Apple sẽ không sống được nếu thiếu người nhập cư.

Nhiều công ty công nghệ đã có hành động cụ thể vì không muốn bị tổn hại nặng nề. Google tạo ra quỹ khủng hoảng 4 triệu USD làm lợi cho Liên hiệp quyền tự do dân sự Mỹ, Trung tâm tài nguyên pháp lý nhập cư, Ủy ban cứu hộ quốc tế và Cao ủy LHQ về người nạn. Mục tiêu duy nhất của Google chính là bảo vệ quyền lợi cho lao động nhập cư của mình.

Lenh cam nhap cu cua ong Trump la luc can voi kinh te My?
Nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin (người gốc Nga) tham gia vào cuộc biểu tình tại sân bay quốc tế San Francisco, phản đối sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump - Ảnh: India Today

Kinh tế Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào người nhập cư

Đến thời điểm này, các công ty có tên trong Fortune 500 (bảng xếp hạng danh sách 500 công ty lớn nhất của Mỹ tính theo tổng doan thu) lên tiếng phản đối lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump gồm: Apple, Citigroup, Expedia, Facebook, Ford, Goldman Sachs, Alphabet, Intel, JPMorgan Chase, MasterCard, Microsoft, Netflix, Nike, Procter & Gamble, Salesforce.

Ngoài ra các công ty như Twitter, Square, Airbnb, Github, Etsy, Lyft, Uber, Tesla, TripAdvisor, hãng dược Allergan, Perlara cũng lên tiếng.

Điều này cho thấy ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của lệnh cấm vì kinh tế Mỹ đã phụ thuộc quá nhiều vào người nhập cư.

Sắc đỏ đã bao phủ thị trường chứng khoán New York trong ngày đầu tuần 30/1 với việc chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 100 điểm và đây là ngày tồi tệ nhất đối với phố Wall kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016. Gần như tất cả các cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 cũng đều mất điểm.

Lenh cam nhap cu cua ong Trump la luc can voi kinh te My?
Sắc đỏ đã bao phủ thị trường chứng khoán New York ngay sau Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm người nhập cư. - Ảnh: Getty Images

Theo một nghiên cứu phát triển doanh nghiệp của Kauffman Foundation, người nhập cư có xu hướng kinh doanh, tự mở doanh nghiệp mới cao gấp đôi người Mỹ và khoảng cách này ngày càng tăng.

Trong những nhóm thiểu số, người Latinh có tỷ lệ mở doanh nghiệp cao nhất. Doanh nghiệp mới đóng vai trò sống còn trong một nền kinh tế năng động, bởi họ phát triển nhanh hơn và tạo nhiều việc làm hơn những mô hình kinh doanh đã phát triển.

Dân số đông kích thích tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tỷ lệ sinh cao giúp trẻ hoá quốc gia. Nước Mỹ có thể cần hạn chế các gói trợ cấp chính phủ, nhưng cũng cần nhiều hơn nữa người lao động để chi trả cho phúc lợi xã hội và y tế khi thế hệ thời bùng nổ dân số đã về hưu. Nhiều người nhập cư sẽ đồng nghĩa thêm nhiều người chia sẻ gánh nặng này.

Nghiên cứu “Doanh nghiệp mới từ dân nhập cư Mỹ: Ngày ấy và bây giờ” chỉ ra 24,3% các công ty khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ-kỹ thuật và 49,3% công ty ở Thung lũng Silicon thuộc về người nhập cư, do người nhập cư tọa dựng nên.

Người nhập cư ở Mỹ chiếm đến 60% chứng nhận bằng sở hữu trí tuệ cho những phát minh, sáng kiến độc đáo tỏng kinh doanh.

Lenh cam nhap cu cua ong Trump la luc can voi kinh te My?
Nhân viên Google xuống đường biểu tình. - Ảnh: Instagram

Không chỉ các công ty công nghệ, rất nhiều doanh nghiệp phải lao đao sau lệnh cấm của ông Trump. Trước nhất là các hãng máy bay đã phải cam kết bồi hoàn tiền vé cho du khách bị chặn không được vào nước Mỹ từ sắc lệnh.

Nếu lệnh cấm người nhập cư ở 7 quốc gia tiếp tục bị kéo dài ra thêm thì các trường đại học Mỹ sẽ mất khoảng 700 triệu USD mỗi năm vì hụt khoản học phí của sinh viên từ những quốc gia trên.

Hơn nữa, việc trục xuất người nhập cư không có giấy phép theo kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tốn 5.000 tỷ USD trong 10 năm. Rất nhiều thiệt hại phát sinh và bị kéo theo sau lệnh cấm nhập cư.

Vì thế, động thái “đánh mạnh” của ông Trump được cho là có thể tạo ra làn sóng bất ổn trên thị trường, khiến các nhà đầu tư không còn cảm thấy yên tâm khi quyết định đầu tư.

Di Lâm (Theo NBC, CBS, Fortune, Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI